Natalia Denisko: Bảng màu tung tẩy
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 07:30, 22/08/2021
Cô trợ lý giám đốc và giấc mơ họa sĩ
Natalia Denisko là sinh ra và lớn lên tại Nga, nhưng theo học tại Trung Quốc và hiện làm việc ở Singapore - nơi chính thức mở ra hành trình nghệ thuật của cô. Từ nhỏ, Natalia thích vẽ tranh và luôn mong những món quà nhận được là những quyển tập vẽ.
“Tốt nghiệp lớp học nghệ thuật dành cho trẻ em, tôi biết mình muốn trở thành một họa sĩ. Nhưng với quan điểm của gia đình và những người xung quanh, sáng tạo là nghề không tạo nên sự nghiệp, tôi chọn học về kinh tế” - Natalia nói.
Chân dung nữ họa sĩ Natalia Denisko |
Sau đại học, cô đến Thượng Hải học thêm tiếng Trung và giữ vị trí trợ lý Giám đốc dự án của một công ty lớn tại Trung Quốc. Mặc dù công việc đang thăng tiến, có nhiều cơ hội phát triển nhưng Natalia không cảm thấy hài lòng với những gì đang có. Sở thích cầm cọ và ước mơ thuở bé cứ luôn trỗi dậy và thôi thúc cô thay đổi.
Natalia chia sẻ: “Bước ngoặt cuộc đời tôi bắt đầu rất tình cờ, khi tôi đọc được câu chuyện của Wassili Kandinski - nghệ sĩ bậc thầy người Nga - tôi tìm lại được cảm hứng và muốn vẽ nhiều hơn”.
Tác phẩm "Walking Far East forest on Sunday" |
Tác phẩm "I am all you need" |
Bên cạnh tài năng nghệ thuật của một họa sĩ được tôn vinh với những tác phẩm thuộc trường phái trừu tượng hiện đại đầu tiên trên thế giới, Natalia tìm thấy chính cô trong cuộc đời của Kandinski. Ông vốn là một luật sư tài năng từng được mời làm Giáo sư tại Đại học Dorpat (nay là Đại học Tartu, lớn nhất ở Estonia) nhưng ông từ chối để theo đuổi con đường nghệ thuật.
Natalia nói: “Với tôi, Kandinski là một ví dụ tuyệt vời cho những người muốn chuyển chuyên ngành sang nghệ thuật. Dù sẽ có rất nhiều nỗi sợ nhưng không bao giờ là muộn để bắt đầu làm những gì bản thân yêu thích và mọi người đều có cơ hội thành công”.
Tác phẩm "Effect of Green" |
Natalia chọn Singapore để theo học về nghệ thuật và bắt đầu con đường vẽ tranh chuyên nghiệp. Sau nhiều khóa học nghệ thuật tại Học viện Mỹ thuật Nanyang và Lasalle, cô nhận được các đơn đặt hàng mua tranh và lời mời tham gia các dự án vẽ tranh trừu tượng.
Cô bày tỏ sự tự tin: “Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi thích hợp với việc vẽ tranh. Bây giờ tôi nhận ra, nghệ thuật không phải là một thứ gì đó nhất thời mà là một con đường, một hành trình và tôi sẽ đi cùng nó cho đến khi không thể”.
Màu sắc là cơ sở cho sáng tạo
Natalia Denisko luôn bị thu hút bởi màu sắc. Trong hầu hết các bức tranh, cô luôn dùng màu sắc để pha trộn, biến hóa thể hiện những thông điệp sâu sắc nhưng không quá thử thách người xem.
Bảng màu của Natalia chỉ xoay quanh các sắc quen thuộc như hồng, xanh dương, đỏ, xanh lá với điểm nhấn là vàng. Với cô, đó là 5 màu cơ bản cho mọi sáng tạo, đủ sức kích thích và ảnh hưởng đến tâm lý người xem. “Màu sắc có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ, cảm xúc và ý thức của một người. Nhưng vì màu sắc có nhiều ý nghĩa như thế nên mỗi người sẽ nhìn nhận màu sắc ở nhiều góc độ. Sử dụng các cường độ và sự kết hợp màu sắc khác nhau cho phép người xem chìm đắm vào ý thức và thúc đẩy nhận thức của tôi về thế giới”.
Tác phẩm "Life effect" |
Tác phẩm "Purple dreams effect" |
Quá trình sáng tạo của Natalia hoàn toàn tự nhiên. Cô quan niệm việc sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật cần xuất phát từ trái tim chứ không từ cảm giác phải làm. Vì thế trước mỗi khi vẽ tranh, Natalia thường tự tìm đến những cảm xúc bên trong bằng cách nhìn sâu vào bảng màu, nghe nhạc, đọc sách hoặc đôi khi là thiền, yoga.
Với Natalia, việc tập yoga đều đặn có tác động rất lớn đến cảm hứng sáng tác và là một phần thiết yếu trong cuộc sống. “Tôi trở nên sáng tạo và cởi mở hơn. Nhờ yoga tôi ý thức được nghệ thuật không phải là ‘vật’ mà là ‘cách’. Mỗi bức tranh, đặc biệt màu sắc trong đó không phải là điều để thể hiện bản thân, mà là cách truyền cảm hứng và chữa lành cho người xem” - Natalia giải thích.
Bên cạnh các hoạt động liên quan đến sáng tác, Natalia đang thực hiện triển lãm gây quỹ cho Breast Cancer Foundation (Quỹ ung thư vú) tại Singapore, với mong muốn những tác phẩm của cô có thể tác động và chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực của người xem thành tích cực và hạnh phúc. Đồng thời, có thể dùng chính niềm hạnh phúc đó lan tỏa đến những bệnh nhân ung thu vú và hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện.
Tác phẩm "Serenity" |
Tác phẩm "Winter effect" |
Hội chợ Nghệ thuật Singapore 2021, Hội chợ Nghệ thuật Sydney 2022 là những sự kiện lớn Natalia sẽ tham gia với vai trò là nghệ sĩ trừu tượng trong thời gian tới. Ngoài ra, cô cũng đang mở các lớp học trực tuyến, hướng dẫn vẽ tranh và tìm hiểu về nghệ thuật trừu tượng trực quan với mục đích giúp mọi người thư giãn, giải tỏa trong thời gian dịch bệnh.
“Tôi đã và đang cố gắng để mọi người thấy rằng, bất cứ ai cũng có thể dùng màu sắc để vẽ tranh và đó là quá trình của sự tận hưởng” - Natalia bày tỏ.