Đầu tư 20 tỷ USD cho Thế vận hội Tokyo, Nhật Bản vẫn trắng tay vì Covid-19?
Quốc tế - Ngày đăng : 07:10, 30/07/2021
Nỗ lực khôi phục kinh tế nâng cao vị thế nước Nhật qua Thế vận hội Olympic mùa hè 2020 tan thành mây khói vì Covid-19 |
Có 33 môn thể thao tranh đấu ở 42 địa điểm tại Thế vận hội. Paralympic sẽ có 22 môn thể thao thi đấu ở 21 địa điểm. Hầu hết các trận đấu của hai sự kiện này đều diễn ra ở khu vực Greater Tokyo, chỉ một số môn như bóng đá và thi marathon sẽ diễn ra ở thành phố phía bắc Sapporo.
Thông qua Thế vận hội Tokyo 2020, Nhật Bản muốn tái khẳng định vị thế của mình trên thế giới khi nền kinh tế bị lu mờ bởi Trung Quốc và dân số bị giảm. Bên cạnh đó, quy mô tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 cũng sẽ cho thấy Nhật Bản đã phục hồi ra sao sau trận sóng thần kinh hoàng hồi năm 2011, nhưng tiếc thay, dịch Covid-19 khiến mọi thứ chệch hướng.
Khách giảm 2/3
Biến thể Delta đã làm gia tăng các ca nhiễm trên khắp thế giới, bao gồm Tokyo. Tình trạng khẩn cấp của Tokyo được tiếp tục đến ngày 22/8. Các ca nhiễm mới đã được báo cáo ở hầu hết đối tượng tham gia Thế vận hội, từ vận động viên, huấn luyện viên, các quan chức Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đến nhà thầu và giới truyền thông. Số lượng khách nước ngoài đến Thế vận hội đã giảm khoảng 2/3. Tuy nhiên, hơn 50.000 vận động viên, quan chức, phóng viên và những người khác đang hội tụ về Tokyo để tham dự Thế vận hội. Điều đó biến Thế vận hội thành cuộc tụ họp quốc tế lớn nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Các nhà tổ chức cho biết hàng chục quy tắc hạn chế tương tác sẽ được áp dụng để ngăn chặn virus lây lan. Du khách quốc tế phải tránh xa cư dân địa phương. Họ có nguy cơ bị trục xuất nếu vi phạm quy định.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh: “Tôi quyết định rằng Thế vận hội có thể tiếp tục mà không ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân Nhật Bản”. Ông còn khẳng định: "Cách đơn giản và dễ dàng nhất là hủy bỏ sự kiện, nhưng công việc của chính phủ là đương đầu với những thách thức". Theo Wall Street Journal, ban tổ chức Thế vận hội đang thúc đẩy một sự kiện mà người Nhật Bản không thể chứng kiến hay hưởng lợi từ nó. KNT- CT Holdings Co. - công ty điều hành một trong những đại lý du lịch lớn nhất Nhật Bản, đã tiếp thị các gói du lịch cho Thế vận hội và cảm thấy nuối tiếc vì họ không thể cung cấp các chuyến tham quan như mong đợi cho khách hàng nữa.
Tương tự hầu hết các kỳ Thế vận hội, ngân sách cho Thế vận hội Tokyo tăng vọt so với dự kiến ban đầu. Ngân sách chính thức là 15,4 tỷ USD. Tuy nhiên, các kiểm toán viên của chính phủ Nhật Bản cho biết tổng chi tiêu lên tới 20 tỷ USD, gần gấp ba lần dự báo ban đầu, tăng khoảng 7,4 tỷ USD. Những nhà tài trợ Nhật Bản đã đóng góp hơn 3 tỷ USD, là số tiền lớn nhất mà các công ty nước chủ nhà dành cho Thế vận hội. Mặc dù chi phí tốn kém và không có khách, tổn thất từ Thế vận hội sẽ không lớn hơn 1% quy mô nền kinh tế Nhật Bản.
Hồi năm 2019, bà Yoshiko Tobe, chủ khách sạn gần Asakusa đã chi hơn 1 triệu USD để hoàn thành việc sửa chữa khu khách sạn truyền thống gần Asakusa. Bà hy vọng du khách đến tham dự Thế vận hội sẽ giúp bà bù vào khoản đầu tư. Nhưng giờ, giống như hầu hết người dân Nhật Bản, bà Tobe không còn muốn Thế vận hội được tổ chức, vì bà cho rằng: "Chúng ta có thể tốt hơn nếu không có Thế vận hội. Ít nhất điều đó sẽ loại bỏ nguy cơ gây lây lan virus".
