Chiến lược khôi phục doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh dịch Covid

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 05:41, 07/09/2021

Sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội với các biện pháp mạnh mẽ, dẫn đến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tổ chức sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) thu hẹp quy mô sản xuất, tạm ngưng hoặc phá sản. Lúc này đây, DN đang kỳ vọng chính sách kiểm soát dịch mới được công bố rõ ràng.
Chiến lược khôi phục doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh dịch Covid

Trên cơ sở đó, DN xác định chiến lược khôi phục trong bối cảnh dịch Covid vẫn còn tiếp diễn.

Tác động của chính sách chống dịch

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ngưng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Chính sách chống dịch gây nhiều khó khăn cho lưu thông hàng hoá trong nước, kể cả xuất khẩu. Việc này dẫn đến cung ứng không kịp thời, năng suất lao động giảm, hàng hoá vận chuyển tiêu thụ khó khăn.

Đồng thời, khách hàng cũng gặp khó khăn nên huỷ đơn hàng hoặc gia hạn thời gian nhận hàng. Một số DN có chi phí cố định lớn và vay ngân hàng càng nhiều thì càng gặp nhiều rủi ro. Đầu vào, sản xuất, đầu ra đều gặp trở ngại, nhiều DN sản xuất dưới điểm hoà vốn, thua lỗ nên tạm đóng cửa. 

Sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, các đơn hàng có xu hướng dịch chuyển sang các nước có biện pháp kiểm soát dịch cởi mở hơn, nhiều DN trong nước bị thiếu hụt đơn hàng sản xuất. Hệ quả này tiềm ẩn mối nguy trong tương lai, khi DN tính đến việc phục hồi sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, dù chưa có quy định rõ ràng về việc hoạt động của DN trong tương lai, nhưng có thể khẳng định rằng tình hình dịch bệnh rất khó được kiểm soát hoàn toàn, do vậy, DN cần có chiến lược khôi phục hoạt động trong bối cảnh vẫn còn dịch bệnh.

Trong lúc này, việc tính toán phương án khôi phục hoạt động của DN là rất nan giải. Khả năng khôi phục DN phụ thuộc vào chính sách kiểm soát dịch của Chính phủ và năng lực hồi sinh của mỗi DN. 

Kỳ vọng về chính sách thích ứng với dịch

Sự chưa rõ ràng trong lựa chọn chính sách “chống dịch” hay “thích ứng với dịch” dẫn đến chưa có quy định mang tính ổn định lâu dài về kiểm soát dịch khi khôi phục hoạt động của nền kinh tế. Điều này tạo ra sự không chắc chắn về các kế hoạch khôi phục hoạt động của DN.

Nếu còn tiếp tục chính sách “chống dịch” với các biện pháp phong tỏa, cách ly, truy vết, kiểm soát ở các chốt giao thông như thời gian qua thì sẽ không còn cơ hội cho việc khôi phục DN. 

Nên chuyển chính sách sang mục tiêu “thích ứng với dịch” và cần ban hành các quy định cụ thể về phòng dịch trong các hoạt động của nền kinh tế, cũng như có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy DN khôi phục. Dựa vào đó, DN có thể định hình chiến lược dài hạn, kế hoạch ngắn hạn, cũng như chuẩn bị sẵn giải pháp cụ thể để khôi phục hoạt động.

khoi-phuc-DN-1-2439-1630992042.jpg

Kỳ vọng của DN trong lúc này về chính sách kiểm soát dịch Covid-19 sao cho bảo đảm an toàn phòng dịch và dễ dàng lưu thông hàng hoá. Chẳng hạn như các quy định người lao động phải có được miễn dịch (được tiêm vaccine hoặc các trường hợp khỏi bệnh Covid), thực hiện 5K trong sản xuất kinh doanh, giao dịch mua bán, hội họp, làm việc trực tuyến để hạn chế tiếp xúc. Đồng thời việc kiểm soát dịch cũng cần được tăng cường kiểm soát từ nguồn, không kiểm soát tại các tuyến giao thông nhằm thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá.

Với số ca nhiễm cao và không có nhiều dấu hiệu giảm, khả năng truy vết, cách ly tập trung e rằng không khả thi. Nếu tiếp tục giãn cách cho người dân ở nhà dù có lâu hơn nữa cũng khó có thể đưa số ca nhiễm về không. Do vậy, cần sớm đưa ra lựa chọn về việc thích ứng với Covid trong mọi hoạt động cuả nền kinh tế.

Việc này thúc đẩy mỗi người dân phải có ý thức phòng dịch, tự điều trị và biết cách tìm nơi cấp cứu kịp thời khi bệnh nặng. Đồng thời thúc đẩy DN hình thành thói quen thực hiện các quy định phòng dịch trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. 

