Tin kinh tế ngày 31/8: 14 hiệp hội xin miễn đóng phí công đoàn đến hết năm 2021
Trong nước - Ngày đăng : 07:06, 31/08/2021
14 hiệp hội xin miễn đóng phí công đoàn đến hết năm 2021
Các hiệp hội ngành hàng vừa kiến nghị Thủ tướng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam miễn đóng phí công đoàn hết năm nay do doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19. Có 14 hiệp hội, ngành nghề gồm Lương thực - thực phẩm TP.HCM, Thực phẩm minh bạch; Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Doanh nghiệp điện tử Việt Nam; Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam; Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Da giày - túi xách Việt Nam; Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM; Gỗ và lâm sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Giấy và bột giấy Việt Nam; Chè Việt Nam. Các hiệp hội ngành hàng kiến nghị được miễn đóng kinh phí công đoàn (2% quỹ lương, do doanh nghiệp đóng) từ tháng 8/2021 đến hết năm 2021, áp dụng cho các doanh nghiệp và người lao động nằm trong các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Các hãng hàng không dừng bán vé chuyến bay nội địa
Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa có văn bản yêu cầu các hãng hàng không trong nước dừng việc bán vé trên các đường bay nội địa cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, hiện tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Nhằm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ Giao thông Vận tải trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn quốc cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, VietjetAir, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines) dừng việc mở bán vé trên các đường bay nội địa cho đến khi có thông báo mới.
Miễn, giảm nhiều loại phí hàng hải
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải. Thông tư số 74/2021/TT-BTC đã điều chỉnh giảm các mức thu phí và thời gian thực hiện giảm phí trong lĩnh vực hàng hải. Trong hoạt động hàng hải quốc tế, tàu thuyền chuyển tải dầu tại Vịnh Vân Phong - Khánh Hòa kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2021 áp dụng mức thu phí trọng tải tàu, thuyền bằng 50%; kể từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023 áp dụng mức thu bằng 80% mức quy định tại Thông tư số 261/2016/TT-BTC. Từ ngày 1/1/2024 trở đi áp dụng lại mức thu phí quy định tại Thông tư số 261/2016/TT-BTC.
Tận dụng tối đa hạ tầng lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và tận dụng tối đa hạ tầng lắp đặt điện mặt trời mái nhà phù hợp với nhu cầu sử dụng tại chỗ. Phần giá điện sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ chế để tận dụng tốt, hài hoà với việc mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị khác. Tránh tình trạng lợi dụng chính sách, làm rõ và khích lệ cho các nhà đầu tư khai thác tốt trên hạ tầng có sẵn. Tận dụng lợi thế của nguồn năng lượng phân tán, nhiều doanh nghiệp FDI, tập đoàn sản xuất lớn trong khu công nghiệp đã triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà nhằm phục vụ cho nhu cầu kinh doanh và sản xuất. Số liệu từ EVN cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020, trên cả nước có khoảng 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296MWp và tổng sản lượng phát lên lưới từ điện mặt trời mái nhà lũy kế đến nay đạt hơn đạt 1,15 tỷ MWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Hàn Quốc dẫn đầu về số dự án FDI mới và tăng vốn tại Việt Nam
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, 8 tháng đầu năm, các nhà doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư 251 dự án mới tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 759 triệu USD; điều chỉnh 179 lượt dự án, với tổng vốn điều chỉnh tăng 1,184 tỷ USD, cùng với đó là 967 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đạt 494,46 triệu USD. Tính chung cả ba hình thức đầu tư trên, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã “rót” vào Việt Nam 2,438 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, xếp thứ ba về số vốn đăng ký trên tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến nay. Điểm đáng lưu ý là về số dự án đăng ký mới, số dự án điều chỉnh và cả số lượt góp vốn, mua cổ phần thì các nhà đầu tư Hàn Quốc đều dẫn đầu, vượt cả Singapore và Nhật Bản là hai quốc gia dẫn đầu và đứng thứ hai về số vốn đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm.