Tạo “người xanh”, "vùng xanh" để khôi phục chuỗi cung ứng

Thời sự - Ngày đăng : 09:19, 12/08/2021

Chỉ khi có “người xanh”, "vùng xanh", TP.HCM mới đủ nguyên liệu sản xuất hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng.
Tạo “người xanh”,

Cần tạo "người xanh", vùng xanh an toàn để khôi phục chuỗi cung ứng cho TP.HCM

Vẫn còn nhiều rào cản

Tại toạ đàm trực tuyến “Khôi phục lại chuỗi cung ứng hàng hoá về TP.HCM hiện nay như thế nào?” do Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Câu lạc bộ Các nhà kinh tế phối hợp tổ chức tối ngày 11/8, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM  cho biết đến thời điểm này, các quy định của Trung ương và thành phố đã cởi trói những ách tắc, chồng chéo trước đây. Điều này đã tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp (DN), nhất là hàng thực phẩm thiết yếu. Dù vậy, vẫn còn những rào cản nhất định. 

Theo bà Chi, ngành thực phẩm sử dụng nguyên liệu sản xuất từ nhiều tỉnh lân cận TP.HCM. Mặc dù Chính phủ và các bộ ngành đã tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16, nhưng đến nay, vẫn còn xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát gây khó dễ theo kiểu “phép vua thua lệ làng”. Họ đòi hỏi rất nhiều thủ tục khiến việc vận chuyển hàng hoá, nguyên liệu của DN bị chậm trễ. 

Lâu nay, các nhà cung cấp nguyên liệu cho các DN sản xuất đều thông qua các đơn vị trung gian. Thế nhưng, hiện nay, các địa phương hạn chế người dân ra đường và các thương lái vì chưa được tiêm vaccine nên cũng hạn chế tổ chức thu mua. Tình trạng này khiến nguồn cung khan hiếm, từ đó dẫn đến giá thành nguyên phụ liệu sản xuất tăng cao. Bà Chi nói: “Hiện các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào cho DN sản xuất ngành lương thực thực phẩm có thể phải thay đổi đơn vị cung cấp, giá cao nhưng chất lượng chưa tương xứng. Từ đó, có nguy cơ đứt gãy nguồn nguyên liệu đầu vào từ các tỉnh về TP.HCM".

Trong khi đó, ngay tại TP.HCM, các nhà phân phối bán lẻ lại gặp trở ngại khi không có đủ lượng người vận chuyển hàng hoá. Ông Bùi Trung Chính - Giám đốc Thu mua ngành hàng thực phẩm của Aeon Việt Nam, giải bày công ty đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá đến người tiêu dùng. Hiện việc vận chuyển các đơn hàng online của Aeon phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác như Grab, Gojek, AhaMove… Khi những đơn vị này từ chối vận chuyển vì không thể đi liên quận thì hàng đặt mua qua kênh online của Aeon bị dồn lại. 

Ông Bùi Trung Chính kiến nghị: “Chúng ta đã có “luồng xanh” cho xe tải, xe chở hàng hoá, nên chăng Thành phố cần áp dụng “luồng xanh “cho xe máy. Như vậy các nhà bán lẻ sẽ giảm thiểu tình trạng ứ đọng, chậm trễ đơn hàng".

watermark-dsc-4036-1719-202107-1646-3612

Nhãn tồn vườn miền Tây -Ảnh internet

Tạo “người xanh” vận chuyển

Các DN và chuyên gia cho rằng, nên ưu tiêm vaccine cho đội ngũ vận chuyển, đặc biệt là các tài xế. Ông Nguyễn Đạt - Giám đốc Kinh doanh Công ty CP giấy Khải Hoàn cho rằng, nên xem đội ngũ tài xế là “chiến sỹ tuyến đầu” của các DN và nên tổ chức tiêm vaccine cho họ. Ông Đạt nói: “Đội ngũ tài xế vận chuyển đi khắp nơi, nếu không tiêm vaccine sẽ rất nguy hiểm. Trong một nhà máy thực hiện 3T chỉ cần có một tài xế là F0 thì nguy cơ lây nhiễm rất cao cho những người lao động khác. Như vậy, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa, dừng sản xuất là không thể tránh khỏi. "Vì vậy, lực lượng tài xế phải được tiêm vaccine đầy đủ”, ông Nguyễn Đạt nói. 

