Tấm lòng của Vân với bà con nghèo trong đại dịch
Thời sự - Ngày đăng : 00:02, 16/08/2021
Lần tìm vào xem, mới hay đó là trang của bạn Nguyễn Thị Cẩm Vân – từng đảm nhiệm Giám đốc Tài chính của Trường Đại học Fulbright University Vietnam. Vân tốt nghiệp đại học hạng ưu ngành Toán Kinh tế trường Wake Forest University (Hoa Kỳ), thạc sĩ ngành Actuary (tạm dịch khoa học tính toán bảo hiểm/định phí bảo hiểm).
Tôi làm báo hơn 40 năm và thông qua ba mẹ của Vân, tôi đã từng biết Cẩm Vân từ lúc Vân còn học tiểu học. Năm Vân học lớp 9, đã từng viết thư gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, với nhiều câu hỏi và đề đạt những nguyện vọng, những mong muốn đổi mới cho nền ngoại giao ở Việt Nam và đã được bộ trưởng viết thư cảm ơn, khích lệ. Từ lúc ấy, tôi đã biết rằng, Vân là một cô gái không chỉ “có tâm” mà còn “có tầm”.
Tôi từng hỏi Cẩm Vân: “Vì sao, sau khi tốt nghiệp cháu không định cư tại nước ngoài mà lại quyết định trở về Việt Nam?”, tức khắc tôi đã nhận được câu trả lời: “Con hay nói vui là vì Tổ Quốc gọi nên con về. Và mỗi một giai đoạn con thấy có những ưu tiên riêng, lúc con quyết định về là vì ba con nói: "Ba mẹ chỉ còn có thể bên cạnh con nhiều lắm là 20 năm nữa. Ngay hôm sau con nộp đơn nghỉ việc, và trở về nhà, về Việt Nam”.
Sau khi vào trang Facebook “From Saigon To Saigon” (FSTS) và đọc, xem thật kỹ, tôi gọi điện hỏi:
*“Từ đâu Vân quyết định thành lập trang FSTS? Gia đình, bạn bè…đã có ý kiến gì về việc ấy?”
-“Con quyết định giúp bà con nghèo có được hỗ trợ lương thực, thực phẩm cơ bản. Đó là một phản ứng khẩn cấp vì con thấy sự ảnh hưởng quá lớn của Covid với người nghèo lúc này. Trước khi làm và trong lúc làm thì con được sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè, gia đình, rồi lan tỏa ra những người đồng nghiệp mới cũ, những cô chú anh chị bạn bè của gia đình, những người bạn cấp 2, 3 bao nhiêu năm không gặp, và kể cả những người bạn mới quen vì cùng đồng tâm nguyện giúp đỡ bà con”.
*“Những thuận lợi, khó khăn nào tính từ ngày lập trang facebook FSTS đến nay?”
-“Thuận lợi lớn nhất là hầu như ai cũng ủng hộ về mặt tinh thần, và cùng quyên góp. Khó khăn lớn nhất có 2 việc:
- Thứ nhất, việc kêu gọi đóng góp từ các nhà hảo tâm: ai cũng muốn giúp nhưng phần vì đã đóng góp nhiều ở khắp nơi qua nhiều giai đoạn của đại dịch và của giãn cách thành phố, phần vì nhóm không phải là một tổ chức có pháp nhân pháp lý (dự án cá nhân vừa ra đời được 6 tuần) nên các công ty - tổ chức thiện nguyện cũng không hỗ trợ được trực tiếp (tuy nhiên tụi con may mắn thuyết phục và được hỗ trợ tài chính bởi các nhóm thiện nguyện như Vietbay ở Mỹ, Chance to Grow ở Đức, We Wake Up ở Việt Nam). Một phần nữa do có những con sâu làm rầu nồi canh (như vụ bác sĩ Khoa) ảnh hưởng ít nhiều đến niềm tin của cộng đồng. Tuy nhiên, con tin rằng, mình đến với đồng bào mình bằng cái tâm trong sáng với hết cả tấm lòng, tình yêu của mình thì cứ vậy mà làm với khả năng của mình thôi.
- Thứ hai, nguồn nhân lực của tụi con: nhóm là tập hợp bởi những tình nguyện viên đến với FSTS vì một lòng muốn giúp bà con. Tạm thời các khâu quản trị, xử lý dữ liệu, quy trình làm việc của tụi con đã khá ổn. Tuy nhiên những ngày gần đây số lượng kêu cứu từ các xóm trọ đến nhóm tăng vọt, từ khoảng 1-2 nơi những ngày đầu, giờ là hơn 200 nơi kêu gọi giúp đỡ mỗi ngày. Nhóm khá vất vả để tiếp nhận và lọc, xác minh thông tin. Có lúc bị bà con mắng vì không trả lời kịp hay bị từ chối không hỗ trợ. Nhưng việc đó không là gì so với việc hàng ngày tiếp nhận những thông tin rất đau thương xin cứu giúp từ bà con, mà lực của FSTS thì có hạn. Những lúc đó con động viên các bạn cùng giữ vững tinh thần và sức khỏe, mình có khỏe thì mới có thể tiếp tục giúp những nơi chưa được giúp”.
