Tâm dịch Đông Nam Á mở cửa lại trường học như thế nào?
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 08/09/2021
Học sinh được đo thân nhiệt khi vào trường tại Jakarta hôm 30/8/2021. Ảnh: AP |
Từng bị xem là tâm dịch tại Đông Nam Á lẫn thế giới, song Indonesia đang từng bước nới lỏng giãn cách từng vùng, dựa trên nhiều tiêu chí như tỷ lệ xét nghiệm dương tính, tỷ lệ giường bệnh và tỷ lệ tử vong. Quyết định nới lỏng này diễn ra sau khi số ca nhiễm và tử vong bắt đầu có tín hiệu hạ nhiệt.
Theo đó, khi số ca nhiễm Covid-19 trong ngày xuống còn khoảng 1/5 so với thời điểm đỉnh dịch vào giữa tháng 7, Indonesia đã bắt đầu nới lỏng biện pháp hạn chế phòng dịch tại các nhà hàng, trung tâm mua sắm nhằm giảm bớt tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Cụ thể, "quốc gia vạn đảo" từ đầu tháng 9 này đã cho phép nhà hàng bên trong các trung tâm thương mại tại Jakarta và một số khu vực đông dân trên đảo Java có thể mở cửa đón khách ở mức 50% công suất. Các nơi này có thể mở cửa đến 21giờ, trong khi các nhà máy được phép hoạt động như khi trước dịch.
Link bài viết
Song song đó, chính quyền cũng cho phép các trường học hoạt động trở lại sau hơn 1 năm đóng cửa vì dịch bệnh, dù nhiều phụ huynh vẫn e dè hoặc phản đối. Tại thủ đô Jakarta - nơi xấp xỉ 69% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ, khoảng 11,4% tổng số học khu, tương đương 610 trường, đã mở cửa các lớp học từ cuối tháng 8 qua.
Tại khu Trung Java, hơn 2.500 trường học cũng hoạt động trở lại. Theo dữ liệu từ Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Indonesia, có 63% đơn vị giáo dục trong tổng số hơn 210.000 trường học tại các khu vực giới hạn hoạt động cộng đồng (PPKM với các cấp độ từ 1-4) có các cấp độ từ 1, 2 và 3 được phép mở cửa trở lại.
Học sinh phải đeo khẩu trang, không tụ tập nói chuyện
Để bảo đảm an toàn, các trường học chỉ hoạt động với công suất 30% - 50%, và áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Theo đó, học sinh phải ngồi cách nhau 1,5m và không được tụ tập nói chuyện trong lớp, phải đeo khẩu trang suốt thời gian ở trường cũng như không được ra khỏi lớp trong giờ ra chơi.
Học sinh tiểu học đeo khẩu trang trong lớp để phòng dịch trong ngày đầu tiên đi học lại sau 1 năm. Ảnh: AP News |
Mỗi lớp học được chia làm 2 ca và hoạt động giảng dạy trực tiếp được duy trì song song với chương trình trực tuyến dành cho học sinh muốn học tại nhà. Ban đầu, học sinh tiểu học sẽ tới trường 3 ngày/tuần, học sinh phổ thông 4 ngày/tuần, còn học sinh trung học là 5 ngày/tuần.
Thời gian mỗi tiết học của tất cả các cấp đều được rút ngắn. Thời gian học ở trường sẽ tăng dần, dựa trên các đánh giá về tình hình dịch bệnh thực tế của Chính phủ.
Ngoài ra, tất cả giáo viên đều phải tiêm vaccine Covid-19, trong khi các học sinh không bắt buộc phải tiêm phòng trước khi đến trường và việc học trực tiếp là quyết định lựa chọn của phụ huynh. Tuy nhiên, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan kỳ vọng các phụ huynh sẽ cho phép và khuyến khích con mình tiêm vaccine. Theo ông Baswedan, phần lớn học sinh ở tất cả khu vực thuộc Jakarta đã được tiêm phòng và nơi có tỷ lệ tiêm phòng cao là phía Tây Jakarta.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Tây Jakarta II Masduki cho biết, đã có 91% trẻ em ở độ tuổi từ 12 - 17 và 85% giáo viên tại đây đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ. Riêng Trưởng phòng Hợp tác và Quan hệ công chúng của Bộ Giáo dục, Văn hóa và Công nghệ Indonesia Hendarman cho biết, quyết định mở trường học ở mỗi khu vực đều được thông qua Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 địa phương. Nếu có lây nhiễm trong trường học, các khu vực sẽ phải xét nghiệm, truy vết và đóng cửa tạm thời.
Một học sinh được chích vaccine Covid-19 tại một điểm tiêm thuộc khu vực Surabaya. Ảnh: Straits Times |
Theo Chính phủ và các chuyên gia giáo dục Indonesia, việc mở cửa trường học sẽ giúp cải thiện tình trạng bỏ học, giúp học sinh giữ tương tác xã hội và bớt cảm thấy bị cô lập sau thời gian dài ở nhà. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về việc mở cửa sớm trường học, do có khoảng 13% trường hợp nhiễm Covid-19 ở Indonesia là trẻ vị thành niên.
"Cháu cảm thấy lo lắng, nhưng rất vui vì lại được gặp bạn bè", Akila Malawa - nữ sinh 12 tuổi, tới lớp lần đầu sau hơn 1 năm. Một học sinh khác tên là Amalwin Harjodisastra nói: "Cháu hy vọng virus corona ở Indonesia sớm bị dập tắt để cháu có thể tới trường và gặp bạn bè mỗi ngày".
The Guardian dẫn lời nhà dịch tễ học Pandu Riono thuộc trường Đại học Indonesia nói: "Mọi thứ ở Jakarta đã trở nên tốt hơn: số ca nhiễm, tỷ lệ giường có người bệnh ở bệnh viện, số ca tử vong... đã giảm. Điều đó có được nhờ các biện pháp phòng dịch được thực hiện tốt và việc tiêm phòng được đẩy mạnh".
Được biết, chính quyền thành phố Jakarta sẽ thực hiện đánh giá định kỳ các trường học đủ tiêu chuẩn để mở cửa và sẽ lên kế hoạch mở 1.500 trường học vào giữa tháng 9 nếu tình hình dịch bệnh khả quan.