Tin kinh tế ngày 26/8: Đề nghị doanh nghiệp tăng cường sản xuất oxy y tế

Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 26/08/2021

Bên cạnh đó là những tin tức khác như giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng từ ngày 1/9/2021; WB viện trợ không hoàn lại 2,75 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó với Covid-19; giá gạo xuất khẩu xuống thấp nhất trong vòng 18 tháng qua...

Đề nghị doanh nghiệp tăng cường sản xuất oxy y tế

1-5202-1629965518.jpg

Bộ Y tế đã có văn bản gửi các doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất, cung ứng oxy y tế và các trang thiết bị liên quan oxy y tế về việc rà soát năng lực và đôn đốc tăng cường sản xuất, cung ứng oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Để chuẩn bị đầy đủ phương ấn phòng, chống dịch đang lan rộng, đặc biệt tại TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã khẩn trương phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị các phương án tăng cường sản xuất, cũng như cung ứng và tiếp nhận, sử dụng oxy y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng từ ngày 1/9/2021

2-6447-1629965519.jpg

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 13/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN về biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, từ ngày 1/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022, "phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng" và "phí dịch vụ thanh toán trong nước" nằm trong biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo thông tư này được giảm 50%. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành Thông tư số 13/2021/TT-NHNN nhằm tiếp tục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn và góp phần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022.

WB viện trợ không hoàn lại 2,75 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó với Covid-19

3-3979-1629965519.jpg

Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội vừa ký kết hiệp định về việc viện trợ không hoàn lại trị giá 2,75 triệu USD từ Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản. Số tiền trên được sử dụng hỗ trợ dự án “Tăng cường năng lực sẵn sàng ứng phó với đại dịch tại tuyến cơ sở tại Việt Nam”. Mục đích của dự án lần này nhằm tăng cường năng lực sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và các tình huống y tế khẩn cấp khác trong cộng đồng. Dự án tập trung vào ba tỉnh Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, và Long An. Theo WB ước tính, 270.000 người sẽ được hưởng lợi trong các hoạt đồng của dự án lần này, trong đó có ít nhất 3.500 người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương. Với số tiền tài trợ trên, dự án sẽ kéo dài trong ba năm (đến tháng 12/2024).

Giá gạo xuất khẩu xuống thấp nhất trong vòng 18 tháng qua

4-2236-1629965519.jpg

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 7/2021 giữ ở mức 390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ, Tiền Giang và An Giang, dịch bệnh Covid-19 phức tạp đang khiến nhiều nhà máy đóng cửa, tạm ngưng sản xuất nên khả năng giao hàng của doanh nghiệp chậm lại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lập tổ công tác thường trực ở phía Nam nhằm nắm bắt thông tin kịp thời tình hình thu hoạch, tiêu thụ nông sản nói chung, trong đó có lúa gạo. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận thông tin từ các doanh nghiệp để phối hợp với các địa phương tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp.

ADB tài trợ 60 triệu USD cải thiện cơ sở hạ tầng tại Bình Định, Quảng Nam

5-1944-1629965519.jpg

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản vay trị giá 58 triệu USD để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cơ sở hạ tầng giao thông, cấp nước ở Bình Định và Quảng Nam. Gói tài trợ bao gồm 58 triệu USD các khoản vay thông thường của ADB và khoản viện trợ không hoàn lại 2 triệu USD từ Quỹ Công nghệ cấp cao của ADB. Khoản viện trợ không hoàn lại sẽ tài trợ cho việc cung cấp và lắp đặt các hệ thống dữ liệu để quản lý rủi ro khí hậu. Theo đó, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 1 sẽ nâng cấp 121,8km đường theo các tiêu chuẩn thiết kế chống chịu khí hậu, xây dựng 115km đường ống cấp nước, giúp cung cấp dữ liệu đáng tin cậy về thời tiết và khí hậu một cách kịp thời và hiệu quả về chi phí. Dự kiến khoảng 243.000 người, trong đó có 126.300 người dân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số sẽ được hưởng lợi từ dự án.

HT