*“Những người bạn cùng tham gia với Vân trong việc thiện nguyện ấy cụ thể là những ai? Có thể sơ lược giới thiệu công việc của mỗi người trong nhóm FSTS?”
-“Nhóm FSTS hiện tại có khoảng 23 thành viên, chia thành 4 nhóm nhỏ: team inbox, team data dữ liệu, team media, team tài chính gây quỹ. Nhóm là sinh viên chuẩn bị vào ngưỡng cửa đại học, hay sinh viên mới ra trường, nhóm là chuyên viên đang làm việc, là quản lý cao cấp ở các ngành nghề khác nhau từ nghệ thuật, kiến trúc, ngân hàng, đến giảng viên, kế toán... Có bạn đang ở Quảng Bình, có bạn đang ở Pháp hàng ngày 4 giờ sáng dậy vừa lọc cọc xử lý việc của nhóm vừa sợ ồn làm người nhà thức giấc. Nhóm có một điểm chung là cùng trái tim hướng về bà con lúc này”.
*“Hoạt động của nhóm dự định thế nào trong tương lai (khi hết dịch)? Sẽ tiếp tục hay chấm dứt? Vì sao? Phương châm của nhóm là gì?”
-“Tương lai đó nhóm không mong gì hơn. Vì nhóm được hình thành với mong muốn cứu trợ khẩn cấp cho bà con lao động ở các xóm nghèo, nên thành lập rất nhanh với những hoạt động vô cùng quyết liệt nhanh chóng. Nhưng nhóm cũng là tập hợp những thành viên tự nguyện mà bản thân mỗi người đều có những công việc học tập riêng, dự án riêng, trong giai đoạn này tạm gác lại hoặc tạm ngủ bớt lại để có thể cùng giúp bà con. Bản thân con cũng có những dự định riêng, muốn ôm bé con của con nhiều hơn mỗi ngày, nhưng tạm dặn con ngoan để mẹ có thể giúp sức bà con lúc này. Tụi con ai cũng hy vọng sẽ sớm có ngày Sài Gòn mình nói riêng, và nước mình nói chung, có thể hồi phục dần dần. Ngày tươi sáng đó tụi con sẽ tạm biệt bà con, chuyển số tiền còn lại nếu có cho các quỹ từ thiện chuyên nghiệp, và xin phép được quay lại với gia đình, công việc của mình. Cho đến lúc đó, tụi con sẽ cùng động viên nhau, ráng sức để góp phần giúp bà con trong thời gian bị giãn cách thêm một tháng nữa”.
*“Cảm nhận của Vân về hoàn cảnh của bà con nghèo tại Sài Gòn trong những ngày qua? Họ sẽ thế nào trong những ngày tới?”
-“Con cảm nhận được mọi người đang cố gắng để cầm cự. Việc kéo dài giãn cách mới đây thật ra làm suy sụp tinh thần của những bà con nghèo. Con hy vọng cộng đồng có thể cùng chung tay giúp các xóm nghèo lúc này để họ không phải lo về bữa ăn. Mình ráng một chút thì bà con có thêm được những bữa ăn cầm cự thêm, các bé con có thêm sữa để uống”.
*“Cảm nhận của Vân về những nhà hảo tâm, những tấm lòng của mọi người dành cho bà con nghèo?”
-“Khi làm dự án này tụi con có những lúc cạn kiệt sức lực, nhưng mỗi ngày được tiếp sức là nhờ có những nhà hảo tâm. Họ không chỉ gửi gắm tiền bạc để nhờ giúp đỡ bà con, mà còn trao niềm tin tưởng đến nhóm. Đó là trách nhiệm rất lớn của tụi con, cũng là niềm vinh dự lớn lao. Đối với bà con, tấm lòng của nhà hảo tâm không từ nào diễn tả được hết. Qua những dòng tin nhắn, những dòng chuyển khoản vội vàng, họ nhắn như sau: Sài Gòn cố lên nhé, thương Sài Gòn lắm, bà con ơi cố lên, from Hà Nội to Sài Gòn, from Hà Tĩnh to Sài Gòn, From Philly to Sài Gòn, with love”.
Qua phần đối thoại của tôi (một nhà báo đã nghỉ hưu) với Cẩm Vân – cô cháu từng đảm nhiệm Giám đốc Tài chính của một trường đại học danh tiếng tại Việt Nam - Fulbright University Vietnam, tôi tin tấm lòng của Vân đã và đang dành cho đồng bào mình gặp vô vàn khó khăn trong cơn đại dịch hiện nay. Tôi tin, bởi cháu xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu thương người nghèo: ba mẹ cháu đã từng (và đang) thường xuyên tổ chức phát quà cho bà con nghèo, phát học bỗng cho hàng trăm học sinh gia đình khó khăn tại Tiền Giang (quê nhà của họ) từ tiền của chính mình.
Mong sao lòng từ tâm và niềm tin vào cái tốt sẽ được lan tỏa, để phần nào xoa dịu nỗi đau thương mất mát mà bao gia đình Việt Nam đang phải chịu từ đại dịch.
(Bài viết hưởng ứng cuộc thi "Tình người nơi tâm dịch)