Muốn người lao động ở lại, phải cho họ thấy tương lai

Trong nước - Ngày đăng : 01:02, 17/08/2021

Theo số liệu công bố của Bộ Y tế, tính đến ngày 16/8, 4 tỉnh, thành có số ca nhiễm Covid cao nhất đều thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: TP.HCM (152.827), Bình Dương (46.501), Long An (14.998), Đồng Nai (14.204). Đây là 4 địa phương giữ vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất của các tỉnh phía Nam.
Muốn người lao động ở lại, phải cho họ thấy tương lai

Các tổ công tác làm nhiệm vụ điều phối giao thông, yêu cầu người dân muốn về quê trở về lại thành phố. Ảnh: Công An Nhân Dân

Vì vậy, nếu các doanh nghiệp (DN) ở 4 tỉnh, thành này ngưng sản xuất hoặc giảm công suất hoạt động sẽ gây trục trặc đầu vào, đầu ra đối với phần lớn DN của các tỉnh, thành phía Nam và cả nước.

Hơn 1 tháng giãn cách với nhiều biện pháp siết chặt, nhiều DN không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn theo quy định nên đã chủ động tạm ngưng hoạt động. Một số DN tiếp tục sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” nhưng do nhiều đối tác thu hẹp quy mô hoặc tạm ngưng hoạt động, dẫn đến việc cung ứng đầu vào, đầu ra bị gián đoạn. Trong hoàn cảnh đó, nhiều DN hoạt động không hiệu quả, nên tạm ngưng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Khi đó, lao động phải tạm nghỉ không lương hoặc chỉ nhận mức lương tối thiểu, không bảo đảm trang trải cuộc sống. 

Người lao động luôn mong mỏi ngày DN trở lại hoạt động bình thường, còn DN thì không thể đưa ra câu trả lời về ngày trở lại trạng thái bình thường đó. Bởi lẽ trong các văn bản về giãn cách chưa chỉ ra được chính sách cụ thể như thế nào khi hết thời hạn giãn cách. Khi DN chưa có thông tin về chính sách trong tương lai, họ sẽ không đủ căn cứ để xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Do vậy, không thể trả lời người lao động về việc khi nào trở lại sản xuất với quy mô sử dụng lao động cụ thể.

Không biết được tương lai ra sao, không biết ngày nào đi làm trở lại, người lao động đành nghĩ đến việc phải quay về quê hương để nương tựa bà con hàng xóm. Chắc chắn rằng, ở quê sẽ không dễ dàng tìm được việc làm. Bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn DN ở các địa phương với các yếu tố đầu vào, đầu ra phụ thuộc vào nền kinh tế của các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An). Khi hoạt động kinh tế của các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bị trục trặc, tất nhiên DN các tỉnh phía Nam cũng bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, người lao động từ vùng dịch về các tỉnh sẽ tạo ra nguồn lây nhiễm vô cùng lớn, khó lòng kiểm soát. 

Hơn nữa, nếu người lao động ào ạt về quê sẽ gây ra rủi ro thiếu hụt lao động khi DN hoạt động trở lại, dẫn đến giảm tiến trình khôi phục kinh tế khi Chính phủ/chính quyền tìm được chính sách hợp lý.

TP-Thu-Duc-tang-qua-1963-1629167250.jpg

“Chuyến xe nghĩa tình” trao tặng các phần quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các khu nhà trọ trên địa bàn TP.Thủ Đức ngày 16/8. Ảnh: Thành Ủy TP.HCM

Lúc này đây, việc giữ người lao động ở lại vùng dịch là vô cùng quan trọng, góp phần giảm rủi ro lây nhiễm Covid cho các tỉnh còn lại, cũng như sẵn sàng tạo đà cho việc khởi động lại các hoạt động sản xuất kinh doanh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bằng mọi giá, phải tìm được giải pháp khuyến khích tinh thần và hỗ trợ vật chất để họ yên tâm ở lại với hy vọng có được việc làm trong tương lai.

