20.000 cửa hàng 7-Eleven tung dịch vụ giao hàng trên toàn Nhật Bản
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 25/08/2021
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản đang lao dốc không phanh. Theo khảo sát của Nikke Asia, doanh số bán hàng toàn ngành đã giảm 6,1% xuống còn khoảng 11,8 nghìn tỷ yên (khoảng 107,5 tỷ USD) vào năm 2020, đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên kể từ năm 1981 đến nay.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhu cầu tiêu dùng tại nhà và mua sắm trực tuyến gia tăng. Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Nhật Bản tăng 22%, đạt khoảng 12,2 nghìn tỷ yên (khoảng 111 tỷ USD). Năm 2020, doanh số TMĐT lần đầu tiên vượt qua doanh số bán hàng của chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Seven & I Holdings có niềm tin đẩy mạnh hoạt động giao hàng tại nhà sẽ thúc đẩy tăng trưởng của chuỗi 7-Eleven. Hiện có khoảng 550 cửa hàng tại Tokyo, Hokkaido và tỉnh Hiroshima đang triển khai dịch vụ này.
“Các cửa hàng không chỉ là nơi để mua sản phẩm mà còn là nơi chứa hàng tồn kho. Vì vậy, việc triển khai giao hàng là hoàn toàn có thể. Điểm mạnh của chiến lược này là dịch vụ dễ dàng mở rộng, cửa hàng nhanh chóng phát triển mà không cần vốn đầu tư” - Ryuichi Isaka, Chủ tịch Seven & I Holdings chia sẻ.
Với kế hoạch này, trong tương lai người tiêu dùng có thể đặt hàng qua website hoặc ứng dụng của 7-Eleven. Khoảng 3.000 mặt hàng thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng hàng ngày sẽ luôn có sẵn. Tuy nhiên, cửa hàng chỉ nhận và giao các đơn hàng có giá trị hơn 1000 yên (khoảng 9 USD), kèm phí giao hàng bổ sung là 330 yên (khoảng 3 USD).
Mỗi cửa hàng dự kiến sẽ giao hàng trong bán kính 500m và hoạt động đến 23 giờ mỗi ngày, tuy nhiên còn tùy theo tình hình thực tế và nhu cầu của người tiêu dùng ở khu vực và thời điểm triển khai.
Điểm đáng chú ý trong kế hoạch, Seven & I Holdings sẽ hợp tác với các dịch vụ vận tải địa phương, thuê các công ty này thực hiện hoạt động giao hàng. Nhà điều hành này có niềm tin về chất lượng và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp của các công ty hơn là việc thuê một đội ngũ mới, bắt đầu đào tạo lại để chỉ làm việc cho 7-Eleven. Hiện chuỗi cửa hàng đã thiết lập quan hệ đối tác với hơn 10 công ty hậu cần.
Đồng thời, Seven & I Holdings phát triển thành công nền tảng hậu cần dựa trên AI để tối ưu hóa các tuyến đường và phối hợp với các tài xế. Điều này cho phép các công ty đối tác nắm được tình hình giao nhận và cung cấp được số lượng ô tô và tài xế tối thiểu, vừa tiết kiệm chi phí vừa đáp ứng được các nhu cầu khác của khách hàng.
Trong thời gian tới, 7-Eleven sẽ đẩy mạnh giới thiệu và quảng bá dịch vụ này trên toàn quốc với hy vọng dịch vụ giao hàng sẽ nâng cao doanh thu cho mỗi cửa hàng, góp phần thay đổi doanh thu chung của toàn chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản.
Sở dĩ, “ông lớn” Seven & I Holdings mạnh dạn đẩy mạnh hoạt động giao hàng vì trước đó, chuỗi 7-Eleven đã gặt hái được nhiều kết quả tại thị trường Mỹ. Chi tiêu trung bình của khách hàng 7-Eleven cho các đơn hàng đặt giao tại nhà là 14,5 USD, gấp 1,7 lần so với doanh số bán hàng tại cửa hàng.
Còn tại Nhật Bản, ngoài 7-Eleven thì chuỗi cửa hàng Lawson cũng đang cung cấp dịch vụ giao hàng ở 2000 cửa hàng trên 32 quận thông qua Uber Eats. Kế hoạch của Lawson là nâng con số đó lên 3.000 cửa hàng vào năm tài chính 2022.