Doanh nghiệp có dễ thở hơn với các phương án sản xuất mới?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:05, 15/08/2021
Linh hoạt “3 tại chỗ”
Có gần 400 công nhân đang sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” -3T, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Bidrico đóng tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc cho biết DN vẫn duy trì phương án “3 tại chỗ” trong một tháng sắp tới. Cho đến nay, sau 5 tuần thực hiện sản xuất trong điều kiện phòng dịch, ông Hiến nói người lao động đã quen và không muốn xáo trộn sang phương án mới. Để duy trì hoạt động, DN này xét nghiệm nhanh hàng tuần cho công nhân trong nhà máy. Với nhóm nguy cơ cao như tài xế, bốc xếp thì xét nghiệm 2 lần/tuần và chấp hành 5K là nguyên tắc bắt buộc với mỗi nhân viên. Chi phí phát sinh rất nhiều nhưng ông Hiến khẳng định đây là phương án hiệu quả với đặc thù của doanh nghiệp.
Về các phương án tổ chức sản xuất sau ngày 15/8, ông Hiến cho rằng cách tổ chức hiện tại của DN gần tương đồng với phương án mới “3 tại chỗ theo kíp” cho nên chưa cần phải điều chỉnh. Về kinh nghiệm sau 5 tuần duy trì 3T, vị Tổng giám đốc Bidrico chia sẻ, ngay sau tuần đầu tiên xuất hiện tình trạng bất ổn tâm lý ở một số công nhân. Những người này rất dễ trở thành “vết dầu loang” ảnh hưởng đến tâm lí của người nhiều khác.
Điều chỉnh phương án sản xuất có thể giải quyết áp lực cho chủ doanh nghiệp và áp lực tâm lí cho công nhân sau nhiều tuần "3 tại chỗ" |
“Họ lên mạng thấy những thông tin tiêu cực, rồi thêm người thân gọi điện giục về quê, ở lại nhà máy lo sợ lây nhiễm nhau... Từ một người mà hoang mang cho cả bộ phận. Nhưng lúc này ép buộc họ ở lại cũng không được, lại càng thêm căng thẳng”, ông Hiến nói. Bidrico đã áp dụng chế độ nghỉ phép 7 ngày hoặc 11 ngày cho những công nhân muốn về nhà. Trong 7 ngày thì công nhân về nhà 4 ngày, 3 ngày còn lại là thời gian cách ly và xét nghiệm trước khi quay lại nhà máy. Chế độ nghỉ phép 11 ngày cũng tương tự.
Với cách làm này, gần 400 người đang sản xuất 3T thì chỉ có 21 người đăng kí về phép. Ông Hiến cho rằng việc linh động chế độ nghỉ phép cũng như một dạng đổi kíp nhưng không giảm công suất nhà máy. “Nếu tổ chức “3 tại chỗ theo kíp” thì DN phải chia theo từng nhóm, như vậy là giảm đi lực lượng lao động trong từng ca. Cho nên nếu tiếp tục giãn cách xã hội thì chúng tôi vẫn duy trì phương án 3T như hiện tại cùng với chế độ cắt phép cho những công nhân có nhu cầu”, ông Hiến cho biết.
Dễ thở với phương án “4 xanh”
Đánh giá phương án thứ 4 – “4 xanh” có thể dễ thở hơn với các DN nhưng ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho rằng cần phải có hướng dẫn thật cụ thể về tiêu chí “4 xanh”. Đồng thời phải quy định vai trò và phạm vi trách nhiệm của 3 bên: cơ quan quản lý nhà nước - Doanh nghiệp - người lao động để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả của các mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với nhà nước, ông Phương phân tích, nên giữ vai trò ban hành khung pháp lý và công nhận các mô hình vận hành an toàn. Xử lý tách F0 khỏi DN và điều trị. Cấp phép hoạt động trở lại cho DN đủ điều kiện ngay khi tách F0.
Còn với DN, tổ chức cơ sở dữ liệu người lao động. Đăng ký và tuân thủ các mô hình hoạt động an toàn. Xét nghiệm định kỳ và khai báo kịp thời. Tổ chức mô hình y tế tại chỗ.
Trong khi trách nhiệm của người lao động là tuân thủ 5K và quy định của mô hình hoạt động. Tuân thủ cung đường di chuyển và 5K ngoài nơi làm việc. Hợp tác xét nghiệm định kỳ, cách ly y tế. Khai báo những thay đổi bất thường về sức khỏe.
Nếu có hướng dẫn cụ thể hơn thì các DN thuộc Hawa có thể sẽ chuyển sang phương án “4 xanh” trong một tháng giãn cách sắp tới.
