Từ Olympic Tokyo nhìn lại sự ra đời của Thế vận hội hiện đại
Thể thao - Ngày đăng : 06:00, 27/07/2021
Vận động viên quần vợt Naomi Osaka thắp đuốc tại Lễ khai mạc Olympic Tokyo |
Không còn những màn biểu diễn hoành tráng được truyền hình trực tiếp trên toàn cầu, với hàng ghế khán giả đông nghịt. Tổng số lượng người tham gia Olympic Tokyo chỉ khoảng 68.500 người - bao gồm cả các vận động viên, huấn luyện viên, quan chức, thành viên Ủy ban Olympic, giới truyền thông các nước, trong khi con số dự kiến ban đầu là 200.000. Và như thế, vận động viên quần vợt Naomi Osaka đã thắp sáng ngọn đuốc biểu trưng, bắt đầu cho một kỳ Thế vận hội không như thường lệ.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại sự ra đời của của Thế vận hội Olympic hiện đại, có lẽ ý nghĩa của ngọn đuốc ấy, của đại hội thể thao lớn nhất hành tinh chưa từng thay đổi, dù nhiều biến cố đã từng xảy ra.
Ngày 25/11/1892, Nam tước người Pháp Pierre de Coubertin lần đầu đưa ra ý tưởng về việc khôi phục đại hội thể thao Olympic.
Nam tước Pierre de Coubertin - người khởi xướng Thế vận hội Olympic hiện đại |
Olympic là 1 trong 4 lễ hội lớn nhất Hy Lạp cổ đại, được tổ chức 4 năm một lần, bắt đầu từ năm 776 TCN. Các thành bang Hy Lạp cổ đại vốn chia rẽ về mặt chính trị nhưng chia sẻ cùng một nền tảng văn hóa. Với niềm tin chung là Olympic được bảo hộ bởi các vị thần, các thành bang cử người tham gia đại hội thể thao, và trong suốt thời gian thi đấu họ không được mang vũ khí vào đấu trường hay đánh nhau. Olympic vì thế không chỉ là cuộc đua sức mạnh, mà còn là hoạt động thể hiện sự thống nhất, tinh thần hữu nghị và hòa bình.
Sau nhiều năm ấp ủ và nghiên cứu, năm 1892, Nam tước Pierre de Coubertin đã có một bài phát biểu tại đại học Sorbonne nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm Liên hiệp Điền kinh Pháp. Trong bài phát biểu dài mười bốn trang giấy này, ông Coubertin (khi đó 29 tuổi) lần đầu tiên đưa ra ý tưởng nên khôi phục đại hội thể thao Olympic. Coubertin nhấn mạnh vào giá trị giáo dục của thể thao: Không những thể thao nâng cao sức khỏe, mà còn tốt cho trí não. Tinh thần và cơ thể khỏe mạnh sẽ phối hợp ăn ý hơn. Và cũng giống như đại hội thể thao Olympic cổ đại, thể thao có thể trở thành một trong những nền tảng để xây dựng thế giới hòa bình, tốt đẹp hơn.
Bài phát biểu không được đón nhận nồng nhiệt, vì ở Pháp thời điểm đó, người ta chưa đánh giá đúng vai trò của các hoạt động thể chất. Trong khi các trường học tại Anh, Mỹ đưa thể dục thể thao vào hoạt động hàng ngày trong nhà trường, thì ở Pháp các hoạt động này là một phần của chương trình huấn luyện quân sự, nhưng không phải hoạt động bắt buộc ở trường học.
Tuy nhiên Coubertin không nản lòng. Ông đã sử dụng tất cả các nguồn lực có thể để vận động khắp châu Âu cho việc đưa đại hội thể thao Olympic trở lại. Hai năm sau, vào năm 1894, cũng tại đại học Sorbonne, ở chính hội trường mà Coubertin từng phát biểu, Ủy ban Olympic được thành lập và vạch ra kế hoạch cho kỳ đại hội thể thao đầu tiên.
Năm 1896, Kỳ Olympic hiện đại đầu tiên được tổ chức và diễn ra tại Athens, Hy Lạp, quê hương của các đại hội thể thao Olympic, chỉ với 12 nước tham gia. Từ đó đến nay, cứ bốn năm một lần, Olympic trở thành sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh được cả thế giới chờ đón, với sự tham gia của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bài phát biểu của Coubertin được coi như Tuyên ngôn đầu tiên của Thế vận hội Olympic hiện đại. Mặc dù còn có một số điểm chưa tiến bộ như không thừa nhận sự tham gia của phụ nữ (các vận động viên nữ tham gia Olympic bắt đầu từ năm 1900), nhưng nhìn chung, bài phát biểu của Coubertin đã nêu lên được tinh thần cơ bản của đại hội thể thao này, đó là vai trò quan trọng của thể thao đối với sức khỏe và tinh thần hữu nghị, hòa bình.
Bản chép tay bài phát biểu của Coubertin năm 1892 đã được đưa ra đấu giá bởi Sotheby’s (Mỹ) năm 2019 với mức giá 8,8 triệu USD, mức giá cao nhất cho một vật phẩm liên quan đến thể thao từng được đưa ra đấu giá. Sau đó vào năm 2020, tỷ phú Alisher Usmanov, người sở hữu bản thảo, đã tặng lại cho Bảo tàng Olympic tại Lausanne, Thụy Sĩ.
Bản thảo viết tay Tuyên ngôn Olympic của Pierre de Coubertin năm 1892 |
Trong lịch sử Thế vận hội Olympic hiện đại, đã ba lần đại hội thể thao này bị hủy bỏ, vào các năm 1916, 1940, 1944, do xảy ra Chiến tranh Thế giới I và II. Còn Olympic Tokyo 2020 là kỳ đại hội đầu tiên và duy nhất cho đến nay bị hoãn lại một năm do diễn biến căng thẳng của dịch bệnh Covid 19.
Trong bối cảnh thế giới chung tay chống lại dịch bệnh, Olympic Tokyo với những thay đổi phù hợp với hoàn cảnh, một lần nữa lại trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết các dân tộc trên thế giới.
Có thể nói, một khi nghi thức thắp đuốc và thả chim bồ câu còn được thực hiện tại các kỳ Thế vận hội, con người còn tin vào tình đoàn kết, hữu nghị và hòa bình trên hành tinh.