TP.HCM: Tạo ‘luồng xanh’ cho người dân đi hiến máu
Trong nước - Ngày đăng : 05:25, 10/08/2021
Thông tin này được ông Sơn công bố sáng 10/8, trong cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, do ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, chủ trì.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, chủ trì họp báo sáng 10/8. Ảnh: TTBC |
Tạo ‘luồng xanh’ cho người dân đi hiến máu
Theo ông Trần Trường Sơn, kể từ tháng 5/2021 đến nay, đặc biệt tháng 7 và tháng 8, công tác vận động hiến máu nhân đạo trên địa bàn TP gặp nhiều khó khăn do người dân phải thực hiện giãn cách xã hội theo CT 16, dẫn đến lượng dự trữ máu tháng 8 tại ngân hàng máu thiếu hụt 8.000 túi máu, trong đó nhóm máu thiếu là O, A.
Vì thế, ông Sơn đề nghị TP đẩy mạnh việc vận động hiến máu nhân đạo tại các khu dân cư, cũng như kêu gọi cán bộ các đoàn thể, công chức, viên chức... tham gia hiến máu.
Vừa qua, Sở Y tế và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu TP.HCM đã thống nhất tạm ngưng tổ chức các tua hiến máu lưu động tại các khu dân cư. Để mở “luồng xanh” cho người dân đi hiến máu, TP phải xây dựng và triển khai bộ tiêu chí an toàn tại các điểm hiến máu nhân đạo, cần có thêm những quy định như người tham gia hiến máu phải đến từ “vùng xanh”, trong14-21 ngày không phát sinh ca nhiễm, có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2... Song song đó là công tác phân luồng trong tổ chức hiến máu đáp ứng đúng các quy định giãn cách, nguyên tắc 5K...
Để mở “luồng xanh” cho người dân đi hiến máu, TP phải xây dựng và triển khai bộ tiêu chí an toàn tại các điểm hiến máu nhân đạo |
Hoàn thành hỗ trợ lao động tự do đợt 2 trước ngày 15/8
Chia sẻ thông tin về việc triển khai gói hỗ trợ lần 2, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM, cho biết tổng số lao động tự do sẽ được hỗ trợ đợt 2 là 365.000 người, tương đương với số người lao động đã được hỗ trợ lần 1. Việc hỗ trợ người lao động tự do đợt 2 sẽ hoàn thành trước ngày 15/8.
3 nhóm đối tượng được hỗ trợ đợt 2 gồm: lao động thất nghiệp, lao động tự do (không ký kết hợp đồng lao động) và hộ nghèo - hộ cận nghèo.
Tổng kinh phí hỗ trợ là 900 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng từ ngân sách TP và xã hội hóa. Đối với nguồn xã hội hóa, TP vận động từ trong và ngoài nước, kêu gọi từ sự tương thân tương ái, chia sẻ để người dân TP.HCM sớm trở lại bình thường mới.
Hiện, lao động tự do nghèo không có giao kết hợp đồng lao động có khoảng 365.000 người sống trong các khu vực phong tỏa, xóm nghèo, khu nhà trọ, khu lưu trú… Những đối tượng thật sự nghèo sẽ được nhận hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay hộ khẩu.
Tính đến nay, một số quận, huyện đã chi trả được nhiều trường hợp, nhiều nhất là quận Tân Bình (hơn 40%), tiếp đến là Q. 1, TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Q. Bình Thạnh, Q. Tân Phú. Tất cả các quận, huyện và TP. Thủ Đức đang phấn đấu hỗ trợ xong cho đối tượng này trước ngày 15/8.
Đối với 52.600 hộ nghèo và 38.000 hộ cận nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực phong tỏa... các quận huyện và TP. Thủ Đức dự kiến sẽ hỗ trợ xong trong vòng 2-3 ngày tới.
Đối với lao động thất nghiệp, TP.HCM đã hỗ trợ cho hơn 52.000 người lao động tạm nghỉ việc và 164 người bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trả lời một số câu hỏi về một số phản ánh của người dân chưa nhận được hỗ trợ đợt 1, liệu có phải bị bỏ sót hay không? ông Lê Minh Tấn cho biết, quan điểm của TP.HCM là không để một lao động nào ở trên địa bàn TP rơi vào cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vừa qua một số nơi làm chưa tốt, do đó TP.HCM đã và sẽ chấn chỉnh, bổ sung hỗ trợ cho người dân. Mặt khác, trên thực tế vẫn có các địa phương làm rất tích cực, thống kê ban đầu dự kiến chỉ hỗ trợ đối với 230.000 người lao động tự do, nhưng hiện số người được hỗ trợ đã lên tới 365.000 người.
Đối với việc hỗ trợ cho đối tượng là xe ôm, theo ông Lê Minh Tấn, quan điểm của TP là chỉ hỗ trợ cho xe ôm truyền thống vì những người này không có công nghệ bắt mối, chỉ ngồi ở các chợ, siêu thị, ngã ba ngã tư đường đón khách. "TP xác định sẽ hỗ trợ đàng hoàng nếu người đó gặp khó khăn. Nơi nào chưa hỗ trợ thì sẽ được hỗ trợ”, ông Tấn nói thêm.
TP.HCM đang đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Ảnh:Lao Động |
TP.HCM đã tổ chức tiêm chủng được 3.430.990 mũi tiêm
Chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP triển khai 5 tầng thu dung điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 và mới đây dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế, TP đã đưa 3 Trung tâm Hồi sức Covid-19 vào hoạt động với quy mô 1.500 giường, tất cả trung tâm này đều có oxy trung tâm, bồn lọc áp lực cao đáp ứng được nhu cầu sử dụng máy thở cho bệnh nhân.
Trước đó, TP đã có 4 Trung tâm Hồi sức Covid-19 là bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 đặt tại BV Ung bướu cơ sở 2, Trung tâm Hồi sức Covid-19 đặt tại BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới, BV 175.
Tính đến trưa ngày 9/8, Bộ Y tế (BYT) đã phân bổ 17 đợt vaccine cho TP, với 4.111.040 liều vaccine và TP đã tổ chức tiêm được 3.430.990 mũi tiêm. Các đợt tiêm chủng 1, 2, 3, 4 tổ chức từ ngày 8/3 đến ngày 30/6 có tổng số 991.872 mũi tiêm (927.456 mũi 1 và 64.416 mũi 2). Đợt 5 từ ngày 20/7 đến nay, tính đến 12 giờ ngày 9/8, TP đã tiêm tổng cộng 2.439.118 mũi tiêm.
“TP sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm 250.000 - 300.000 mũi/ngày. Số vaccine còn lại 913.204 liều đã cấp phát cho các đơn vị tiêm chủng, dự kiến đến hết ngày 12/8, TP sẽ sử dụng hết số vaccine được cấp và đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cấp vaccine trong tháng 8 với tổng số liều là 5,5 triệu liều để đạt mục tiêu bao phủ vaccine cho người dân TP”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam nói.