M&A khách sạn: Sôi động mùa cuối năm
Quốc tế - Ngày đăng : 01:00, 21/08/2021
Các thương vụ M&A tăng mạnh
Mặc dù vậy, Ralph Hollister - nhà phân tích tại GlobalData lại lạc quan: “Dịch bệnh tác động đến doanh thu và sự phát triển của khách sạn. Nhưng chắc chắn mang lại cơ hội cho những nhà đầu tư lớn. M&A vẫn tiếp tục và sẽ sôi động khi dịch bệnh ổn định hơn”.
Tròn một năm sau đó, lĩnh vực này chứng kiến hàng loạt thương vụ lớn với sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Theo Báo cáo Triển vọng Đầu tư Khách sạn Toàn cầu năm 2021 của Công ty JLL, tháng 3 năm nay Tập đoàn Blackstone và Tập đoàn Starwood đã mua lại nhà điều hành khách sạn Extended Stay America với giá 6 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A lớn nhất ở Hoa Kỳ kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ.
Một bộ phận Hội đồng quản trị của hai tập đoàn kiên quyết phản đối vì họ không có niềm tin vào sự phục hồi của du lịch sau đại dịch và khách sạn sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp. Nhưng theo Bloomberg, sau nhiều cuộc thảo luận, Blackstone vẫn theo đuổi tham vọng chinh phục Extended Stay America, hướng đến mục tiêu lợi nhuận lâu dài.
Ông Nihat Ercan - Giám đốc điều hành Bộ phận Đầu tư của JLL khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Những thông tin tích cực về việc triển khai vaccine Covid-19 và tín hiệu phục hồi của ngành du lịch ở một số nước khiến các nhà đầu tư phải tính toán từ bây giờ nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội. Chu kỳ M&A mới đã được thiết lập lại và chúng ta đang bước vào giai đoạn phục hồi”.
Tháng 5 vừa rồi, tập đoàn đầu tư Pro-investment, trụ sở chính tại Úc, đã mở một quỹ trị giá 388 triệu USD nhắm mục tiêu đầu tư vào các khách sạn cao cấp, khách sạn cổ điển và các văn phòng ở châu Á có nhu cầu tìm vốn trong đại dịch. Tập đoàn Dreamscape Cos, có trụ sở tại New York cũng đã rót 1 tỷ USD và tham gia vào nhóm người mua, nhắm mục tiêu thâu tóm các khách sạn dành cho khách là doanh nhân - thị trường được dự báo sẽ phục hồi chậm nhưng giá bán có lợi nhiều hơn.
Đáng chú ý là chỉ trong nửa đầu tháng 8, thống kê của trang Hotel Business cho thấy có khoảng 5 thương vụ M&A khách sạn đã diễn ra. Ngày 2/8, Hilton Grand Vacations (HVG), có trụ sở tại Hoa Kỳ đã hoàn tất việc mua lại Diamond Resorts International với giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 1,4 tỷ USD. Việc mua lại Diamond Resorts, giúp HVG bổ sung vào tài sản công ty 154 khu nghỉ dưỡng và bất động sản sang trọng để càng củng cố thêm vị thế của tập đoàn với tư cách là đơn vị hàng đầu trong ngành dịch vụ, khách sạn.
Gần đây nhất, ngày 9/8, liên doanh giữa Flynn Properties Inc. - Chủ sở hữu bất động sản thương mại, khu nghỉ dưỡng sang trọng và khách sạn dịch vụ chọn lọc ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới cùng Värde Partners - Công ty đầu tư thay thế toàn cầu đã mua lại 20 khách sạn theo thỏa thuận trị giá 211 triệu USD với Apple Hospitality REIT.
Francisco Milone - người đứng đầu của Värde Partners nói: “Lĩnh vực khách sạn đã trải qua một cú sốc chưa từng có, với mức độ gián đoạn dòng tiền nghiêm trọng dẫn đến nhu cầu vốn đáng kể. Khi lĩnh vực này bắt đầu phục hồi sau đại dịch, chúng tôi tin rằng sẽ nắm bắt được cơ hội đầu tư có chọn lọc vào các tài sản chất lượng cao ở những vị trí tốt nhất để thúc đẩy lợi nhuận chung”.
Sôi động nhưng khó bứt phá
Các chuyên gia dự báo, sau những tác động của dịch Covid-19 thị trường khách sạn sẽ phục hồi vào năm 2024. Trong báo cáo, JLL cũng cho biết có 70% các nhà đầu tư đang nhắm mục tiêu vào các khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương. Khối lượng đầu tư khách sạn toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ đạt 35 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, JLL nhận thấy sự quan tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm đến lĩnh vực này ở nhiều chiến lược khác nhau, từ thu mua cổ phần truyền thống đến cho vay cấp cao hoặc cho vay lãi suất thấp. Song những hoạt động này chỉ thực sự đẩy mạnh khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Bởi với nhiều nhà đầu tư, việc mua lại khách sạn sẽ còn đi kèm với những thay đổi trong việc quản lý tài sản để đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng sau một thời gian dài nghỉ ngơi vì dịch.
Mặt khác, đến giai đoạn hiện tại các khách sạn lớn đã bắt đầu chuyển đổi để có thể thích ứng với khó khăn. Thay vì bán cổ phần hoặc nhận đầu tư trực tiếp nhận, các khách sạn chọn hình thức giao dịch hoặc liên kết với một thương hiệu khác để duy trì hoạt động mà vẫn đảm bảo các quyền lợi về mặt pháp lý.
Leeny Oberg - Giám đốc tài chính của Tập đoàn khách sạn Marriott cho biết: “Tôi nghĩ điều lớn nhất hiện tại trong M&A là sự khác biệt giữa kỳ vọng của người mua và người bán. Vì vậy, cho đến hiện tại vẫn chỉ có những thương vụ rất nhỏ diễn ra. Tuy nhiên, lại tùy thuộc vào thị trường mà chúng ta đang nói đến, nếu những nhà đầu tư lớn nhận thấy được tiềm năng họ sẽ sẵn sàng chinh phục để lấp đầy lỗ hổng của sự suy thoái”.
“Sẽ có thêm các giao dịch được thực hiện trong thời gian tới, những ‘tay chơi’ muốn tăng giá trị sẽ sẵn sàng thâu tóm tài sản và định vị lại các khách sạn với mục tiêu chào bán sau 3 đến 5 năm vận hành” - ông Xander Nijnens, Giám đốc Quản lý Tài sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL nói.
Trong bối cảnh dịch bệnh chưa thể kiểm soát hoàn toàn, các khách sạn nhỏ dù có cố gắng nhưng các chuyên gia dự đoán họ sẽ nhanh chóng nản lòng vì những chi phí khổng lồ để duy trì cơ sở hạ tầng cũng như chăm lo cho người lao động. Đây có thể là sự cầm cự cuối cùng, thúc đẩy các thương vụ mua bán hoặc sáp nhập.
Nhà báo Cameron Sperance, chuyên nghiên cứu về lĩnh vực dịch vụ, khách sạn bày tỏ: “Với tình hình hiện tại, ngành công nghiệp khách sạn không nhất thiết phải chuẩn bị cho làn sóng M&A lớn. Các đơn vị mua bán và sáp nhập cần suy nghĩ nhiều về các giao dịch nhỏ, mang tính chiến lược hơn là các vụ tiếp quản lớn mất hàng chục tỷ USD trong nhiều năm chỉ để nâng cao vị thế công ty”.