Chia sẻ vấn đề này, ông Mã Thanh Danh - Phó tổng giám đốc Công ty CP Kido cho rằng, cần phải có những "người xanh" an toàn. Lực lượng tài xế, vận tải phải được tiêm vaccine đầy đủ để trở thành những "người xanh". Bởi dù xe có an toàn mà người không an toàn  thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. "Xe an toàn nhưng người an toàn mới là cốt lõi", ông Danh nhấn mạnh.

Ông Bùi Hoà An - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM  cũng đồng tình, nên có “người xanh” trong vận chuyển. Những "người xanh" đó ít nhất phải được tiêm mũi 1, có kết quả xét nghiệm, thực hiện 5K an toàn để có thể hoạt động tự do. Ông An cho biết:

“TP.HCM đã lên danh sách tiêm chủng cho 14.000 tài xế trong đợt đầu. Thế nhưng, do nhiều tài xế đang quá trình vận chuyển ở tỉnh nên mới có 8.000 người được tiêm. Vào tuần tới, Sở sẽ tổ chức tiêm trên diện rộng cho đội ngũ này với 67.000 liều (tính luôn những người tiêm mũi 2). Mong là các DN tạo điều kiện để họ được tiêm đầy đủ”.

Bên cạnh tạo những “người xanh” trong lực lượng vận chuyển, bà Lý Kim Chi cũng đề nghị tiêm chủng ưu tiên cho những thương lái - đội ngũ nối kết DN với các vùng nguyên liệu, để họ di chuyển thu mua thuận lợi. 

Và tạo nhiều "vùng xanh" an toàn

Bên cạnh “người xanh”, TS. Nguyễn Thanh Lâm - Cố vấn cấp cao về hợp tác đầu tư quốc tế tại châu Âu và ASEAN,  cho rằng để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thiết yếu, TP.HCM cần xây dựng những "vùng xanh" an toàn từ các tỉnh thành khác. Trong đó, có thể lấy các nguồn nguyên liệu từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, các tỉnh ĐBSCL và Đồng Nai phục vụ cho sản xuất của TP.HCM. Riêng Đồng Nai với lợi thế về chăn nuôi, sẽ là nơi cung cấp nguồn gia súc, gia cầm rất lớn cho thành phố. 

thu-hoach-rau-4842-1625880899-6993-16287

Rau thu hoạch không lưu thông được vì khó vận chuyển- Ảnh internet 

TS. Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng, nên có cái nhìn mới về chống dịch. Với các thành phố có chưa đến 20 ca bệnh mỗi ngày thì không nên coi là vùng dịch đến mức phải áp dụng những biện pháp chặt khiến lưu thông hàng hoá khó khăn mà phải xem đây là những "vùng xanh" an toàn. 

Cùng với đó, cần xác định các trục đường dành cho từng loại hàng hoá cụ thể, hàng gì, tập kết ở đâu… Tất cả thông tin phải được thể hiện thành bản đồ công nghệ để các tài xế biết được cung đường vận chuyển dành cho họ, tránh tối đa sự tiếp xúc. Ông Thanh Lâm tư vấn: “Đã đến lúc phải xây dựng những vùng tập kết hàng hoá lớn tại các vùng lân cận, tiện cho việc vận chuyển vào TP.HCM. Bên cạnh đó, cần mở lại các chợ truyền thống với hình thức hoạt động phù hợp để hàng hoá được lưu thông. Ví dụ như trước đây, chợ đầu mối có 1.000 người làm việc thì nay giảm xuống còn 300 người, với đầy đủ các điều kiện 5K”. 

Cùng nhận định này, bà Lý Kim Chi nói thêm, để ngành lương thực thực phẩm thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, rất cần các giải pháp quyết liệt hơn. Thành phố phải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đánh giá lại tình hình dịch bệnh tại địa bàn, xác định rõ vùng nguy cơ cao, vùng ít nguy cơ, vùng xanh để áp dụng các biện pháp phòng dịch phù hợp. Tất cả phải làm thống nhất, đồng bộ ngay từ trung ương xuống địa phương.

“Phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thu hoạch, phân phối và lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm sự chủ động trong việc duy trì chuỗi cung ứng sản xuất ngành lương thực thực phẩm thiết yếu không chỉ tại TP.HCM mà còn cho cả nước”, bà Chi nói. 

H. Nga ghi

Nhóm PV