Tin kinh tế ngày 24/8: Gần 2.000 doanh nghiệp Việt Nam được IFC hỗ trợ do Covid-19

Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 24/08/2021

Loạt tin tức kinh tế nổi bật trong ngày gồm có đề nghị công bố giá thị trường các mặt hàng y tế phòng, chống dịch Covid-19; hơn 400.000 tấn nông sản ở các tỉnh, thành phía Nam vẫn bí đầu ra; Việt Nam là trung tâm sản xuất điện tử quan trọng trong khu vực...

Gần 2.000 doanh nghiệp Việt Nam được IFC hỗ trợ do Covid-19

1-6599-1629794768.jpg

Trong năm tài khóa 2021, chương trình tài trợ thương mại của IFC (thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới) đã hỗ trợ cho gần 2.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam vượt qua giai đoạn Covid-19 và duy trì việc làm cho người lao động. IFC đã thúc đẩy các hoạt động tài trợ thương mại và tài trợ chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam, nhất là DN trong ngành dệt may và nông sản, tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và duy trì việc làm.

Khả năng chống chịu của Việt Nam trước đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã giúp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu trong khi DN ở hầu hết các quốc gia khác đã phải đối mặt với sự gián đoạn hoạt động kéo dài. Điều này đã giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại ở mức cao kỷ lục trong năm ngoái và duy trì việc làm cho người lao động.

TP.HCM đã tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 cho hơn 70% người dân trên 18 tuổi

2-7234-1629794768.jpg

TP.HCM có hơn 7,2 triệu người dân từ 18 tuổi trở lên. Mục tiêu của TP là huy động lực lượng y tế tư nhân, mở rộng 1.200 điểm để tiêm cho nhiều người, phấn đấu trong tháng 8/2021 sẽ đẩy nhanh tiến độ, tiêm được mũi 1 cho khoảng 70% dân số trên 18 tuổi trên địa bàn.

Theo báo cáo mới nhất từ Sở Y tế TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, TP đã tiêm được hơn 5,5 triệu người, trong đó gần 5,3 triệu người được tiêm mũi 1, chiếm tỷ lệ 73,5% người trên 18 tuổi và hơn 210.000 người được tiêm mũi 2, chiếm tỷ lệ 2,9% người trên 18 tuổi. Như vậy, TP.HCM đã vượt chỉ tiêu tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi 1 cho 70% dân số trên 18 tuổi theo như kế hoạch đã đề ra.

Đề nghị công bố giá thị trường các mặt hàng y tế phòng, chống dịch Covid-19

3-9972-1629794768.jpg

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Y tế về công bố giá thị trường các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế công bố giá thị trường của các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, các hàng hóa, dịch vụ phòng, chống dịch khác để các địa phương, đơn vị tham khảo trong mua sắm phục vụ phòng, chống dịch trên cơ sở kết quả rà soát giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế...

Đồng thời, Bộ Tài chính có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đề nghị giao Bộ Y tế thường xuyên cập nhật, công khai thông tin về giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2... hàng hóa, dịch vụ phòng, chống dịch.

Hơn 400.000 tấn nông sản ở các tỉnh, thành phía Nam vẫn bí đầu ra

4-3544-1629794768.jpg

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình hình tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long có khá hơn do các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh công tác thu mua. Tuy nhiên, đối với cây ăn quả vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, giá bán trái cây thấp.

Dự kiến tổng sản lượng 13 loại cây ăn quả chính của Nam bộ trong tháng 9/2021 là 405.900 tấn, trong đó sản lượng của đồng bằng sông Cửu Long là 309.700 tấn. Như vậy, có hàng trăm nghìn tấn trái cây cần tiêu thụ trong tháng 9. Trong điều kiện xuất khẩu khó khăn, khiến giá các loại trái cây xuống thấp, người nông dân đang bị lỗ.

Việt Nam là trung tâm sản xuất điện tử quan trọng trong khu vực

5-1405-1629794768.jpg

Theo trang Entrepreneur.com, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước xuất khẩu điện tử chủ lực, xếp thứ 12 trên thế giới với xuất khẩu tăng trung bình 12 tỷ USD/năm. Việt Nam trong vài năm gần đây đã thực hiện một số hiệp định thương mại với các nước và các chính sách linh hoạt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nhân vì ngành công nghiệp này đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Bất chấp các tác động tiêu cực của Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu để thiết lập các nhà máy sản xuất điện tử.

Theo báo cáo gần đây của Fitch Solutions, ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng trong năm 2021 nhờ “triển khai tiêm chủng vaccine toàn cầu và nhu cầu đối với các ngành xuất khẩu chủ lực tăng mạnh”. Ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục tăng tốc nhờ "sức mua, nhân khẩu học và xu hướng hiện đại hóa kinh tế, vốn giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến triển vọng trong khu vực khi các nhà cung ứng bắt đầu khai thác tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và dòng người mua lần đầu."

HT