Sau giãn cách, thăm cung điện Cổng Vàng ở Paris
Quốc tế - Ngày đăng : 07:46, 15/08/2021
Tòa nhà Bảo tàng Lịch sử Nhập cư |
Trong số các thiết chế văn hóa mở cửa lại, có một cung điện - bảo tàng rất độc đáo, gắn với thời kỳ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở hải ngoại, tất nhiên có Việt Nam, nhưng không nhiều người biết đến - kể cả những người Việt đã sống lâu năm ở Pháp, đó là Palais de la Porte Dorée (cung điện Cổng Vàng).
Cung điện được xây xong năm 1931, nhân khai mạc Hội chợ Quốc tế về các thuộc địa Pháp (L'Exposition coloniale internationale), vào thời vàng son của chủ nghĩa thực dân. Lúc bấy giờ đây là nơi trưng bày những thành quả của công cuộc khai thác các thuộc địa ở châu Phi và châu Á, mà quan trọng nhất là Đông Dương (Indochine), gồm Việt Nam, Campuchia và Lào.
Cung điện là một trong những tòa nhà có kiến trúc Art Déco đầu tiên ở Pháp (Art Déco là một trường phái kiến trúc được khai sinh vào thập niên 1920) với kiến trúc sư trưởng là Albert Laprade - một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế của Pháp lúc đó. Được xây với mục đích đề cao chủ nghĩa thực dân Pháp, cung điện theo thời gian đổi dần các nội dung, để hôm nay trở thành Bảo tàng Lịch sử Nhập cư (Musée national de l'histoire de l'immigration) với ông giám đốc gốc châu Phi. Từ giai đoạn bành trướng của nước Pháp thực dân đến thời kỳ của những làn sóng di cư vào Pháp là một chặng đường dài bi tráng.
Ở đại sảnh của tòa nhà vẫn còn sót lại những bức tranh lớn vẽ trên tường thời thực dân. Những bức tranh trình bày nước Pháp như một đế chế mang văn hóa và khoa học đến những dân tộc chưa văn minh ở xa “mẫu quốc”. Thế nhưng những bức tranh rất đẹp ấy lại không đả động gì tới sự bóc lột những người lao động bản xứ, cũng không cho thấy bản chất của một chế độ trong quá khứ chưa xa mà tổng thống đương nhiệm của Pháp Emmanuel Macron đã có lần xem như “một tội ác chống nhân loại”.
Nhưng cái đáng xem nhất ở dinh thự hoành tráng này là bức phù điêu chiếm gần hết mặt tiền của tòa nhà (hơn 1.130m2). Một “tấm thảm đá” trình bày cuộc sống và lao động của người dân ở các thuộc địa châu Á và châu Phi, trên đó là những tranh điêu khắc chạm nổi (bas-relief) tuyệt đẹp - một tác phẩm đặc sắc của nhà điêu khắc Alfred Janniot (1889-1969).
Chi tiết về Việt Nam trên phù điêu |
Riêng người Việt có thể nhận ra được trong đó nhiều cảnh ở nông thôn nước mình, như rừng cao su, cánh đồng trồng bông, trồng trà, cảnh đánh bắt thủy sản... Những hình ảnh thật hiếm quý còn tồn tại ở thủ đô nước Pháp ngày hôm nay, có thể giúp cho việc nghiên cứu, truy tìm những dữ liệu một thời kỳ lịch sử.
Nếu đại dịch Covid-19 đã được khống chế, có dịp thăm thú Kinh đô Ánh sáng, bạn hãy đến với cung điện - bảo tàng độc đáo này. Chắc chắn bạn sẽ có một trải nghiệm đáng nhớ. Địa chỉ: số 293 đại lộ Daumesnil, quận 12, Paris.