Quản chặt dòng tiền, khai thác mọi nguồn lực tài chính
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 05:04, 26/08/2021
Tại toạ đàm “Giải pháp quản trị dòng tiền và duy trì thanh khoản trong giai đoạn khó khăn” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM và CLB Các nhà Kinh tế tổ chức tối ngày 25/8, nhiều chuyên gia và doanh nhân đều khẳng định, quản chặt dòng tiền, tạo thanh khoản tốt cùng với việc huy động mọi nguồn lực tài chính là rất quan trọng đối với DN trong thời điểm này.
Quản chặt dòng tiền
Đây là yếu tố quan trọng nhất giúp Thành Thành Công, Bibica, PNJ vượt khủng hoảng thành công. Bà Nguyễn Thái Hạnh Linh - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Công ty CP Bibica cho biết, mấy tháng qua, doanh thu Bibica sụt giảm mạnh trong khi chi phí sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” tăng lên. Bên cạnh đó, các chi phí logistics, chi phí hỗ trợ người lao động…cũng tăng cao. Thời điểm này, công ty xác định: tính thanh khoản và quản trị dòng tiền là quan trọng nhất. Phải tạo được dòng tiền cho sản xuất hiện tại và dòng tiền dự phòng để đầu tư dài hạn trong tương lai.
Để thực hiện điều này, Bibica áp dụng mô hình quản trị dòng tiền tập trung, các công ty con chuyển hết nguốn tiền về công ty mẹ điều phối. Trên cơ sở này, nguồn tiền được chia làm hai khoản. Khoản thứ nhất phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện tại, bao gồm: chi lương cho nhân viên, trả cho đối tác, chi phí liên quan đến logistics, “3 tại chỗ”, mua nguyên liệu…Khoản thứ 2 dự trữ để đầu tư, phát triển sau dịch.
Bà Linh nói: “Chúng ta không thể dùng cạn nguồn tiền hiện có để duy trì hoạt động rồi đến khi hết dịch thì không còn vốn cho phát triển, mở cửa lại DN và các chiến lược sau đó. Cho nên chúng tôi luôn có một khoản dự trữ cho việc này”.
Từ năm 2020 khi dịch bùng phát, ban lãnh đạo Bibica thường xuyên họp (hằng ngày, hằng tuần) để đánh giá, cập nhập thường xuyên tình hình sản xuất nhằm cân đối kế hoạch thu, chi hợp lý, với phương châm chỉ chi những khoản nào thật cần thiết, mang lại hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ thu tiền khách hàng.
“Cuối cùng, chúng tôi luôn quản lý việc tồn kho, giữ ở mức an toàn để đưa ra mục tiêu sản xuất hợp lý với cung - cầu hiện tại, không sản xuất đại trà như trước đây”, bà Linh đúc kết kinh nghiệm.
Cũng như các DN sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng cũng quản chặt dòng tiền trong thời điểm này. Bởi theo ông Phan Đình Tuệ - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, ngân hàng cũng là DN, cũng có người lao động phải lo an sinh, phòng bệnh dịch cho họ. Hoạt động ngân hàng hiện nay cũng rất khó khăn. Đó là những khó khăn đến từ chính nội tại của ngân hàng và đến từ các yếu tố bên ngoài như dịch bệnh. Và trong khi nhiều DN có vốn tự có chiếm 20% trong dòng vốn của công ty thì hầu hết các ngân hàng chỉ có 5% vốn tự có. Kinh doanh ngành hàng “xa xỉ phẩm”, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã phải đóng cửa 90% các cửa hàng vì dịch bệnh. Hai tháng qua, doanh thu công ty gần như bằng không. Ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc PNJ cho biết, dòng tiền để duy trì hoạt động công ty trong những tháng qua không nhỏ nhưng công ty đã có những giải pháp xoay chuyển dòng tiền nhanh trên nền tảng chuyển đổi số, logistics…Chẳng hạn, ngay từ thời điểm tháng 4-5, công ty đã làm việc với các đối tác trong và ngoài nước để họ trả tiền sớm. Và nhờ đã dự báo và đưa ra các kịch bản dự phòng từ trước nên mặc dù hiện tại không có doanh thu nhưng công ty cũng đã hoàn thành kế hoạch năm ngay từ tháng 6.
Vì rất xem trọng việc quản trị dòng tiền nên Ngân hàng TMCP Việt Á tập trung cho vay đối với DN có ngành nghề trọng tâm như điện, cấp nước, bất động sản, y tế... Hướng đi này giúp ngân hàng quản lý rủi ro tốt, bởi đây là những ngành cốt lõi của nền kinh tế và mối nguy “biến mất”, phá sản có tỷ lệ thấp so với những ngành khác.
“Cũng như chúng tôi, các DN nên chọn những lĩnh vực quan trọng nhất và những đối tác nào quan trọng với mình, “chắc chân” nhất với mình để bảo đảm tính an toàn cho DN”, ông Phạm Linh - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á nói.
Dự trữ “lương khô” và tạo thanh khoản tốt
Nhờ dự báo được khó khăn nên từ đầu năm 2020, Tập đoàn Thành Thành Công đã tái cấu trúc mọi hoạt động của DN, đặc biệt là quản trị DN. Công ty cũng đã tạo được những khoản dự phòng, dự trữ bắt buộc để có thể sử dụng trong đại dịch. Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, ví nguồn tiền dự phòng này như “lương khô” của DN. Và nhờ số “lương khô” cất giữ đó mà Thành Thành Công đã hỗ trợ các công ty con an toàn trong tâm dịch dù 3 tháng qua không có nguồn thu.
