Cặp vợ chồng khởi nghiệp với lụa kimono
Start up - Ngày đăng : 09:00, 08/09/2021
Từ thế kỷ XX, kimono dần được thay thế bởi quần áo theo phong cách thời trang phương Tây. Khoảng năm 1970, doanh số bán lẻ sản phẩm này bắt đầu sụt giảm. Thị trường thu hẹp, mức lương giảm khiến các xưởng thủ công vật lộn tìm kiếm nhân công. Các nhà máy sản xuất kimono cotton thông thường đã đóng cửa hoặc chuyển sang sản xuất vải denim (một loại vải dùng để may quần jeans).
Statista, nhà cung cấp dữ liệu tiêu dùng và thị trường Đức ước tính doanh số bán lẻ của kimono ở Nhật đã giảm xuống còn 238 tỷ yên (khoảng 2,1 tỷ USD) vào năm 2020 (so với 310 tỷ yên vào năm 2010). Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là kimono từ vải lụa truyền thống vẫn tồn tại và được xem là trang phục chính thức dùng trong các buổi lễ và những dịp đặc biệt tại Nhật.
Nâng tầm chất liệu truyền thống
Năm 2016, trong một lần tham gia triển lãm thời trang và dệt may tại Paris, Shunsuke Teranishi - nhà thiết kế người Nhật, từng làm việc cho nhiều thương hiệu thời trang lớn ở cả Tokyo, Milan và Paris, bị thu hút bởi Ushikubi Tsumugi - một loại vải dệt sáng bóng, độ bền cao, xuất xứ từ thành phố nhỏ Hakusan (xưa là làng Ushikubi), thường được dùng để may kimono.
Tìm hiểu kỹ hơn, Teranishi càng bị mê hoặc bởi màu sắc đặc biệt và cách dệt phức tạp, công phu của loại vải này. Song, anh cũng nhận thức rõ những thách thức mà kimono Nhật đang gặp phải cũng như sự mai một dần của những làng nghề truyền thống như làng Ushikubi.
Vì vậy, Teranishi và vợ, một nhà thiết kế người Đài Loan Chien-tsu Chen, bấy giờ vẫn ở Paris, đã bắt đầu kết nối với các nhà sản xuất vải lụa may kimono lớn nhất Nhật Bản là Ushikubi Tsumugi, Yuki Tsumugi và Oshima Tsumugi nhằm chuẩn bị khởi nghiệp về thời trang.
Tháng 12/2018, cặp đôi cho ra mắt thương hiệu Arlnata - chuyên cung cấp các loại quần áo thời trang may sẵn theo phong cách phương Tây với 100% chất liệu là vải lụa kimono. Tháng 4/2019, Arlnata ra mắt bộ sưu tập đầu tiên.
Chien-tsu Chen chia sẻ: “Trong thế giới thời trang phương Tây, chất liệu và kỹ thuật dệt khá giống nhau, ngay cả với các loại vải sang trọng. Vì vậy, kết cấu gọn gàng và kỹ thuật dệt tinh tế, linh hoạt của vải tsumugi là điểm rất đặc biệt. Chúng tôi nghĩ cần phải hành động để nâng cao vị thế của chất liệu này trong thế giới thời trang hiện đại”.
Việc dùng vải tsumugi để may những thiết kế theo phong cách phương Tây là thách thức lớn của Teranishi và Chen. Bộ đôi nhà thiết kế cho biết, một cuộn vải may kimono điển hình thường rộng từ 38 cm - 41 cm và dài 12 m, trong khi các cuộn vải phương Tây có chiều rộng từ 90 cm - 152 cm và dài từ 50 m - 200 mét.
Một số mẫu thiết kế của nhà mốt Arlnata từ lụa kimono |
Dùng vải tsumugi để tạo mẫu cho kimono thường đơn giản hơn so với quần áo kiểu phương Tây vì nó không đòi hỏi các chi tiết và kỹ thuật rườm rà. Mặt khác nếu dùng máy để cắt vải, không khéo sẽ làm hỏng hoàn toàn kết cấu của sợi dệt.
Để giải quyết vấn đề, Arlnata mời thêm các đồng sự là những thợ thủ công am hiểu rõ về vải tsumugi và nhà thiết kế có kinh nghiệm sử dụng loại vải này để may quần áo hiện đại. Bởi trước đó, các thương hiệu xa xỉ như Chanel, Louis Vuitton và Harry Winston cũng đã giới thiệu nhiều bộ sưu tập làm từ các loại vải truyền thống của Nhật Bản.
Hướng đến phân khúc cao cấp nhưng phổ biến
Khởi nghiệp với chất liệu của kimono, Teranishi và vợ quyết tâm tránh mô hình kinh doanh của các hãng thời trang cao cấp châu Âu, vốn chỉ xoay quanh 6 buổi trình diễn mỗi năm và ra mắt thường xuyên các bộ sưu tập mới.
Với Teranishi điều này là một sự lãng phí đáng kể về nguyên liệu, tốn kém chi phí và có thể làm giảm niềm đam mê thời trang của các nhà thiết kế và các nghệ nhân thủ công.
Teranishi nói: “Mỗi cuộn vải lụa tsumugi, người nghệ nhân phải mất từ 6 tháng đến một năm để dệt hoàn tất. Vì vậy, không có lý do mà các thương hiệu có thể lãng phí”.
Tại Arlnata tất cả thiết kế và sản phẩm đều bán trực tiếp cho người tiêu dùng với giá dao động từ 34.000 yên (khoảng 309 USD) cho các loại áo phông lụa thoáng khí đến 810.000 yên (khoảng 7375 USD) cho những chiếc áo khoác lớn.
Teranishi và Chen cho biết đối tượng mục tiêu chính của thương hiệu là nhóm người trung niên, có mức sống từ khá giả trở lên, đang tìm kiếm quần áo lụa truyền thống đơn giản nhưng thanh lịch.
Nhà thiết kế Shunsuke Teranishi (bìa trái) và một nghệ nhân sản xuất vải lụa kimono truyền thống |
Cặp vợ chồng này tin rằng mô hình kinh doanh Arlnata đang hướng đến có thể áp dụng cho tất cả các nhà sản xuất thủ công tại Nhật Bản để nâng tầm giá trị của sản phẩm dệt truyền thống.
Chen cho biết: “Người châu Âu có xu hướng xác định mạnh mẽ và tự hào về các thương hiệu ‘cây nhà lá vườn’. Với các kỹ thuật sản xuất vải thủ công và sự sáng tạo, Nhật Bản đang có tất cả những gì cần thiết để ra đời những thương hiệu thời trang cao cấp nhất. Yohji Yamamoto, Comme des Garcons và Issey Miyake là những thương hiệu tiêu biểu”.
Theo kế hoạch vào cuối tháng 9/2021, Arlnata sẽ trưng bày bộ sưu tập mới tại Isetan Shinjuku ở Tokyo. Năm 2022, buổi triển lãm Arlnata sẽ được tổ chức tại thành phố Kagoshima.
Mục tiêu hiện tại công ty và vợ chồng Teranishi và Chen hướng đến là xây dựng thương hiệu thời trang cao cấp, sánh ngang với Hèrmes và có thể khai thác kỹ năng thủ công của người Nhật trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả các sản phẩm sơn mài.