Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải xác định “tất tay”
Trong nước - Ngày đăng : 02:40, 26/08/2021
* TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ông thấy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng trong đợt dịch lần thứ 4 như thế nào?
- Chính phủ đã có những chính sách kịp thời hỗ trợ DN. Ví dụ chính sách tiền tệ liên quan đến phí, giãn, hoãn các loại thuế, thuê đất đã ban hành từ giữa năm 2020, bây giờ bổ sung thêm, kéo dài đến hết tháng 6/2022. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất để DN vay phục vụ sản xuất, trả lương cho người lao động. Chính sách tài khoá có thêm việc miễn giảm thuế, như thuế thu nhập DN, thuế VAT, dù với thuế VAT phải trình Quốc hội xem xét. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó có chính sách an sinh xã hội cho người lao động bên cạnh những biện pháp phòng chống dịch.
* Như vậy các chính sách hiện có đã đủ hỗ trợ DN phục hồi chưa, thưa ông?
- Cuối quý II/2020, Chính phủ đã đưa ra gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ DN và người dân nhưng thực thi chậm, chỉ giải ngân được 12.800 tỷ đồng, tức khoảng 20,6%. Vì thế, với gói hỗ trợ DN thứ hai, theo tôi cần phải lớn hơn, kịp thời hơn. Gói thứ hai, diện hưởng thụ phải rộng hơn vì khó khăn đã bao trùm nền kinh tế. Nhưng về điểm, cần tập trung vào nhóm nào, có thể là hàng không, du lịch, xuất khẩu, logistics… Khi xét duyệt hỗ trợ, tập trung cho một lĩnh vực nào thì lĩnh vực đó phải có tính lan toả, có cơ hội phát triển trong và sau dịch. Xét hỗ trợ một điểm cũng cần xét đến từng DN trong cùng một lĩnh vực. Ví dụ cùng lĩnh vực hàng không nhưng Bamboo Airways, Vietjet, Vietnam Airlines tình thế khác nhau thì chính sách hỗ trợ phải khác nhau.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định có những DN dù khó khăn nhưng có tiềm năng phát triển mà mình không hỗ trợ thì nước ngoài sẽ nhảy vào mua.
* Với DN sản xuất, xuất khẩu...vẫn đang hoạt động vì lo bị văng ra khỏi chuỗi cung ứng, theo ông nhóm này cần được hỗ trợ như thế nào?
- Ngành xuất khẩu lúc này cần giải quyết vấn đề logistics để chống đứt gãy. Phải tạo điều kiện cho DN xuất khẩu duy trì kinh doanh vì các đối tác ở nước ngoài đang phục hồi, nhu cầu về cung ứng rất lớn, đó là cơ hội. Nếu chuỗi cung ứng của Việt Nam không đáp ứng thì đối tác chuyển sang nhập hàng hóa của nước khác.
Cho nên tôi mới nói gói hỗ trợ thứ hai phải giúp DN vượt khó và thời gian hỗ trợ phải dài hơn. Đối tác đang phục hồi, đặt hàng nhiều thì chúng ta phải tạo đà cho DN xuất khẩu phục hồi để bắt nhịp với đối thủ cạnh tranh. DN còn phải tái cấu trúc từ nhân sự đến sản xuất, kinh doanh vì kinh tế thế giới đang có xu hướng phát triển mới.
TS. Võ Trí Thành cho rằng phải tạo điều kiện cho các DN sản xuất xuất khẩu phục hồi vì các đối tác nước ngoài đang cần hàng, nếu đứt gãy chuỗi cung ứng thì đối tác sẽ chuyển hướng sang quốc gia khác |
* Theo ông, lúc này cần có chính sách gì để giữ chân người lao động?
- Chính phủ cần có các chính sách an sinh xã hội cho người lao động như hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm để họ chống chọi với đại dịch, giảm người bỏ về quê. Bây giờ cần tính đến đào tạo kỹ năng mới cho người lao động để chuẩn bị phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, nước ta có dư địa nhất định để tạo ra nguồn lực, ví dụ như thu ngân sách không phải là thấp, trần nợ công còn dư nhiều, mới sử dụng khoảng 48% GDP.
Trong lúc khó khăn, nhiều nước đã sử dụng dự trữ ngoại hối. Nước ta không dư dả nhưng đang có khoảng 100 tỷ USD dự trữ, có thể trích ra một phần để làm nguồn lực cho các chính sách này. Xác định thời điểm này, các gói hỗ trợ phải “tất tay”, chứ không thể tính toán an toàn tuyệt đối. Bây giờ nhiều nước đã phủ vaccine chống SARS-CoV-2, “sống chung với dịch” nên kinh tế đã dần phục hồi. Nếu mình không bắt nhịp, mình chậm thì DN chết, cả quốc gia mình thiệt. Phải chấp nhận rủi ro.
* Thế nhưng việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lại không dễ dàng, vì sao, thưa ông?
- Với các chính sách tài khoá, vấn đề tiếp cận tín dụng quan trọng hơn lãi suất, dù giảm lãi suất nhưng DN không tiếp cận thì không có tác dụng. Rào cản nằm ở việc ngân hàng đánh giá tiêu chuẩn DN và quy trình, thủ tục vay. Khó nhất là tiêu chuẩn, làm sao DN vay được vốn nhưng phải giảm nguy cơ nợ xấu đối với ngân hàng. Nó còn liên quan đến ổn định nền kinh tế, nếu nợ xấu tổng thể lớn sẽ dẫn đến bất ổn cho hệ thống ngân hàng.
Về thủ tục có thể giảm nhưng tiêu chuẩn vay vốn hỗ trợ rất khó đối với DN. Phải có sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ như cho phép các ngân hàng thương mại khoanh nhóm nợ, không chuyển nhóm nợ, bản chất là hạ tiêu chuẩn, phải có sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng thương mại mới dám làm. Bên cạnh đó, có những tiêu chuẩn và quy trình cho vay hỗ trợ, sau đó từng ngân hàng có thể linh hoạt xử lý trên sự thoả thuận với khách hàng.
* Cảm ơn ông.