DN không cần nhiều sự hỗ trợ hoặc ưu đãi, cái DN cần là các quy định rõ ràng về kiểm soát dịch có tính ổn định lâu dài giúp DN thực hiện sản xuất kinh doanh an toàn. DN sẽ tự mình quyết định cách thức phù hợp để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đánh giá sự phù hợp của nguồn lực trong lúc dịch Covid còn phức tạp

Nếu chấp nhận chính sách “thích ứng với dịch covid”, DN cần nhận diện các xu hướng mới đã và đang được hình thành trong suốt 2 năm qua liên quan đến hành vi khách hàng, chuỗi cung ứng, kiểm soát chất lượng, quản trị, nhân sự, tổ chức sản xuất, xúc tiến bán hàng.

Dịch Covid là tác nhân thúc đẩy DN, khách hàng, nhà cung cấp chuyển đổi số trong hầu hết các hoạt động nhằm bảo đảm an toàn phòng dịch. Đó là xu hướng: mua bán hàng online, kiểm soát chất lượng từ xa, làm việc từ xa, tổ chức sản xuất bảo đảm 5K và ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý kinh doanh.

Bên cạnh đó, DN cần đánh giá thực trạng nguồn lực và các dư địa sản xuất kinh doanh. Cần nhìn nhận sự phù hợp các nguồn lực với xu hướng mới. Chẳng hạn như sản phẩm còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới hay không. Lưu ý hơn về khái niệm sản phẩm theo nghĩa rộng, không chỉ là giá trị sử dụng mà là một gói sản phẩm bao gồm sự tiện lợi cho người vận chuyển trung gian, sự thuận tiện cho khách hàng lắp ráp và hướng dẫn khách hàng đơn giản, cũng như những thông tin giúp khách hàng dễ dàng phản hồi về chất lượng sản phẩm.

Tương tự, DN cần đánh giá tính thuận lợi của các nguồn cung ứng đầu vào trong bối cảnh kiểm soát dịch, những phương án cung ứng rủi ro hơn. Chẳng hạn như nguồn nguyên liệu phải nhập từ các quốc gia đang có dịch Covid diễn biến phức tạp, chính sách kiểm dịch ở quốc gia cung ứng có gây khó cho việc vận chuyển hàng hoá về nơi tiêu thụ hay không? Nếu nguồn cung ứng hiện có khả năng bị gián đoạn, thì nguồn cung ứng mới thuận hơn ở đâu?

khoi-phuc-DN-3-2358-1630992042.jpg

DN cũng nên nhận diện những điểm chưa phù hợp của việc tổ chức sản xuất hiện tại so với các quy định kiểm soát dịch hiện hành, dự tính chi phí phát sinh việc chuyển đổi trong tổ chức sản xuất an toàn phòng dịch. Khả năng bảo đảm được năng suất và tinh thần của người lao động khi bố trí sản xuất theo phương án. Sự thay đổi này cần nhận diện đầy đủ hậu quả của chúng để có giải pháp thực hiện phù hợp. 

Cần đánh giá sự phù hợp của các phương thức xúc tiến giới thiệu sản phẩm trong bối cảnh còn dịch Covid. Chẳng hạn như lâu nay DN giới thiệu sản phẩm chủ yếu qua các kênh trực tiếp như trưng bày ở các hội chợ, triển lãm, siêu thị hay qua sự "truyền miệng" của khách hàng cũ.

Trong bối cảnh dịch Covid, các sự kiện đó khó được thực hiện thì khách hàng quan tâm đến sản phẩm thông qua các kênh nào? Cần thay đổi phương pháp xúc tiến sản phẩm như thế nào để dễ dàng tiếp cận với khách hàng.

Đồng thời, cách đặt hàng và mua hàng cũng cần được đánh giá lại. Việc tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng theo hình thức tiếp xúc trực tiếp sẽ không phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Khi đó cần bán online và mức độ sẵn sàng của DN để chuyển đổi phương thức bán hàng đó như thế nào?

Chẳng hạn như đội ngũ kinh doanh, hạ tầng công nghệ, mối liên kết với các sàn thương mại điện tử, mối liên kết với đội ngũ giao hàng… Việc đánh giá mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số của từng DN là rất quan trọng, đây là điều quyết định để tính phương án đầu tư và đào tạo.

Cuối cùng là đánh giá mức độ sẵn sàng của đội ngũ nhân sự cho những thay đổi dự kiến. Việc đánh giá này tuỳ thuộc vào sự nhận diện mức độ phù hợp của các yếu tố kể trên (sự phù hợp của sản phẩm, cung ứng, tổ chức sản xuất, xúc tiến, bán hàng… với xu hướng mới dưới tác đông của dịch bệnh). Dù mức độ sẵn sàng của đội ngũ nhân sự thấp hay cao, việc động viên để ổn định tâm lý người lao động luôn phải được quan tâm hàng đầu trong bối cảnh dịch bệnh là điểm cần lưu ý khi bắt tay vào chiến lược khôi phục DN.