Tại Thế vận hội London 2012, Nhật Bản đã giành được 38 huy chương, một thành tích tốt nhất từ trước đến nay. Vào thời điểm đó, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết việc tổ chức Thế vận hội sẽ vực dậy tinh thần của đất nước sau trận sóng thần năm 2011 khiến gần 20.000 người thiệt mạng. Các nhà tổ chức địa phương dự báo sẽ có một lượng lớn du khách đến Nhật Bản tham dự Thế vận hội và họ có thể chi gần 2 tỷ USD để có chỗ ăn ở, phương tiện đi lại và mua sắm đặc sản địa phương. Sự kiện kéo dài 17 ngày được dự báo sẽ lôi cuốn nhiều du khách đến thăm Nhật Bản và mang về cho đất nước hàng tỷ USD. Đến năm 2019, hầu hết địa điểm tổ chức Thế vận hội ở Nhật Bản đã hoàn thành đúng hoặc trước thời hạn. Nhu cầu săn vé tham dự các trận thi đấu trong Thế vận hội rất lớn. Mối bận tâm lớn nhất lúc đó có lẽ chỉ là e ngại cái nóng mùa hè ở Tokyo.
Thế vận hội Olympic mùa hè 2020 tan hoang vì Covid-19 |
IOC từng nhận xét Tokyo là thành phố đăng cai Thế vận hội chuẩn bị tốt nhất trong lịch sử. Các biểu ngữ cho Thế vận hội được treo khắp thành phố. Những nhà tài trợ vạch ra vô số kế hoạch tiếp thị để kiếm tiền. Hồi tháng 3/2020, khi Nhật Bản và IOC quyết định hoãn tổ chức Thế vận hội một năm, họ đã đặt cược vào việc đại dịch được kiểm soát trong năm 2021, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Theo Wall Street Journal, với tuyên bố sẽ không chạy bất cứ quảng cáo nào tại Nhật Bản liên quan đến Thế vận hội, Toyota Motor Corp. đã phơi bày tình thế ảm đạm của nước chủ nhà. Toyota Motor Corp. là công ty giá trị nhất Nhật Bản và là nhà tài trợ Thế vận hội toàn cầu. Nhưng ở Nhật Bản, bất cứ mối liên quan nào đến Thế vận hội đều quá nhạy cảm đối với nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới.
Thế vận hội khai mạc chậm một năm và rơi đúng vào thời điểm Tokyo ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19. Các sân vận động và nhà thi đấu đã tốn hơn 7 tỷ USD để xây dựng và sửa chữa, giờ đây hoang lạnh vì cấm khán giả.
Thế vận hội gần nhất và cũng là xa nhất
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết ông tin tưởng rằng các biện pháp giữ khán giả tránh xa sự kiện sẽ ngăn chặn sự lây nhiễm virus và đất nước vẫn có thể hưởng lợi từ lượng người khổng lồ đón xem các kênh truyền hình toàn cầu.
Ông Suga đã thực hiện một thay đổi lớn, đó là cấm khán giả địa phương đến dự các trận thi đấu sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt ở Nhật Bản. Còn các khán giả quốc tế đã bị cấm tham dự từ hồi tháng 3. Các sân vận động trống trải sẽ khiến vận động viên Nhật Bản không nhận được sự cổ vũ của cổ động viên nước nhà.
Kể từ Thế vận hội Barcelona năm 1992, bà Kyoko Ishikawa - một khán giả không bao giờ bỏ lỡ các kỳ Thế vận hội, đã tham dự tất cả 7 Thế vận hội mùa hè. Bà có vé cho hai sự kiện mỗi ngày tại Thế vận hội Tokyo, bao gồm lễ bế mạc, nhưng buộc phải từ bỏ. Bà chia sẻ: "Đối với tôi, Thế vận hội lần này là gần nhất và cũng là xa nhất trong vòng 30 năm”.
Các nhà tổ chức Tokyo cho biết một số quan chức Thế vận hội và chính phủ, cũng như nhà tài trợ, sẽ được phép đến những địa điểm không có khán giả. Họ sẽ hoàn thành các vai trò thiết yếu như trao huy chương, giám sát và quan sát hoạt động. Về phần mình, Toyota cho biết không ai trong số các giám đốc điều hành của hãng, ngay cả Chủ tịch Akio Toyoda, sẽ tham dự lễ khai mạc. Theo nhà kinh tế Takahide Kiuchi tại Viện nghiên cứu Nomura, du khách nước ngoài có thể xem Thế vận hội Tokyo qua truyền hình và đến Nhật Bản sau đại dịch. Ông khẳng định: “Các nhà hàng và khách sạn đã sửa chữa cơ sở vật chất của họ để chào đón du khách nước ngoài sẽ không uổng công”.
Trong khi đó, theo Wall Street Journal, đại dịch mới là rủi ro kinh tế và sức khỏe lớn nhất. Đại dịch sẽ khiến Nhật Bản phải trải qua một chặng đường dài để phục hồi, với chi phí còn lớn hơn việc tổ chức Thế vận hội.