Kim Jung-gi và những bức họa từ trí nhớ

Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 06:12, 07/08/2021

Trên một tờ giấy trắng rộng 10m, Kim Jung-gi dùng bút mực đen di chuyển tự do và đầy ngẫu hứng. Chỉ một lát sau, cả khoảng trống được phủ kín bởi một cảnh tượng vừa thực vừa hư, tạo nên bức tranh khổng lồ đầy chi tiết sống động.
Kim Jung-gi và những bức họa từ trí nhớ

Chân dung họa sĩ Kim Jung-gi

Đó là tác phẩm phức tạp được Kim Jung-gi - nghệ sĩ tiên phong về nghệ thuật thị giác - vẽ trực tiếp trong triển lãm Kim Jung-gi, The Other Side diễn ra vào đầu tháng 5 tại Bảo tàng Nghệ thuật Lotte (LMOA), Seoul, Hàn Quốc. Triển lãm trưng bày hơn 2.000 tác phẩm, bao gồm các bức tranh khổ lớn và video được ông vẽ trong suốt ba thập niên.

Vẽ tranh ngay triển lãm

Tên tuổi và phong cách nghệ thuật của Kim Jung-gi được khẳng định qua các buổi vẽ tranh trực tiếp tại triển lãm. Năm 2011, ông có buổi biểu diễn đầu tiên tại Liên hoan truyện tranh quốc tế Bucheon với bức họa phủ kín các mặt tường. Không có bản phác thảo thô hay dự định trước, tác phẩm dần dần hiện ra qua ký ức và trí tưởng tượng của Kim Jung-gi. Tất cả khán giả dường như bị thôi miên bởi những hình ảnh cứ liên tục hiện ra, nhanh nhưng đầy dứt khoát. 

Kim-Jung-gi-bieu-dien-truc-tie-4019-5010

Kim Jung-gi biểu diễn trực tiếp tại tại LMOA. Ảnh: Korea Times

Video quay lại cảnh này nhanh chóng được lan truyền trên Youtube, thu hút sự chú ý của giới hội họa và mở đường cho một lĩnh vực sáng tác mới của Kim. Bởi trước đây, ông vốn chỉ là họa sĩ vẽ tranh châm biếm và minh họa cho webtoon (truyện tranh mạng Hàn Quốc). Nhờ đó, ông được mời tham gia liên hoan phim hoạt hình châu Âu Strasbulles tại Pháp. Các chương trình nghệ thuật, triển lãm tại Mỹ, Trung Quốc cũng liên tục mời Kim Jung-gi tham gia biểu diễn.

Ông nói: “Trước khi tên tuổi của tôi được nhiều người biết đến, tôi đã xem rất nhiều tác phẩm, nhiều phim cũng như chương trình truyền hình, kể cả những tác phẩm bị mọi người chỉ trích. Tôi không có chủ ý ghi nhớ nhưng rất tự nhiên, khi cần những thứ đó lại hiện về”.

Kim gọi dữ liệu hình ảnh khổng lồ mà ông đang có là một “thư viện trí nhớ”, nơi giúp ông thu thập hình ảnh, lưu trữ, phân loại và chuyển hóa thành tác phẩm bất cứ lúc nào.

Tac-pham-The-Sun-and-the-Moon-3886-16283

Tác phẩm "The Sun and the Moon" (2021) của Kim Jung Gi

Với Kim, việc chuyển hệ thống dữ liệu trong trí nhớ thành nét vẽ rõ ràng trên giấy chỉ mất khoảng vài giây. Bởi khoảng 60% - 70% hình ảnh ông định vẽ có trong hệ thống dữ liệu của não bộ. Khi vẽ ông chỉ cần trích xuất và di chuyển trên giấy để hình thành bức tranh. Thông thường, với các hình ảnh quen thuộc hoặc chủ đề mà ông quan tâm thì chỉ trong vòng chưa đầy nửa ngày, ông sẽ hoàn thành một bức tranh dài, rộng 1m. 

Sự hấp dẫn lớn nhất trong các bức vẽ trực tiếp của Kim Jung-gi là tính ngẫu hứng cùng với sự tương tác tích cực của ông với khán giả. Trước khi bắt đầu, thi thoảng Kim sẽ hỏi người xem đang muốn xem những gì, họ có thể gợi ý vài từ khóa và tự ông sẽ chuyển tất cả thành một bức tranh hoàn chỉnh.

Những cuộc trò chuyện như thế thường diễn ra trong suốt buổi biểu diễn. Ngay cả khi ông đang thực hiện một tác phẩm phức tạp, Kim luôn sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào của người xem, dù họ có cố gắng pha trò, Kim vẫn không rời mắt khỏi những nét vẽ.

