Nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:00, 12/08/2021
Nợ xấu tiếp tục tăng
Với mức lợi nhuận sau thuế quý II giảm đến 38% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ còn đạt 2.206 tỷ đồng, Vietinbank đã gây bất ngờ cho thị trường. Yếu tố tác động mạnh đến lợi nhuận của NH này là từ chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 7.106 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2020, do nợ xấu tăng 52% so với đầu năm, lên 14.477 tỷ đồng, trong đó riêng nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn, tăng hơn gấp đôi, lên 12.293 tỷ đồng, chiếm đến 85% tổng nợ xấu.
Tương tự, nợ xấu của Vietcombank tăng 31% so với đầu năm, lên 6.865 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 chiếm 76% là 5.190 tỷ đồng. Theo đó, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng đến 74%, lên 3.225 tỷ đồng, khiến lãi sau thuế quý II chỉ còn 3.955 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính quý II/2021 của 29 NH, tổng dư nợ xấu đến ngày 30/6/2021 đã tăng 4,5% so với cuối năm trước, lên 124.898 tỷ đồng. Trong đó, Agribank giữ vị trí "quán quân" với gần 24.429 tỷ đồng, tăng 13,5%. Tại nhóm NH tư nhân, có nhiều nợ xấu nhất tính đến cuối quý II thuộc về VPBank với 10.801 tỷ đồng (tăng 8,8%). Trong đó, riêng nợ xấu của FE Credit chiếm khoảng 50%.
Có thể thấy, trước diễn biến dịch bệnh kéo dài, buộc phải giãn cách xã hội ở nhiều địa phương đã khiến việc sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngày càng khó khăn, do đó khả năng trả nợ cũng bị suy giảm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 79.700 DN ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, tính ra trung bình mỗi tháng có gần 11.400 DN rút khỏi thị trường.
Đáng lưu ý là dù các NH đã tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng nợ xấu trên báo cáo tài chính vẫn tăng, cho thấy nợ xấu có thể còn sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới một khi các khoản vay tái cơ cấu hết thời hạn và bị chuyển thành nợ xấu. Thống kê cho thấy, tổng dư nợ tín dụng được cơ cấu lại theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 347.000 tỷ đồng, nhưng có khả năng sẽ chưa dừng lại ở đó.
Vẫn là trọng tâm chính sách
Dù sức đề kháng với rủi ro nợ xấu của ngành NH đã tốt hơn trước rất nhiều nhờ nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt về vốn, qua đó hệ số an toàn vốn (CAR) tăng mạnh và đáp ứng chuẩn Basel 2, và kết quả xử lý nợ xấu hiệu quả những năm vừa qua đã tạo luân chuyển vốn, nhiều NH hưởng lợi từ khoản tăng lãi bất thường, tuy nhiên mục tiêu giải quyết nợ xấu sẽ tiếp tục là trọng tâm cho giai đoạn tới.
Gần đây, trước yêu cầu của Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và năm 2022, NHNN đã có tờ trình về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó đã đưa ra dự báo nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, NHNN cho rằng, nợ xấu trong thời gian tới sẽ gia tăng khiến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 2% thời gian tới được xem là thách thức không nhỏ, nên vẫn cần có cơ chế để tiếp tục xử lý nợ xấu. Một số dự báo cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng vào cuối năm nay có thể lên tới 2,5%.
NHNN đang xây dựng đề cương đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, Xử lý tài sản bảo đảm. Theo đề cương dự thảo, Luật Xử lý nợ xấu, Xử lý tài sản bảo đảm dự kiến có 19 điều. Trong đó, một số điều khoản quan trọng đề cập đến bán nợ xấu và tài sản bảo đảm, mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, quyền thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, chuyển nhượng tài sản bảo đảm...
Thực tế cho thấy, xu hướng đẩy mạnh rao bán tài sản, rốt ráo thu hồi nợ vay đang được nhiều NH triển khai. Nếu trước đây, những khoản nợ rao bán đấu giá, thanh lý phần lớn là bất động sản gồm đất, căn hộ, nhà ở thì nay tài sản thế chấp được rao bán đủ loại, từ khách sạn, trung tâm thương mại, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, ô tô đến các khoản vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân. Xu hướng rao bán tài sản thế chấp của các DN sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, thương mại, từ nhà xưởng đến máy móc, thiết bị cũng diễn ra nhiều hơn.