Đến thời kỳ NIM bị thu hẹp
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:00, 28/07/2021
NIM thu hẹp
Trong đợt giảm mạnh của thị trường chứng khoán diễn ra hai tuần qua, nhóm cổ phiếu NH dường như đang chịu thiệt hại nặng nề khi không ít phiên giảm sàn. Chỉ trong vài phiên, nhiều cổ phiếu NH đã giảm đến 20%, đảo chiều xu hướng tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Nhiều nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi cổ phiếu NH, bất chấp kết quả kinh doanh quý II cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này. Ngoài nỗi lo về rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng khi nền kinh tế lại chìm trong các đợt bùng phát dịch bệnh, khiến hàng loạt doanh nghiệp gặp khó, những dự báo gần đây đưa ra cho thấy lợi nhuận ngành NH đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong thời gian tới.
![]() |
Nếu như trong hơn một năm qua, dù nền kinh tế phải đối mặt với sự suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, các NH vẫn có lợi nhuận cao nhờ biên độ lãi suất mở rộng, thể hiện qua hệ số NIM - đo lường chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả cao hơn đáng kể so với thời kỳ trước, chủ yếu do lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với lãi suất huy động đầu vào, thì có vẻ như chu kỳ trên đang đến hồi kết thúc.
Trong hội nghị trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19 tổ chức gần đây, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã yêu cầu Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất cho vay. Kết quả là sau đó Hiệp hội Ngân hàng với 16 NH thành viên đã đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất ngay trong tháng 7 này.
Trong tuần vừa qua, có thể thấy hàng loạt NH đã thông báo giảm lãi suất cho vay đến khách hàng. Đơn cử như HDBank đã giảm mạnh lãi suất cho vay với 18.000 khách hàng từ ngày 5/7/2021, VPBank giảm từ 0,5-1% cho khoảng 6.000 tỷ đồng dư nợ của khách hàng hiện hữu, VietinBank và Vietcombank giảm 1% lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu lẫn khách hàng vay mới...
Sẽ không đáng kể?
Trong khi lãi suất cho vay buộc phải giảm theo định hướng của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường lại có xu hướng tăng trở lại từ tháng 5 đến nay, trong đó không ít NH đã phải tăng khung lãi suất tiền gửi từ 0,1-0,2%/năm. Điều này càng khiến NIM của các NH thêm phần thu hẹp, nhất là khi khả năng lãi suất tiền gửi có thể còn tiếp tục đi lên từ nay đến cuối năm, trước những áp lực của lạm phát và mức độ dồi dào thanh khoản của hệ thống đang giảm.
Với việc một loạt NH mới đây được NHNN điều chỉnh nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng cuối năm, nhu cầu huy động vốn gia tăng sẽ càng gây áp lực lên lãi suất huy động. Dù vậy, trong bối cảnh NIM cho vay bị thu hẹp trở lại, nhưng dư địa tăng trưởng tín dụng lại được mở rộng có thể phần nào giúp các NH hạn chế sự suy giảm về tăng trưởng lợi nhuận.
Đặc biệt, với việc một loạt NH mới đây được NHNN điều chỉnh nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng cuối năm, nhu cầu huy động vốn gia tăng sẽ càng gây áp lực lên lãi suất huy động. Dù vậy, trong bối cảnh NIM cho vay bị thu hẹp trở lại, nhưng dư địa tăng trưởng tín dụng lại được mở rộng có thể phần nào giúp các NH hạn chế sự suy giảm về tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian còn lại của năm nay. Giới phân tích dự báo NHNN có thể nới thêm hạn mức tín dụng vào cuối quý III, trong khi cũng có một số ý kiến cho rằng cần thưởng room cho các NH có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất.
Nhiều lãnh đạo NH cho biết, để giảm lãi suất, các NH sẽ phải xin ý kiến cổ đông, vì giảm lãi sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. Như lãnh đạo LienVietPostBank cho rằng, với tổng dư nợ khoảng 191.000 tỷ đồng, nếu giảm lãi suất khoảng bình quân 1%/năm, NH này sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng. Hay như Sacombank có tổng dư nợ khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5-6 tháng, lợi nhuận sẽ giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch.
Tương tự, đại diện BIDV cho biết, giảm lãi suất ở mức 1%, lợi nhuận của BIDV năm 2021 sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng. Theo TS. Cấn Văn Lực, nếu phải giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu toàn ngành khoảng 9,6 triệu tỷ đồng, thì lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng là khoảng 96.000 tỷ đồng, tương đương 1/2 lợi nhuận của toàn ngành năm 2020.
Tuy nhiên, một số NH cũng chỉ giảm lãi suất theo chọn lọc khách hàng. Theo đó, những khách hàng nào được xác định bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì mới đủ điều kiện để được giảm lãi suất, chứ khó có thể giảm cho toàn bộ dư nợ của tất cả khách hàng. Với rủi ro nợ xấu từ các khoản vay tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ vay, có lẽ nhiều NH cũng cần phải chuẩn bị sẵn nguồn lực để ứng phó.