Tac-pham-Life-Death-Heading-to-6731-3760

Tác phẩm "Life _ Death, Heading towards a Future Somewhere" (2018)

Do đó, mỗi buổi diễn của ông đều thu hút rất đông người xem trực tiếp tại triển lãm và hàng triệu lượt theo dõi ở khắp thế giới qua các kênh như Instagram, YouTube và Facebook, bất chấp sự chênh lệch múi giờ. “Các nghệ sĩ khác thường chiến đấu đơn độc trong quá trình sáng tạo của họ. Tôi cũng thích vẽ một mình, nhưng cũng vui không kém khi vừa vẽ vừa có cuộc trò chuyện hấp dẫn với khán giả” - Kim Jung-gi chia sẻ.

Kỹ thuật khóa không gian

Giới hội họa nhận định, trong hầu hết các bức vẽ trực tiếp Kim Jung-gi đã sử dụng kỹ thuật khóa không gian. Với bất kỳ hình ảnh, cảnh vật hay con người như thế nào, Kim vẫn cố gắng đặt chúng vào một khối không gian ba chiều như khối lập phương, khối chóp, khối trụ… Nhờ đó ông định hình được điều muốn vẽ, tạo nên những điểm và vị trí cố định để dễ dàng triển khai ý tưởng. 

Trong những bức tranh ban đầu, Kim có phác thảo các khối như thế nhưng tập luyện nhiều, ông dần quen. Đến hiện tại những khối không gian đó được ông hình dung rõ trong đầu mà không cần phải vẽ ra. Đa phần các tác phẩm hiện tại có độ chính xác đến khó tin, mỗi nét ông thể hiện như được lập trình sẵn trên hệ thống máy tính.

Tac-pham-minh-hoa-bo-phim-Para-1604-7144

Tác phẩm minh họa bộ phim Parasite (2019) được trưng bày tại LMOA. Ảnh: Korea Times

Ngoài ra, các yếu tố đối lập, trái ngược nhau vẫn luôn tồn tại trong mỗi bức vẽ của vị họa sĩ đặc biệt này. Có khi là truyền thống và sự tiến bộ của công nghệ, có khi là sự sống và cái chết, thi thoảng là hình ảnh một thợ lặn trong không gian và một phi hành gia trên biển… Tất cả đều được ông thể hiện trong cùng một khung cảnh, mâu thuẫn nhưng lại hài hòa một cách kỳ lạ.

“Tôi đã và đang cố gắng mang tất cả vật thể xung quanh vào trong tác phẩm. Đó có thể là đồ vật, là con người, môi trường sống hay một cảm giác nào đó, dù thô sơ và khó định hình nhưng những nét vẽ sẽ giúp chúng kết nối với nhau” - Kim nói.

Trong mỗi bức tranh, mỗi họa sĩ sẽ có những cách kể chuyện khác nhau. Với Kim, dù là hiện tại, tương lai hay quá khứ, Kim cũng sẽ đặt ba khoảng thời gian này song song trên một mặt phẳng để người xem dễ dàng cảm nhận, từ nét vẽ cho đến ẩn ý đằng sau nét vẽ.  

Tac-pham-World-of-Warcraft-Bat-9360-4334

Tác phẩm "World of Warcraft: Battle for Azeroth" (2018) được trưng bày tại LMOA . Ảnh: Korea Times

Một số bức họa tiêu biểu của Kim Jung-gi được The Korea Times đề cử là những bức tranh minh họa cho các bộ phim nổi tiếng như: Parasite, Stranger Things World of Warcraft: Battle for Azeroth. Ngoài ra, ông từng vẽ bìa và minh họa cho sách của Marvel, DC Comics hay quyển A Trick of Light: Stan Lee's Alliances của nhà văn Stan Lee.

Hiện Kim chưa có kế hoạch nào cụ thể trong tương lai, ông chỉ mong muốn được tiếp tục tận hưởng cảm giác lấp đầy các khoảng trống trước mắt như “một vị vua trước trang giấy”.

Kim nói: “Tôi rất thích vẽ bằng tay và sẽ vẽ như thế này cho đến chết. Từ cảm giác ngứa ran khi tay lướt qua tờ giấy và bị lem mực cho đến cảm giác sung sướng tột độ khi xem lại những nét vẽ. Tôi yêu tất cả mọi thứ như thế”.

Xem video thực hành nghệ thuật của Kim Jung-gi:

Hồng Như