Trong khi đó, ông Trương Tiến Dũng – Tổng giám đốc công ty CP kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, cũng cho hay DN này dự định lựa chọn phương án "4 xanh" nhưng chưa quyết định vì phải thận trọng và thật an toàn. Theo ông Dũng, cái mà DN yên tâm nhất nó phải nằm trong nội tại của DN, như môi trường nhà xưởng an toàn, người lao động được tiêm đủ vaccine và an toàn về sức khỏe. Còn cung đường xanh thì cũng tạm yên tâm vì người lao động đã ký cam kết và thực ra họ cũng chẳng có nơi nào để ghé vào khi cả xã hội đang giãn cách. Ngay cả tại địa phương, nơi họ đang sống bây giờ cũng đã lập vùng xanh nên cũng an toàn và biện pháp ai ở nhà nấy, không đi ra ngoài lúc này cũng là yếu tố tạm yên tâm.
“Chỉ còn 2 yếu tố là đầu vào nguyên liệu và đầu ra, đi phân phối lưu thông hàng hóa thì còn chưa yên tâm, còn mối nguy. Hơn 1 tháng thực hiện 3T, dù rất khó khăn nhưng DN cũng hiểu được sự nguy hiểm luôn rình rập và dịch bệnh có thể xâm chiếm nhà máy bất cứ lúc nào. Nếu thực hiện phương án "4 xanh" thì tinh thần DN vẫn phòng chống dịch như 3T", ông Dũng phân tích.
Nếu tiêm vaccine đầy đủ cho công nhân, phương án "4 xanh" được nhiều DN lưu ý |
Cần đồng bộ "4 xanh" giữa các tỉnh
Trước đó, Hawa đã kiến nghị với sở Công thương TP.HCM về phương án "4 xanh", tuy nhiên, ông Phương cho rằng cần thống nhất chủ trương giữa TPHCM và Bình Dương, Đồng Nai. Bởi nhiều DN có trụ sở tại TP.HCM nhưng nhà máy đặt ở Bình Dương và Đồng Nai. Hoặc nhà máy ở TP.HCM giáp ranh với hai tỉnh trên cho nên người lao động có thể đang cư trú ở các tỉnh. Do vậy, việc công nhận “cung đường xanh” giữa các địa phương này như thế nào để không gây khó cho DN.
Cũng sẵn sàng chuẩn bị chuyển trạng thái sang phương án “4 xanh”, công ty TNHH Việt Thắng Jean với 3 nhà máy ở TP. Thủ Đức (TP.HCM) và Đồng Nai, Bình Dương do vậy ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc công ty này cũng đặt vấn đề tính đồng bộ trong triển khai phương án “4 xanh”.
“Thành phố phải thống nhất chủ trương này đến từng phường vì trục trặc hiện nay ở khâu giám sát tại các địa bàn. Dù đáp ứng các điều kiện “4 xanh” nhưng công nhân có qua được các chốt trạm kiểm dịch tại các phường, các quận không?”, ông Việt băn khoăn.
Hiện nay Việt Thắng Jean đang duy trì khoảng 30% công suất và có thể tăng 50% ngay trong tháng 9 và giữ nhịp này cho những tháng còn lại của năm 2021 nếu chuyển trạng thái sang “4 xanh”.
Hiện nay do điều kiện cư trú của công nhân chưa đảm bảo 100% “nơi ở xanh” nên DN vẫn thuê địa điểm làm nơi lưu trú tập trung cho công nhân. “Với nhà máy ở TP. Thủ Đức thì còn khoảng 10% công nhân đang ở nhà trọ, vẫn phải tổ chức nơi ở tập trung và đưa đón đến nhà máy”, ông Việt cho biết.
Việc điều chỉnh phương án sản xuất như thế nào để giám bớt gánh nặng cho chủ doanh nghiệp và người lao động cũng là vấn đề được thảo luận trong các toạ đàm trực tuyến do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức thời gian qua. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến từ phía DN và chuyên gia đều trông đợi vào giải pháp nhanh chóng phủ vaccine cho công nhân.
Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, quận 12 "4 xanh" theo tiêu chí nào? Khoảng 20% lao động của chúng tôi đã nghỉ việc sau nhiều tuần thực hiện 3T. Nếu kéo dài mô hình này sẽ có thêm nhiều lao động xin nghỉ, nguy cơ sản xuất bị gián đoạn. Việc kéo dài 3T khiến nhiều công nhân bị áp lực tâm lý, chưa kể chi phí của DN cũng bị đội lên. Do đó, theo tôi, nên xem xét cho phép áp dụng "2 tại chỗ" (ăn và làm việc tại chỗ), nhưng được phép đi về buổi tối. Nếu được về nhà, người lao động cũng không dám đi đâu. Hơn nữa, nếu được áp dụng mô hình "2 tại chỗ", chúng tôi cũng yêu cầu công nhân ký cam kết chỉ đi đến công ty và về nhà. Công ty cũng sẽ đi chợ giúp công nhân để công nhân hạn chế tối đa việc ra ngoài. Nhìn vào 4 phương án mà Thành phố tổ chức sản xuất trong 1 tháng sắp tới thì có vẻ gần với mô hình đề xuất của chúng tôi. Nhưng không rõ tiêu chí "xanh" như thế nào với 4 yếu tố "nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh"? Nếu có hướng dẫn rõ ràng thì đây là phương án dễ thở với DN của chúng tôi. |