Đề xuất mua thêm 200.000 túi thuốc điều trị cho F0 tại nhà
Trong nước - Ngày đăng : 08:41, 01/09/2021
Nửa tháng qua, đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong, TP.HCM huy động thêm nguồn lực y tế và cả quân đội trong điều trị bệnh nhân Covid-19, nhằm giảm lượng bệnh nhân trở nặng ở các tầng dưới, hạn chế áp lực cho tầng điều trị trên cùng, giảm tỷ lệ tử vong.
Tỷ lệ tử vong do Covid- 19 trong các BV ở TP.HCM là 5,8%
Theo số liệu công bố của Bộ Y tế, trung bình số ca tử vong mỗi ngày tại TP.HCM giai đoạn này là 267 ca, giai đoạn trước đó (31/7-15/8) là 223 ca. Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn dao động từ 250-300 một ngày và chưa có dấu hiệu giảm.
Trong 3 tầng điều trị, số ca tử vong ở tầng 2 nhiều nhất nên ngành y tế đang yêu cầu các quận, huyện cần phát hiện sớm các bệnh nhân dấu hiệu trở nặng để chuyển lên tầng 3, như vậy, số lượng tử vong sẽ giảm. Một trong những vấn đề tối thượng với bệnh nhân Covid-19 là phải đủ oxy. Do đó, thành phố triển khai trạm y tế lưu động, mang bình oxy nhỏ kịp thời cho người dân.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu đánh giá, nếu chỉ tính trên tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện 158.265, tỷ lệ tử vong do Covid- 19 tại TP.HCM là 5,8%. Nếu tính luôn số lượng F0 đang cách ly, điều trị tại nhà là 59.000 ca, tỷ lệ tử vong vào khoảng 4,2%. Ông Châu nói tỷ lệ tử vong ở TP HCM nằm trong tỷ lệ thống kê của thế giới, nhưng ở giới hạn cao.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tùy giai đoạn dịch, tỷ lệ tử vong dao động từ 2,1% đến 4,4%.
Hiện TP.HCM có 411 trạm y tế lưu động hỗ trợ 59.000 bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà. Các trạm y tế lưu động - cánh tay nối dài của các trạm y tế phường, xã ở TP HCM - đều được trang bị đầy đủ bình oxy, thiết bị y tế... nhằm theo dõi, điều trị F0 tại nhà, sớm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh nhân để kịp thời chuyển lên tuyến trên.
Thông tin từ Bộ Y tế sáng 1/9: Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.064 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có tờ trình đề nghị tiêm vaccine cho 642.000 học sinh từ 12-18 tuổi |
Đề xuất tiêm vaccine cho 642.000 học sinh từ 12-18 tuổi để các em trở lại trường
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có tờ trình đề nghị UBND TP có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2 cho học sinh từ 12-18 tuổi với nguồn vaccine phù hợp. Số lượng học sinh từ 12-18 tuổi ở TP.HCM là hơn 642.000 em. Thời điểm thích hợp là trước khi kết thúc học kỳ 1 của niên khóa 2021-2022.
Theo Sở, việc tiêm vaccine cho học sinh từ 12-18 tuổi bảo đảm cho học sinh TP được an toàn và có thể quay trở lại trường học trực tiếp, thay vì học trực tuyến như hiện nay. Trong ngành giáo dục, hiện có 80% giáo viên đã được tiêm vaccine mũi 1, một số người đã tiêm mũi 2.
Lấy mẫu xét nghiệm ở một phường trong quận 1 |
Tỷ lệ số ca dương tính chiếm 3,8% tổng số xét nghiệm
Từ ngày 23/8 đến nay, TP.HCM đã cơ bản lấy xong mẫu xét nghiệm ở "vùng đỏ" và "vùng cam" với gần 1,7 triệu mẫu, phát hiện gần 64.300 ca dương tính. Với tỷ lệ số ca dương tính chiếm 3,8% tổng số xét nghiệm, số ca mắc trong cộng đồng ở TP.HCM hiện ở mức cho phép - dưới 5%, theo hướng dẫn của WHO về tỷ lệ dương tính trong cộng đồng.
Theo đó, TP đã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho tất cả người dân với tần suất 2 ngày/lần ở khu vực vùng đỏ và vùng cam.
Đối với khu vực vùng xanh và vùng vàng làm xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp 5 cho vùng vàng và mẫu gộp 10 cho vùng xanh) với tần suất 7 ngày/lần.
Không chỉ test nhanh tập trung, TP còn tổ chức hướng dẫn người dân tự test nhanh tại nhà. Kế hoạch này đã giúp phát hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng, bình quân mỗi ngày phát hiện 4.740 ca.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 31/8, hiện TP có 83.643 ca F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, trong đó có 59.093 ca F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 24.050 ca F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Số ca F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận huyện là 20.604 người.
Túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà |
Đề xuất mua thêm 200.000 túi thuốc điều trị cho F0 tại nhà
Ngày 1/9, Sở Y tế TP.HCM đã trình UBND TP đề nghị mua bổ sung 200.000 túi thuốc điều trị cho F0 tại nhà, bao gồm gói thuốc A và gói thuốc B.
Trước đó, TP.HCM đã chuẩn bị 150.000 túi theo hai gói A, B; đã chuyển 74.000 túi cho trung tâm y tế các quận, huyện để phân phối cho các trạm y tế phường, xã cấp phát cho F0 điều trị tại nhà.
Các gói thuốc này chủ yếu là gói A bao gồm: paracetamol, các loại vitamin tổng hợp hoặc vitamin C giúp hạ sốt và nâng cao thể trạng.
Gói thuốc B là một số loại thuốc chứa corticoid, thuốc kháng viêm và kháng đông dùng để điều trị triệu chứng khi F0 cảm thấy khó thở (nhịp thở nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 dưới 95%) và chưa liên hệ được bác sĩ.
Riêng gói thuốc C là thuốc kháng virus Molnupiravir được đánh giá sẽ giúp F0 có triệu chứng nhẹ giảm tải lượng virus, qua đó giảm tỷ lệ nhập viện và giảm tử vong.