Ông Phạm Duy Hiếu - Tổng Giám đốc i.Value Holdings: "Không sợ nhân viên làm sai, chỉ sợ họ lặp lại sai lầm"

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:00, 29/07/2021

Tháng 6 vừa qua, ông Phạm Duy Hiếu vừa giới thiệu cuốn sách đầu tay mang tên "Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo", dưới hình thức 50 lời hỏi-đáp trước những tình huống thực tế ông trải nghiệm trong điều hành doanh nghiệp cũng như khi trò chuyện với người trẻ trong vai trò Chủ tịch Startup Vietnam Foundation.

Là CEO trẻ nhất trong ngành Ngân hàng Việt Nam khi mới 34 tuổi, ông Phạm Duy Hiếu từng trải qua nhiều vị trí quản lý, lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng, tổ chức tài chính như: IPA Investment, VNDirect Securities, Vietcombank, VietABank, ABBANK... Hiện ông Hiếu đang giữ vị trí Chủ tịch Startup Vietnam Foundation, Chủ tịch VMI - Sáng kiến Cố vấn khởi nghiệp Việt Nam, Tổng Giám đốc i.Value Holdings.

Vì những đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, năm 2014, ông Hiếu từng được trao tặng giải thưởng Sao Đỏ dành cho các doanh nhân trẻ xuất sắc. Do đó, có thể xem những đúc kết của ông trong Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo là tập hợp lời khuyên hữu ích vừa mang tính cụ thể, thực chiến, dễ áp dụng trong thực tiễn, vừa mang tính khái quát, định hướng, giúp khai mở tư duy đa chiều, vận dụng trong hành trình “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của bất kỳ nhà lãnh đạo nào.

Dưới đây là những chia sẻ của ông Hiếu quanh cuốn sách mới và những tố chất cần có của một người lãnh đạo, theo góc nhìn của ông với Doanh nhân Sài Gòn.

* Thưa ông, điều gì thôi thúc ông viết cuốn sách “Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo”? Sau cuốn sách này, ông có đang ấp ủ một quyển sách khác? Nếu có, nó sẽ là chủ đề gì?

- Cuốn sách này ra đời một cách tình cờ. Vốn dĩ, tôi không hề có chủ định viết. Cho đến một ngày cuối năm 2020, bạn Trần Khuyên, Phó giám đốc Alpha Books, bay vào TP.HCM gặp tôi và xin phép được xuất bản những bài viết của tôi trên facebook cá nhân. Đây là những chia sẻ của tôi về các chủ đề liên quan đến lãnh đạo được nhiều bạn yêu thích và chia sẻ trên mạng xã hội. Thế là cuốn sách đã ra đời.

Tôi cũng được truyền cảm hứng bởi sự tình cờ này. Cuốn sách đã giúp lan toả những bài học đến cho nhiều người, nhiều doanh nhân và lãnh đạo. Tôi đang rất muốn viết cuốn tiếp theo, một cuốn giúp mọi người thay đổi cách nhìn về cuộc sống.

toi-muon-tro-thanh-nha-lanh-da-8667-2283

"Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo" được in nhỏ gọn với khổ 16x24 cm, dày 213 trang, 3 màu với nhiều hình minh họa sống động, sát với nội dung

* Ông đã mang những kinh nghiệm khi điều hành VietABank, ABBANK vào những mục nào trong sách?

- Những bài học!

Cuộc đời là chuỗi những sự kiện xảy ra. Nhưng sự kiện thì không phải là kinh nghiệm. Sự kiện chỉ trở thành kinh nghiệm khi ta biết rút ra bài học cho bản thân. Để ta có thể khôn ngoan hơn trong những quyết định tiếp theo. Có những người đã phải học đi học lại một tình huống nào đó trong suốt cuộc đời của mình. Đôi khi thắng thua, được mất chưa phải là yếu tố quan trọng nhất, bài học mới thực sự là điều quan trọng.

Tôi không sợ nhân viên của mình làm sai, chỉ sợ họ sai lầm lặp đi lặp lại. Người có được bài học là người tiến bộ, tiến bộ sẽ dẫn đến sự trưởng thành, và trưởng thành thì thành công sẽ tới.

* Tôi từng chứng kiến ông giao lưu một vài chương trình với các bạn trẻ, ông là người hoạt náo và vui nhộn. Làm thế nào ông có thể giữ lửa sau rất nhiều lần thất bại, đập đi xây lại?