Sự suy sụp vì đói không bằng sự sa sút tinh thần, tinh thần sa sút bởi không nhìn thấy được tương lai. Tương lai của người lao động do DN vẽ nên, tương lai của DN chỉ được xác định khi chính quyền xác định chính sách rõ ràng. 

Chính quyền cần công bố rõ chính sách khi hết thời gian giãn cách để DN có cơ sở xây dựng kế hoạch và phương án kinh doanh để trả lời với người lao động về hướng đi của họ. Chẳng hạn như TP.HCM giãn cách đến hết ngày 15/9, sau ngày 15/9 nếu còn dịch thì chính sách như thế nào, điều kiện để DN hoạt động là gì? Song song đó, là chính sách kiểm soát giao thông; hoạt động của các chợ, các công trình xây dựng; điều kiện dạy và học; loại hình vui chơi, giải trí, du lịch…nào sẽ được hoạt động với điều kiện cụ thể ra sao?

Với chính sách đó, DN sẽ cân nhắc việc có nên hoạt động trở lại hay tiếp tục ngưng hoạt động, nếu hoạt động trở lại thì sử dụng quy mô lao động bao nhiêu. Lúc đó, DN sẽ trả lời được cho người lao động về công việc của họ, giúp họ nhìn thấy được hướng đi trong tương lai để họ yên tâm ở lại chờ đợi. 

Về vật chất, các chi phí nhà trọ, chi tiêu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều gói hỗ trợ và tiếp tục các gói hỗ trợ tiếp theo với nhiều mô hình sáng tạo, linh hoạt. Tuy vậy, nguồn lực ngân sách là có hạn, cũng như lực lượng cán bộ thực hiện hỗ trợ cũng hạn chế nên khó lòng bảo đảm sự công bằng, đáp ứng được kỳ vọng cho tất cả người dân. Hơn nữa, sử dụng tiền ngân sách để hỗ trợ cần tuân thủ một số quy định tối thiểu, không thể linh hoạt như các tổ chức, cá nhân làm từ thiện.

Mo-hinh-quyet-dinh-cua-nguoi-l-5519-5535

Mô hình quyết định của người lao động trong tâm dịch Covid-19 của TS. Huỳnh Thanh Điền

Các gói hỗ trợ là cần thiết với vai trò phát động, làm mẫu để kêu gọi sự chung tay góp sức của các mạnh thường quân, khơi gợi lên tinh thần nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách. Thời gian qua có rất nhiều tổ chức, cá nhân kêu gọi quyên góp, thực hiện cung cấp lương thực, thực phẩm và đồ dùng tại các xóm nhà trọ (nơi ở của nhiều công nhân) với nhiều cách làm rất đa dạng. Tinh thần này đã có, cần tiếp tục phát huy, kêu gọi thêm sự đóng góp của các DN, các nhà hảo tâm chung tay cùng chính quyền,  thực hiện trợ giúp người lao động để họ yên tâm ở lại chờ đợi ngày khởi động lại sản xuất.

Nguồn lương thực thực phẩm ở Việt Nam rất dồi dào, việc triển khai các biện pháp kiểm soát dịch chưa phù hợp gây tắc nghẽn lưu thông trong thời gian qua cần sớm được giải quyết. Rất nhiều tổ chức từ thiện cứu trợ gặp khó trong lưu thông hàng hoá. Một số nơi chính quyền quản lý hiệu quả thì nguồn hỗ trợ dễ đến tay người dân, nhưng có một số nơi chưa tạo điều kiện thuận lợi nên người dân gặp khó khăn không tiếp cận được nguồn cứu trợ. Đây là bài toán cần sớm được giải quyết để bảo đảm mọi người khó khăn đều tiếp cận được nguồn hỗ trợ.

(*) Đại học Nguyễn Tất Thành 

TS. Huỳnh Thanh Điền (*)