Nhận diện dư địa khôi phục

Việc đánh giá sự phù hợp của nguồn lực so với xu hướng mới nhằm nhận diện những điểm mấu chốt cần thay đổi. Mức độ thành công của thay đổi còn phụ thuộc nhiều vào dự địa tăng trưởng. Chúng biểu hiện qua các giá trị vô hình như uy tín DN, dữ liệu khách hàng, tính chuyên nghiệp của hệ thống quản lý, tính năng động và sáng tạo của đội ngũ, tính ổn định của các đối tác kinh doanh đến những giá trị hữu hình như tài sản cố định, tiền mặt phải thu, tồn kho, nợ và khả năng trả nợ, cấu trúc vốn, lợi nhuận… 

Nếu uy tín của DN cao sẽ dễ thu hút khách hàng trở lại, khi có nhiều khách hàng sẽ dễ tìm được đơn hàng mới. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của hệ thống sẽ giúp đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng; đối tác kinh doanh không bị thiệt hại nhiều sẽ giúp DN giảm bớt rủi ro khi giao dịch; còn nguồn tài chính lành mạnh giúp DN dễ dàng đầu tư cho những thay đổi. Ngược lại, DN sẽ khó thực hiện thay đổi.

Lựa chọn chiến lược khôi phục

Định hướng khôi phục được xác định dựa trên kết quả đánh giá sự phù hợp của nguồn lực và nhận diện dư địa khôi phục. Khôi phục trong bối cảnh của đại dịch Covid là sự khôi phục trong thay đổi, nên rủi ro nhiều hơn so với các sự khôi phục sau các đợt khủng hoảng thông thường. Dù lựa chọn định hướng nào cũng cần chú ý đến các kịch bản quản lý rủi ro.

Không có mẫu chung nào đúng cho tất cả, cũng không có cái riêng nào nằm ngoài cái chung. Thay đổi ở điểm nào để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh là việc riêng của mỗi DN nhưng cần tuân thủ một số nguyên tắc chung trong quá trình lựa chọn chiến lược như sau:

Mo-hinh-chien-luoc-khoi-phuc-d-8250-6507

Mô hình chiến lược khôi phục DN

Thứ nhất, công nghệ số là phương châm xuyên suốt của những thay đổi trong bối cảnh sản xuất kinh doanh thích ứng với dịch Covid. Do điều kiện sản xuất kinh doanh an toàn 5K buộc các hoạt động hạn chế tối đa việc tiếp xúc từ hội họp đến bán hàng, quản lý chất lượng, kiểm soát…

Căn cứ vào sự phù hợp của nguồn lực và dự địa khôi phục, DN xác định công đoạn, hoạt động cụ thể cần số hoá theo lộ trình cho phù hợp, đồng thời lựa chọn đối tác tư vấn chuyển đổi số cho phù hợp.

Thứ hai, tập trung vào nút thắt của sự không phù hợp. Có thể DN có nhiều điểm không phù hợp cần thay đổi, nhưng nếu dàn trải nguồn lực thực hiện nhiều đổi mới cùng lúc sẽ tạo ra sự manh mún, khó kiểm soát và không giải quyết được nhiều vấn đề phát sinh cùng lúc, dễ dẫn đến thất bại. Để xác định nút thắt, cần xem xét toàn bộ các mối quan hệ giữa các hoạt động, hướng đến sự phù hợp với xu hướng mới của khách hàng.

Thứ ba, mạnh dạn từ bỏ lĩnh vực kinh doanh không phù hợp với xu hướng mới để tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng mới. Muốn uốn nắn cây thì phải biết cách tỉa cành, nếu để nhiều cành sẽ không tập trung đủ dưỡng chất cho những cành mình muốn chúng phát triển.

Tương tự, chiến lược khôi phục DN cần đặt ra tầm nhìn cho tương lai, cần định hướng các lĩnh vực, hoạt động hướng đến tầm nhìn đó. Các lĩnh vực không còn phù hợp cần mạnh dạn cắt bỏ để dành nguồn lực thực hiện tốt định hướng đã xác định.

Thứ tư, nâng cao tinh thần và tạo sự đồng thuận trong khôi phục DN. Người lao động chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề tâm lý khi DN thực hiện hàng loạt các thay đổi trong bối cảnh dịch Covid còn phức tạp, nhất là tâm trạng bất ổn khi làm việc trong bối cảnh không an toàn và kỹ năng không phù hợp với những thay đổi. DN cần có những hành động quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của cuộc sống người lao động và tích cực đào tạo, hỗ trợ họ thực hiện được những thay đổi đó. 

Khôi phục DN trong bối cảnh dịch Covid là sự thay đổi nhằm thích ứng với các biện pháp an toàn phòng dịch và phù hợp với hành vi mới của khách hàng và tính khả thi của chuỗi cung ứng. Chiến lược khôi phục tuỳ thuộc vào mức độ phù hợp của các nguồn lực và dự địa khôi phục của mỗi DN. Dù lựa chọn chiến lược như thế nào, cần tuân thủ một số nguyên tắc nhất định để bảo đảm thành công.

                                                                          (*) Đại học Nguyễn Tất Thành

TS. Huỳnh Thanh Điền (*)