Các nước ASEAN sống chung với dịch Covid-19 thế nào?
Quốc tế - Ngày đăng : 08:50, 01/09/2021
Người dân Singapore đi lai trên một con đường ở Singapore. Ảnh: Reuters |
Một số nước trong khu vực như: Singapore, Thái Lan và Indonesia đã có những giải pháp kết hợp giữa vaccine, giãn cách, mở cửa từng bước. Riêng Indonesia thí điểm áp dụng các quy định phòng dịch dựa vào công nghệ kỹ thuật số.
Singapore: Thích nghi và phục hồi với tỷ lệ tiêm phòng dẫn đầu thế giới
Theo số liệu từ Worldometers, tính đến ngày 1/9, Singapore có 67.620 người nhiễm Covid-19, số ca nhiễm mới là 161 người. Số người bình phục là 66.174 người.
Tính đến ngày 29/8, có 80% trong tổng số 5,7 triệu người dân tại Singapore đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa Coivd-19. Theo Reuters, với kết quả này Singapore đang là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng vaccine cao nhất thế giới. Giới chức nước này đang thực hiện một số chiến lược để đưa “đảo quốc sư tử” trở về trạng thái bình thường mới.
Ông Ong Ye Kung - Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore cho biết, nước này đang khởi động chiến dịch tiêm các liều vaccine bổ sung trong thời gian tới, đặc biệt sẽ triển khai tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi vào năm 2022. Đồng thời, đầu tháng 9, Singapore sẽ “thận trọng” mở cửa một số khu vực, dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với khách du lịch từ Đức và Brunei đã tiêm vaccine. Ngoài ra, nước này cũng đơn phương dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với du khách từ Hồng Kông và Ma Cao.
Chia sẻ với Bloomberg, S. Iswaran - Bộ trưởng Giao thông của Singapore cho biết, thay vì thực hiện chiến lược “Zero-Covid” (sạch bóng Covid) như trước đây, Singapore chuyển sang thích nghi và phục hồi. S. Iswaran nói: “Trong giai đoạn này, ý tưởng của Chính phủ là xây dựng một xã hội có thể sống chung với dịch bệnh càng sớm bao nhiêu, thì các nhà chức trách phải điều chỉnh các thủ tục và quy trình để trở lại trạng thái bình thường càng nhiều bấy nhiêu”.
Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được nước này áp dụng. Cụ thể, đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc và người dân chỉ có thể tụ tập tối đa 5 người trong một không gian. Các câu lạc bộ đêm và quán karaoke vẫn đóng cửa. Chính phủ cũng khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động đi lại không cần thiết.
Lấy máu tại một địa phương ở Thái Lan. Ảnh: Bloomberg |
Thái Lan: Học cách sống an toàn với Covid-19
Theo số liệu từ Worldometers, tính đến ngày 1/9, Thái Lan là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 lên tới 1.204.729 người, số ca nhiễm mới là 14.666 người. Số bệnh nhân phục hồi là 1.021.772 người.
Trong một cuộc họp tại Tòa nhà Chính phủ vào đầu tuần, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đặt ra mục tiêu mới, chuẩn bị cho bối cảnh đất nước sống chung với đại dịch.
Trọng tâm trong thời gian tới, Thái Lan phải kiểm soát hoàn toàn số ca nhiễm trong cộng đồng, tăng cường vaccine và tiêm phòng cho các nhóm người dễ bị tổn thương. Theo Bangkok Post, từ ngày 1/9, các quán ăn, cửa hàng làm đẹp, tiệm cắt tóc tại Thái Lan sẽ được hoạt động trở lại với một số điều kiện giới hạn. Đặc biệt, các chuyến bay nội địa cũng sẽ được mở lại.
Việc tụ tập nơi công cộng sẽ giới hạn tối đa 25 người ở các vùng đỏ và cần được chính quyền cho phép. Lệnh giới nghiêm vẫn áp dụng sau 9 giờ tối đến 4 giờ sáng. Các hoạt động làm việc tại nhà vẫn duy trì cho đến ít nhất là ngày 14/9, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.
Người phát ngôn của Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 (CCSA) Thái Lan nói: “Chúng tôi tin những biện pháp này sẽ giúp đất nước chuẩn bị dần để trở lại trạng thái bình thường mới, cùng ‘chung sống’ an toàn với dịch bệnh”.
Ngoài ra, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tái khẳng định cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa theo chiến lược phát triển y tế công cộng của Thái Lan để có thể tự chủ trong việc tiêm phòng. Bangkok Post cho biết nhóm nghiên cứu tại Khoa Y của trường Đại học Chulalongkorn đang trong giai đoạn thử nghiệm vaccine ChulaCOV-19 đầu tiên trên người. Loại vaccine do Thái Lan sản xuất dự kiến sẽ đăng ký sử dụng khẩn cấp vào tháng 4 năm sau.
Một người Hindu ở Bali (Indonesia) tham gia nghi lễ Ngrastiti Bhakti để cầu nguyện cho sự kết thúc của đại dịch vào ngày 14/7. Ảnh Reuters |
Indonesia: Kế hoạch sống chung với dịch trong nhiều năm tới
Theo số liệu từ Worldometers,Indonesia là quốc gia có số lượng người nhiễm Covid-19 tính đến ngày 1/9 lên tới 4.089.801 người. Số ca nhiễm mới là 10.534. Số người bình phục là 3,760,497.
Nhận định tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài trong thời gian tới, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chỉ thị cho Bộ Y tế chuẩn bị lộ trình sống chung với dịch Covid-19 trong nhiều năm tới. Theo đó, Bộ Y tế sẽ sớm thực hiện một dự án thí điểm áp dụng các quy định phòng dịch dựa vào công nghệ kỹ thuật số trong 6 lĩnh vực, bao gồm thương mại, du lịch, giao thông vận tải, tôn giáo, giáo dục, văn phòng và công nghiệp.
Hai ứng dụng sức khỏe là CareProtect và PeduliLindung sẽ được phát triển để trở thành công cụ quan trọng sống chung với dịch. Đặc biệt, chương trình thí điểm về giấy chứng nhận tiêm phòng vaccine đã được triển khai. Người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine, được tích hợp dữ liệu trong ứng dụng thì sẽ được phép tham gia các hoạt động với quy trình nới lỏng hơn so với những người chưa tiêm phòng. Hiện Indonesia đã bắt đầu triển khai hệ thống này tại các trung tâm mua sắm ở Jakarta, Bandung, Surabaya và Semarang.
Ngoài ra, với số ca nhiễm luôn ở mức cao, trong lộ trình sống chung với dịch, việc xét nghiệm và truy vết được tăng cường hơn, do quân đội và cảnh sát quốc gia cùng phối hợp thực hiện.
Ông Ahmad Riza Patria - Phó Thống đốc Jakarta cho biết: “Kế hoạch hiện tại và những mục tiêu mới của đất nước hoàn toàn phù hợp với khả năng của chính quyền thành phố”. Indonesia kỳ vọng với những nỗ lực cải thiện quy trình y tế bằng các ứng dụng công nghệ và siết chặt kiểm soát sẽ đưa đất nước sớm ổn định và trở về trạng thái cân bằng.