Tiền đồng tăng giá: Doanh nghiệp nào được lợi?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:00, 25/08/2021
Tiền đồng tăng giá
Ngày 11/8/2021 vừa qua, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm 225 đồng giá mua vào USD, xuống còn 22.750 đồng/USD. Đây cũng là mức giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Trước đó vào ngày 8/6/2021, NHNN cũng từng giảm 150 đồng giá mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng. Còn nếu tính từ thời điểm ngày 13/6/2018, nhà điều hành đã có 4 lần thay đổi giá mua USD.
Đặc biệt, trong lần điều chỉnh này, NHNN cũng chuyển từ phương thức mua kỳ hạn 6 tháng, được triển khai từ đầu năm 2021, về lại phương thức mua giao ngay như trước đây. Kết quả này có lẽ đến từ việc Mỹ đã gỡ bỏ thao túng tiền tệ đối với Việt Nam và hai nước mới đây đã đạt được thỏa thuận tiền tệ, theo đó giúp nhà điều hành rộng tay hơn trong chính sách quản lý thị trường ngoại hối. Vào cuối năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Mỹ (UST) đã gắn mác "thao túng tiền tệ” đối với Việt Nam, với cáo buộc làm giảm giá trị VND xuống 10% dưới giá trị hợp lý một cách có chủ đích.
Việc giảm giá mua USD của NHNN cũng diễn ra sau đợt giảm giá mạnh trên thị trường liên ngân hàng. Và chỉ ngay sau quyết định của NHNN, các ngân hàng cũng tiếp tục giảm mạnh giá niêm yết mua bán USD, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do đảo chiều giảm mạnh. Đáng lưu ý là tiền đồng tăng giá trong bối cảnh thương mại và đầu tư đang cho thấy xu hướng không mấy tích cực.
Thống kê cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân 7 tháng qua ước tính đạt 10,5 tỷ USD, chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,72 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020. Về thương mại, hàng hóa nhập siêu đã đạt 2,7 tỷ USD trong 7 tháng qua.
Trong khi đó, đồng USD trên thị trường quốc tế cùng thời điểm vẫn tiếp tục tăng và đã vượt mốc 93 điểm, sau những số liệu kinh tế tích cực gần đây trong nền kinh tế Mỹ. Trong tháng 7, Bộ Lao động Mỹ cho biết đã có thêm 943.000 việc làm được tạo ra, vượt xa kỳ vọng, giúp tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, chỉ còn 5,4% từ mức 5,9% trong tháng 6.
Doanh nghiệp nào được lợi?
Thỏa thuận chung giữa Mỹ và Việt Nam cũng cho biết "Mỹ sẽ không áp đặt các mức thuế cứng nhắc đối với Việt Nam, và NHNN sẽ cho phép giá trị của VND tăng phù hợp với nền tảng kinh tế”. Như vậy, mối đe dọa về tăng thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ được gỡ bỏ, giúp DN xuất khẩu ở một số mặt hàng có nguy cơ bị đánh thuế cao phần nào giải tỏa tâm lý lo ngại để tiếp tục tăng xuất khẩu vào Mỹ.
DN vay USD có thể có lợi nhờ tiền đồng tăng giá, các khoản lỗ về tỷ giá sẽ giảm, thậm chí còn được lãi nhờ tỷ giá. Cần biết rằng, lãi suất vay ngoại tệ hiện nay cũng thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tiền đồng, nhưng chỉ có những DN đủ điều kiện mới được tiếp cận nguồn vốn này.
Tuy nhiên, xu hướng tiền đồng tăng giá nếu như góp phần thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam nhờ hạn chế được rủi ro tỷ giá, thì ngược lại sẽ gây áp lực lên DN xuất khẩu trong giai đoạn tới, vì lợi thế cạnh tranh giá bán sẽ bị tác động đáng kể. Một số dự báo mới đây cho rằng, giá trị VND sẽ tăng đều 2-3% mỗi năm là gần như chắc chắn, vì lượng vốn lớn từ nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam và NHNN khó có thể trung hòa lượng vốn này để làm giảm giá trị đồng nội tệ.
Điều ấy nếu xảy ra sẽ là một thách thức không nhỏ đối với thương mại của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ lên tới 38 tỷ USD, tuy nhiên xuất khẩu hiện nay đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, cộng thêm tiền đồng tăng giá có thể kích thích nhập khẩu, khiến nhập siêu sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới.
Trong khi đó, DN vay USD có thể được lợi nhờ tiền đồng tăng giá, các khoản lỗ về tỷ giá sẽ giảm, thậm chí còn được lãi nhờ tỷ giá. Cần biết rằng, lãi suất vay ngoại tệ hiện nay cũng thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tiền đồng, nhưng chỉ có những DN đủ điều kiện mới được tiếp cận nguồn vốn này. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng việc NHNN ngưng mua ngoại tệ kỳ hạn, quay trở lại sử dụng công cụ mua giao ngay để có thể tác động tức thời và hiệu quả lên thị trường tiền tệ, như ổn định tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản, bình ổn lãi suất liên ngân hàng, tạo điều kiện cho các nhà băng hạ lãi suất. Đặc biệt, nhiều khả năng NHNN sẽ tăng cường mua ngoại tệ trong thời gian tới, thay vì dè dặt như trong 7 tháng qua, từ đó có thể giúp tỷ giá USD/VND tăng trở lại, làm giảm tải khó khăn cho DN xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.