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công ví nguồn tiền dự phòng như “lương khô” của DN |
“Khi thị trường ổn định, tập đoàn tham gia trái phiếu, kỳ phiếu của các ngân hàng và vào thời điểm khó khăn này, chúng tôi bán ra để giải quyết dòng tiền thiếu hụt và tạo thanh khoản tốt cho các công ty con. Trong quản trị DN, quản trị tài chính là rất quan trọng, giúp quản lý nguồn tài chính cho DN. Một người lãnh đạo kiểm soát và điều hành quản trị DN tốt sẽ không để DN rơi vào tình thế quá khó khăn”, ông Đặng Văn Thành chia sẻ.
Cũng như Thành Thành Công, ông Lê Trí Thông cho rằng, ngoài quản lý tốt nguồn tiền, PNJ đã chuẩn bị “lớp mỡ dự trữ” trong nhiều năm để thời điểm khó khăn như hiện nay có thể đưa ra sử dụng. Hiện công ty mới chỉ sự dụng 15-20% hạn mức tín dụng của ngân hàng.
Nhưng trong điều kiện hiện nay, không nhiều các DN như Thành Thành Công, PNJ có thể tạo được nguồn tài chính dự phòng. Các DN cần phải tạo được thanh khoản tốt để tiếp cận các ngân hàng. Để tạo thanh khoản tốt, giúp dòng tiền lưu thông, theo ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch HĐQT Thành Công Mobile và Chủ tịch Công ty dt24.vn, các DN có thể giảm lợi nhuận, giảm giá các mặt hàng để đối tác có thể thanh toán nhanh cho DN.
Ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc PNJ cho biết công ty đã chuẩn bị “lớp mỡ dự trữ” trong nhiều năm để thời điểm khó khăn như hiện nay có thể đưa ra sử dụng |
Trong vai trò một nhà tư vấn tài chính, ngân hàng, TS. Lê Trí Hiếu nhìn nhận, hiện nay, việc thiếu hụt dòng tiền đã làm mất thanh khoản của hàng trăm nghìn DN. Nếu các DN không quản trị dòng tiền và tạo thanh khoản tốt chắn chắn sẽ phải đóng cửa DN.
“Các DN cần có kế hoạch cho dòng tiền để biết được mỗi tháng dòng tiền vào - ra bao nhiêu. Bên cạnh đó, DN cũng cần làm việc với ngân hàng để có được hạn mức tín dụng tốt song song với việc huy động tất cả các nguồn dự trữ (như tiền, vàng, trái phiếu…) bán ra để tạo dòng tiền. Nhưng quan trọng nhất là phải có kế hoạch để biết DN của mình như thế nào trong 6 tháng tới, 12 tháng tới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu tư vấn.
Khai thác mọi nguồn lực tài chính
Bên cạnh việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, theo các chuyên gia, DN nên khai thác mọi nguồn lực tài chính khác. Ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ đã chọn cách tận dụng sức mạnh của đối tác làm nguồn lực cho mình. Trước đây, Thành Công mobile có hơn 150 điểm bảo hành điện thoại di động nhưng hiện nay chỉ giữ lại ít cửa hàng, số còn lại ông Bảo chọn cách “thuê ngoài” từ các đối tác có tiềm năng. “Như vậy chúng tôi có thể tận dụng được nguồn lực con người, cơ sở vật chất của đối tác mà không phải đầu tư nhiều. Nhờ việc thay đổi cách thức kinh doanh, 6 năm nay, công ty không phải vay nhiều từ ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Bảo, các DN không nên phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng. Bên cạnh đó, có thể kêu gọi bạn bè, các đối tác hùn hạp, liên doanh liên kết, cổ phần hoá nguồn vốn, hoặc đưa DN lên sàn chứng khoán. “Nên hiểu rằng, cùng làm với nhiều người sẽ tốt hơn làm làm việc một mình. Đó là cách để DN tự cứu mình thay vì phụ thuộc quá nhiều vào việc vay vốn ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc bảo chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ DN của mình.
Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch HĐQT Thành Công Mobile và Chủ tịch Công ty dt24.vn, đã chọn cách tận dụng sức mạnh của đối tác làm nguồn lực cho mình |
Cùng quan điểm, ông Phạm Linh cũng cho rằng, mặc dù ngân hàng đồng hành với DN nhưng các DN không nên trông chờ một kênh duy nhất là ngân hàng. “Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, các DN nên tạo mối quan hệ thân thiết với các quỹ đầu tư, các khách hàng lớn, các công ty chứng khoán để họ hỗ trợ DN. Ngoài ra, các DN cũng mạnh dạn bước lên sàn chứng khoán để tạo dòng tiền cho DN về lâu dài. Vì phát triển kinh tế không chỉ ngay lúc này mà còn phát triển ở tương lai", ông Linh nói.
Ngoài những cách trên, ông Phan Đình Tuệ còn gợi ý DN nên huy động vốn từ các cổ đông để có thể giảm áp lực vay ngân hàng.