- Tôi gọi đây là năng lượng. Năng lượng do mình làm chủ. Năng lượng do mình tạo ra, cũng có thể do chính mình để tắt. Ta cần có ý thức về điều này từng giây từng phút. Đây cũng là một câu hỏi trong cuốn "Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo" mà tôi đã trả lời các bạn. Tôi tạo năng lượng cho chính mình bằng cách: tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh, suy nghĩ tích cực…

* Theo ông, đâu là những tố chất cần thiết để tạo nên một nhà lãnh đạo thành công?

- Theo tôi, đó là: có tầm nhìn, chính trực, có năng lực và có khả năng truyền cảm hứng. Người ta không đi theo người không có tầm nhìn, không đi theo người giả dối, không đi theo người không có năng lực. Và nếu không có khả năng truyền cảm hứng thì khó có thể dẫn dắt và duy trì được sự hứng khởi.

* Xu hướng trẻ hóa đang ngày càng diễn ra trong đội ngũ lãnh đạo ở các công ty, các tập đoàn đa quốc gia. Bằng trải nghiệm của chính bản thân, và quan sát của ông, những sai lầm họ thường mắc phải là gì?

- Như tôi đã nói, sai lầm không phải là điều quan trọng, biết học hỏi từ sai lầm hay không mới quyết định. Thử nhanh, sai nhanh, điều chỉnh nhanh là ưu thế của tuổi trẻ. Nhờ thế mới có đổi mới sáng tạo. Tôi thấy mình phải học từ tinh thần dám sai ấy của các bạn.

* Ông chọn phong cách lãnh đạo nào cho bản thân? Liệu phong cách này có thay đổi theo thời gian và tính chất của công việc?

- Thực sự thì tôi không để ý mình theo phong cách nào, cái đó có lẽ do phẩm chất hay tính cách của mình định dạng. Tôi chú ý nhiều hơn đến ứng xử cách nào thì có hiệu quả, khi nào thì không. Có lúc mềm mại sẽ tốt, có lúc lại phải mạnh mẽ mới tốt. Và mình phải rèn luyện.

ceo-pham-duy-hieu-02-7375-1627470720.jpg

"Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà lãnh đạo là phải giúp cho doanh nghiệp được trường tồn. Muốn vậy, anh ta phải phát triển các thế hệ lãnh đạo tiếp theo, để công ty có thể tiếp tục phát triển mà không phụ thuộc vào anh ta nữa"

* Nhân vật/ cuốn sách nào có tầm ảnh hưởng đến phong cách lãnh đạo của ông?

- John C. Maxwell là người có ảnh hưởng lớn đến tôi lúc khởi đầu và cuốn sách của ông ấy đã tác động đến tôi rất mạnh mẽ là cuốn Tinh hoa lãnh đạo. Sau này thì tôi say mê coaching, đam mê thực hành thiền. Những thứ này cũng ảnh hưởng rất lớn đến tôi.

* Trong cuốn sách, ông có viết “Sứ mệnh của nhà lãnh đạo là tạo ra những nhà lãnh đạo mới”. Nên hiểu như thế nào về quan điểm này?

- Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà lãnh đạo không phải là doanh số hay lợi nhuận. Đó chỉ là một chu kỳ kinh doanh. Nhà lãnh đạo cần phải đảm bảo cho nhiều chu kỳ kinh doanh.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà lãnh đạo là phải giúp cho doanh nghiệp được trường tồn. Muốn vậy, anh ta phải phát triển các thế hệ lãnh đạo tiếp theo, để công ty có thể tiếp tục phát triển mà không phụ thuộc vào anh ta nữa. Khi đó, nhiệm vụ của anh ta mới hoàn thành.

* Ông có chia sẻ gì với những người trẻ làm quản lý, lãnh đạo về việc định hình phong cách lãnh đạo?

- Phong cách lãnh đạo không phải là một thứ gì đó cố định như cái bàn, cái ghế để ta đi tìm. Nó được hình thành, được gọt giũa và trưởng thành dần lên theo từng hành vi ứng xử của nhà lãnh đạo.

Điều mà các bạn cần quan tâm là rèn luyện phẩm chất của mình. Thế rồi phong cách lãnh đạo của bạn sẽ có màu sắc của phẩm chất ấy. Chúc các bạn thành công.

* Cảm ơn ông!

Hoàng Linh Lan