Cần tính toán lại cách giãn cách và ưu tiên vaccine
Doanh nhân viết - Ngày đăng : 01:43, 09/08/2021
Chưa có đầy đủ thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành
Trong những ngày giãn cách xã hội, tôi đã tham gia một số cuộc hội thảo trực tuyến do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức với một nhóm chuyên gia trong ngành y tế. Tôi đã nhận được nhiều ý kiến, nhiều thông tin rất có giá trị, tuy nhiên, để đưa ra được một giải pháp cụ thể, một phương án phòng chống Covid-19 tốt nhất, mà dựa vào đó có thể xác định được thời hạn đẩy lui đại dịch thì chưa thấy có.
Theo tôi, để có phương án tối ưu, cần phải có đầy đủ thông tin. Tôi và cộng sự đã cố gắng thu thập số liệu để lập một bảng tổng hợp cập nhật thông tin về tình hình phòng chống Covid-19 theo chỉ số cụ thể, bao gồm số ca nhiễm trên 1 triệu dân, số ca phát sinh trong một tuần trên một triệu dân, tổng số ca đã được chữa khỏi, số ca đã được chữa khỏi trong tuần, tổng số ca tử vong, số ca tử vong trong tuần, số ca đang được điều trị ở bệnh viện, số ca đang tự chăm sóc tại nhà, số mũi vaccine đã được tiêm, tổng số vaccine được phân bổ, số vaccine còn lại… để thấy được tình hình dịch bệnh cụ thể tại các tỉnh - thành. Qua việc thu thập thông tin, tôi nhận thấy có nhiều phường - xã, quận - huyện, tỉnh - thành làm khá tốt, nhưng số liệu vẫn chưa đồng bộ và đầy đủ nhằm phản ánh một cách chính xác diễn biến dịch bệnh tại từng địa phương.
Thông tin có đầy đủ, chính xác mới xác định được lộ trình khống chế đại dịch
Theo tôi, phải căn cứ vào những con số khách quan như đề cập ở trên để biết tới ngưỡng nào thì phải tiêm chủng ngay cho đối tượng nào, đến ngưỡng nào thì giãn cách xã hội theo cách này, ngưỡng nào thì theo cách khác... Những con số và phương thức đó đều phải minh bạch, khoa học, không ai có thể phàn nàn, so bì.
Hiện nay, dịch bệnh diễn biến nguy hiểm và nghiêm trọng nhất là ở Bình Dương. Vì sao? Vì hiện nay (tính đến ngày 4/8), mỗi tuần tại Bình Dương, số ca nhiễm trên 1 triệu dân là 4.845, trong khi TP.HCM là 3.138 ca. Số ca phát sinh trên 1 triệu dân tại Bình Dương cao hơn so với TP.HCM 54%. Tốc độ lây nhiễm trên 1 triệu dân tại Bình Dương trong 14 ngày qua cao gấp 2,23 lần so với TP.HCM. Do đó, có thể khẳng định Bình Dương là điểm nóng nhất cần phải được tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó quan trọng nhất là cung cấp thêm vaccine và tìm giải pháp tiêm chích nhanh hơn nhiều lần so với hiện nay. Nên chăng, san sẻ một phần trong số 126 xe tiêm chích lưu động ở TP.HCM cho Bình Dương để tăng tốc độ tiêm phòng hiện nay đang rất chậm ở đây.
Truyền thông chính xác, đầy đủ, kịp thời sẽ giúp phòng chống dịch đạt hiệu quả cao
Theo tôi, bây giờ cần kiểm soát, quản lý cách ly xã hội dựa trên diễn biến của đại dịch tại từng địa phương chứ không nên dùng một biện pháp chung cho cả nước. Thực tế cho thấy chỉ thị “Ai ở đâu, ở yên đó” rất chung chung, khi thực hiện ở cấp cơ sở, người thi hành lại thiếu hướng dẫn, nên áp dụng một cách máy móc, tùy tiện. Ví dụ, nhiều công nhân của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang làm việc tại các công trường ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, có hộ khẩu ở TP.HCM và nhận được tin nhắn về TP.HCM để tiêm vaccine, nhưng họ không thể qua được các trạm kiểm soát ở các tỉnh.
Do vậy, tôi thấy việc truyền thông, hướng dẫn thực hiện các chỉ thị của Chính phủ ở các cấp cơ sở là rất quan trọng. Đồng thời cũng phải truyền thông sao cho người dân hiểu đúng và thực hiện chính xác những chủ trương Chính phủ về phòng chống dịch để phát huy tối đa hiệu quả.
Ví dụ nêu trên cho thấy, lẽ ra những công nhân kia đang rất cần tiêm phòng, và TP.HCM có sẵn vaccine, qua đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm vì họ đang làm việc theo phương châm “ba tại chỗ” tại công trường thì lại không thực hiện được. Hay việc vận chuyển hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mới đây đã xẩy ra những tình huống dở khóc dở cười diễn ra ở nhiều địa phương mà báo chí đã phản ảnh.
Đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hoá sớm được thông suốt trên cả nước
Một vấn đề rất cần quan tâm nữa là hiện nay, nhiều cảng sông, cảng biển gần như “đóng băng”, không thể nhập, xuất hàng hóa, gây tác hại rất lớn tới nền kinh tế. Do đó, để đảm bảo lưu thông hàng hóa, cần phải ưu tiên tiêm vaccine cho tất cả những ai tham gia vào hệ thống vận tải. Nhưng ưu tiên phải cụ thể, như người tham gia hệ thống kho vận và phân phối, lưu thông hàng hoá, bao gồm tài xế, phụ xế, người giao nhận hàng, thủ kho, phụ kho, thư ký kho ở cảng hàng không, cảng sông, cảng biển, siêu thị; nhân viên bốc xếp, nhân viên bán hàng, người kiểm soát lưu thông bao gồm cả người bán vé trên tất cả các tuyến vận chuyển. Sản xuất mà không có nguyên liệu hoặc sản xuất ra thành phẩm mà không vận chuyển được đến nơi cần sử dụng thì gây ra nhiều thiệt hại.
Bộ Y tế đã có quy định 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng. Quy định này có thể phù hợp khi có đủ vaccine để tiêm hết các nhóm ưu tiên đó và trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước. Nhưng hiện nay, hai yếu tố ấy chưa có, nên cần cân nhắc kỹ từng mũi tiêm ưu tiên để có thể đạt được mục tiêu kép.
Theo tôi, hiện nay ưu tiên vaccine cho giáo viên là chưa hợp lý, bởi vì lực lượng sản xuất và vận chuyển, phân phối hàng hoá không thể qua online, nhưng giáo viên, học sinh, sinh viên đang trong thời gian nghỉ hè và khi khai giảng năm học mới vẫn có thể dạy và học trực tuyến.
Nếu như có kế hoạch tiêm chủng hợp lý, hiệu quả thì có thể kiểm soát được dịch với thời hạn tính toán được. Hiện đang thiếu vaccine, lại không xác định chính xác đối tượng được ưu tiên thì không giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Ngoài ngành y và lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch (nhóm ưu tiên số 1), nên ưu tiên số 2 là những người tham gia lưu thông, phân phối hàng hoá, cả nhu yếu phẩm, cả hàng hoá phục vụ sản xuất, kinh doanh. Việc ưu tiên tiêm chủng cho nhóm 2 này sẽ tạo ra nhiều “luồng xanh”, hàn gắn chuỗi cung ứng hàng hóa, sản xuất của cả nền kinh tế; liên kết “vùng xanh” với “vùng xanh”, giữa “vùng xanh” với “vùng đỏ”. Từ đó, đời sống và sản xuất trong các “vùng đỏ” vẫn được tiếp sức và vận hành, không phải gần như tê liệt như hiện nay. Nhóm 3 nên là những doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Nhóm 4 là những doanh nghiệp đang áp dụng mô hình “ba tại chỗ” hay “một cung đường hai điểm đến”. Ưu tiên 5 là nhân lực tham gia sản xuất tại các khu chế xuất. Sản xuất cho đối tác trong nước thì lý do dịch bệnh có thể giao hàng chậm, nhưng với hợp đồng cung cấp hàng hóa cho nước ngoài thì chưa chắc đã được đối tác chấp nhận. Ưu tiên nhóm 6 là lực lượng sản xuất công nghiệp khác.
Tôi cho rằng, khi đã xác định được nhóm đối tượng ưu tiên vaccine trong lực lượng sản xuất thì cần đưa xe lưu động đến từng nơi để tiêm. Xe lưu động trước mắt không nên dùng để tiêm đại trà.
Chắc có người sẽ hỏi tôi là ông Lê Viết Hải thấy ngành xây dựng của mình thuộc nhóm ưu tiên nào. Tôi xin trả lời luôn là ngành tôi chỉ thuộc nhóm số 6 thôi chứ không thể quan trọng hơn 5 nhóm đầu tiên được. Tuy nhiên đối với những công trường tổ chức thi công theo mô hinh “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến” thì vẫn thuộc nhóm 4.
Nếu có đủ vaccine, Việt Nam sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm nay
Để khôi phục nền kinh tế, quan trọng nhất là đạt được miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt, tức phải tiêm đủ hai mũi vaccine cho 75-80% dân số. Khi đó, mới thu hút đầu tư nước ngoài, mở cửa du lịch. Khi có hai nguồn lợi này thì nền kinh tế mới mau chóng phục hồi.
Tôi được biết, nước ta đã có hợp đồng nhập về 120 triệu liều vaccine trong năm nay. Chính phủ và một số doanh nghiệp đang vận động để vaccine có thể về Việt Nam nhiều hơn nhằm đảm bảo hai mũi tiêm cho trên 80% dân số (cần thêm khoảng 40 triệu liều). Vấn đề còn lại là công tác tổ chức tiêm phòng sao cho thật nhanh mà vẫn bảo đảm an toàn.
Phương án tận dụng những nơi từng làm điểm bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân vừa qua có thể giải quyết được vấn đề này. Mỗi điểm cần có một bác sĩ và một số y tá, còn người phục vụ thì tận dụng nhân lực phục vụ bầu cử tại những địa điểm đó, hướng dẫn chi tiết cho họ. Theo tôi, áp dụng phương án này thì trong vòng không quá ba tháng sẽ tiêm phòng hết cho toàn dân đủ hai mũi vaccine.
*Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình