Phát triển kinh tế phải trở thành nền tảng để phòng chống dịch lâu dài và bền vững
Trong nước - Ngày đăng : 05:00, 23/08/2021
Sự phục hồi của doanh nghiệp (DN) sẽ quyết định mức độ đứng vững của nền kinh tế và là điều kiện cơ bản để giải quyết các vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội. Để ứng phó, thích nghi và vượt qua khó khăn chưa có tiền lệ do đợt dịch lần thứ 4 gây ra, cần sự nỗ lực tự thân mỗi DN và không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước với các chính sách kịp thời, đầy đủ.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giảm nguy cơ phá sản, mất khả năng trở lại hoạt động của hàng loạt DN, mà hệ luỵ của nó với nền kinh tế sẽ là rất lớn và kéo dài, chưa thể hình dung được hết.
Một là, kiểm soát được Covid-19 là điều kiện cơ bản nhất để xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, với những gì về đại dịch đang diễn ra trong nước và trên thế giới cho thấy, không thể sớm để nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại, có sớm thì đến cuối năm 2021.
Do vậy, Chính phủ và TP.HCM cần xác định thế nào là kiểm soát được dịch để mở cửa cho các ngành kinh tế hoạt động. Đồng thời, ngay từ bây giờ, DN cần chuẩn bị kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh khi dịch được kiểm soát như kỳ vọng và cả trường hợp dịch chưa kiểm soát được sau ngày 15/9/2021.
Khi virus SARS-CoV-2 và những biến thể của nó không biến mất, người nhiễm không thể về 0 thì việc phát triển kinh tế phải trở thành nền tảng để phòng chống dịch lâu dài và bền vững. Như vậy, chính sách phòng chống dịch cần đặt trong khuôn khổ rộng hơn, không chỉ là vấn đề bảo vệ sức khoẻ người dân.
Trong chính sách chống dịch, cần lập vùng an toàn và dần mở cửa sản xuất, kinh doanh trong các vùng này. Chúng ta hiểu rằng, phương án sản xuất 3T chỉ là giải pháp tạm thời, không thể kéo dài mãi được. Nên trong những vùng an toàn, để DN bố trí người lao động ở tại nhà hoặc tại khách sạn, tức “Một con đường nhiều điểm đến an toàn”.
Đây cũng là một bước để chuyển về trạng thái bình thường mới sau khi vùng an toàn được mở rộng, đồng thời giúp DN giảm chi phí và tạo sự thoái mái về tinh thần, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động để duy trì sản xuất và tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó điều này cũng giúp ngành dịch vụ lưu trú, khách sạn trong vùng an toàn đủ điều kiện hoạt động trở lại.
Đối với vùng chưa an toàn, TP cần hỗ trợ DN trong việc thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến” ít nhất là những chi phí phát sinh do lưu trú và đưa đón người lao động. Điều này thể hiện sự chia sẻ của ba bên: người lao động chấp nhận làm việc, sinh hoạt trong điều kiện bất tiện khi không được về nhà - DN lo ăn ở, phòng chống dịch bệnh - Nhà nước hỗ trợ chi phí lưu trú, đưa đón công nhân.
Sự hỗ trợ này của chính quyền cũng gián tiếp kích cầu, giúp ngành vận tải, lưu trú cung cấp dịch vụ cho DN trở lại hoạt động. Để khuyến khích DN duy trì sản xuất, mức hỗ trợ này cần cao hơn mức hỗ trợ về giảm chi phí vốn cho DN hiện nay.
Hai là, hỗ trợ DN miễn, giảm thuế, chi phí thuê mặt bằng, chi phí vận hành. Cần phân loại DN theo mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gồm ba nhóm: phá sản, tạm dừng, đang hoạt động để có những chính sách hỗ trợ phù hợp với từng nhóm. Đối với DN tạm dừng và đang hoạt động, cần thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 với thủ tục đơn giản, giải quyết nhanh nhất có thể.
Đặc biệt là cần hỗ trợ một phần chi phí thuê mặt bằng đối với DN kinh doanh thương mại, dịch vụ để chia sẻ khó khăn vì đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động trong nhiều tháng.
Đồng thời sớm thiết kế và triển khai chính sách hỗ trợ chi phí điện, nước, viễn thông… Các sản phẩm này chủ yếu do DN có vốn nhà nước cung ứng và ít ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên đây là lúc cần phát huy vai trò của khu vực kinh tế nhà nước trong chia sẻ, gánh vác khó khăn chung với DN trong nền kinh tế.
Ba là, về chính sách tín tín dụng, nếu giảm lãi cho vay hiện tại thì chỉ có ý nghĩa đối với DN đang hoạt động cần vay vốn. Triển vọng thị trường ảm đạm thì số lượng DN có nhu cầu vay vốn đầu tư không nhiều. Vì vậy, TP cần làm việc với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí. Việc giảm lãi suất cũng cần gắn với chính sách tạo điệu kiện cho DN vay để đảo nợ, giảm chi phí lãi vay.
Đồng thời, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, sớm triển khai chính sách hỗ trợ DN được vay vốn với lãi suất 0%, không phải bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là với DN nhỏ và vừa.
Bốn là, hỗ trợ DN duy trì, mở rộng thị trường và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Lãnh đạo Thành phố cần lập tổ công tác hỗ trợ DN, tổ chức đối thoại và lập đường dây nóng giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó đặc biệt là tháo giỡ những khó khăn phát sinh về lưu thông hàng hoá, nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa.
Doanh nhân Việt Nam vốn năng động để thích nghi với bối cảnh mới. Nhiều DN đã chú ý số hoá hoạt động và phát triển các kênh thương mại trực tuyến trong và ngoài nước, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất, phát triển các nền tảng trực tuyến, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ, giáo dục, y tế…
Tuy vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, điều này không dễ thực hiện nếu thiếu sự kết nối cung cầu, hỗ trợ từ Nhà nước trong việc xúc tiến thương mại và hỗ trợ các nền tảng công nghệ.
Năm là, trong khi một nguồn lực rất lớn phải chi cho công tác phòng chống dịch và an sinh xã hội, TP cần cắt giảm chi thường xuyên, sử dụng các quỹ dự phòng, phát hành trái phiếu vay vốn từ các tổ chức tín dụng để thực hiện gói hỗ trợ DN.
Tuy nhiên, chính sách này của riêng TP là chưa đủ, cần sự hỗ trợ của Chính phủ bằng việc thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và chính sách ngoại thương.