Gam màu xám cho kinh tế Việt Nam cuối năm và khả năng phục hồi
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 05:09, 10/09/2021
tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ vào khoảng 4,7%. Ảnh: Đóng gói chuối sấy/Cuộc thi Ảnh Tự hào hàng Việt. |
Những gam màu xám
Nhận định về triển vọng của nền kinh tế, ngân hàng Standard Chartered mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 4,7% cho năm 2021 và từ 7,3% xuống 7% năm 2022, do các chỉ số kinh tế suy yếu, diễn biến dịch trầm trọng và tốc độ tiêm vaccine còn chậm.
Đây là lần thứ ba ngân hàng này hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, từ 7,8% đầu năm xuống còn 6,7%, rồi 6,5% và hiện là 4,7%. Theo Standard Chartered, trong trường hợp dịch bệnh không được kiểm soát trong tháng 9, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục suy giảm và Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất.
"Giống như các nền kinh tế khác tại châu Á và các khu vực khác trên thế giới, kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng tôi duy trì triển vọng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn", ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam thuộc Standard Chartered, nói.
Link bài viết
Cũng hạ dự báo tăng trưởng so với con số đưa ra trước đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ còn khoảng 4,8% cho cả năm 2021, do xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch hiện tại. Theo WB, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng phục hồi vào quý IV/2021, dù vẫn có những rủi ro đe dọa tăng trưởng.
Một số tổ chức trong nước cũng dự báo tăng trưởng kém lạc quan. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 1-1,5% so với dự báo đưa ra hồi quý I.
Theo đó, với kịch bản có nhiều khả năng nhất, dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý III/2021, chiến dịch tiêm vaccine được triển khai nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II năm sau, giúp kinh tế vĩ mô duy trì ổn định và tăng trưởng GDP cả năm đạt từ 4,5-5,1%.
Trong kịch bản xấu hơn, Covid-19 chưa được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường trong quý IV/2021, tiêm vacine chậm, tăng trưởng GDP chỉ có thể đạt từ 3,5-4,0%.
Khả năng phục hồi
Theo bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cấp cao, đại diện WB tại Việt Nam, việc kiểm soát được dịch bệnh và đẩy nhanh hoạt động tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2022 tại Việt Nam.
"Tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc - những khu vực đang chứng kiến sự phục hồi kinh tế, giúp tạo ra động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam", bà Madani trình bày tại hội thảo trực tuyến "Doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép" hôm 9/9/2021.
Trước đó, báo cáo quý II/2021 do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố hồi tháng 7 cho thấy, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) đã giảm còn 45,8 điểm so với 73,9 điểm trong quý I/2021. Tuy nhiên, điều đáng mừng là DN châu Âu vẫn tự tin về các kế hoạch kinh doanh ở Việt Nam
Dây chuyền sản xuất cà phê xuất khẩu của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang. Ảnh: TTXVN |
Theo Chủ tịch EuroCham Alain Cany, đợt dịch bùng phát mới đây đã làm tăng sự bi quan về triển vọng ngắn hạn của môi trường kinh doanh Việt Nam. Gần 1/5 lãnh đạo DN (19%) tin rằng, nền kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý III/2021, giảm so với mức 61% trong quý I/2021.
"Hơn một nửa (56%) DN dự đoán, tình hình sẽ được cải thiện hoặc ổn định trong quý III/2021. Khoảng 80% DN đang hoạt động ở Việt Nam có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên và đầu tư. Điều này cho thấy, bất chấp những thách thức ngắn hạn, DN châu Âu vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn tại Việt Nam", ông Cany nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Quỹ tín thác đầu tư Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL) Stanley Chou bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế Việt Nam có khả năng phát triển mạnh. Theo ông Chou, nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm tăng trưởng 5,6% dù xảy ra 2 đợt bùng phát Covid-19, cho thấy khả năng phục hồi cao và tạo nền tảng tăng trưởng trong tương lai.
Trong khi tiếp tục theo dõi các nỗ lực kiểm soát dịch và triển khai chương trình tiêm chủng của chính phủ, quỹ VEIL cho rằng nếu làn sóng dịch lần này được kiểm soát, các yếu tố then chốt trong bức tranh kinh tế vĩ mô hầu như sẽ không thay đổi.
Link bài viết
Điều kiện hiện nay chắc chắn là thách thức đối với các DN, nhưng VEIL tin rằng nền kinh tế sẽ mang lại cơ hội cho những ai có thể giao dịch thương mại và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ sau khi dịch được kiểm soát. Cũng bày tỏ sự tin tưởng vào sức bật của nền kinh tế, The Economist nhận định: "Đặt sang một bên thách thức từ Covid-19, khó có thể nhìn khác hơn màu hồng đối với một quốc gia dường như đang ở giai đoạn đầu của phép lạ kinh tế Đông Á".
Trong một báo cáo mới đây, The Economist Intelligence Unit (EIU) nhấn mạnh các yếu tố trong môi trường kinh doanh tạo nên sự hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò là trung tâm sản xuất của khu vực.
"Điều đáng mừng là cơ chế chính sách cởi mở với đầu tư nước ngoài, quyền tiếp cận thị trường nước ngoài nhờ sự tham gia mạnh mẽ vào các hiệp định và định chế thương mại tự do, cùng chi phí lao động cạnh tranh đến từ lực lượng lao động phổ thông dồi dào, vẫn sẽ giúp Việt Nam bảo đảm vị thế hấp dẫn trong vai trò sản xuất gia công đối với DN, nhà đầu tư, đối tác đang tìm kiếm cơ hội dịch chuyển hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở châu Á" - trích dẫn từ báo cáo của EIU.
Chìa khoá để trở lại
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Viện trưởng VEPR, từ nay đến cuối năm, các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại hoàn toàn bình thường. Hai động lực cho tăng trưởng chính sẽ đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Đồng thời, bà khuyến nghị trong ngắn hạn cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch Covid-19, phát triển vaccine trong nước và tận dụng các mối quan hệ chiến lược để tiến hành ngoại giao vaccine, ưu tiên bảo đảm nguồn cung và tổ chức tiêm vaccine nhanh và hiệu quả.
Về chính sách điều hành, bà Madani nói: "Các chính sách của Chính phủ có thể giúp giảm bớt các rủi ro trong trung và dài hạn đối với nền kinh tế, như tập trung giải quyết các hệ quả xã hội của khủng hoảng, cảnh giác với những rủi ro trong việc nợ xấu gia tăng và chuyển rủi ro từ nền kinh tế thực sang khu vực tài chính cũng như cần cảnh giác với những rủi ro tài khóa".
Vaccine Covid-19 - một trong những chìa khoá giúp phục hồi nền kinh tế |
Xác định con đường chống dịch lâu dài, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) Mạc Quốc Anh đề xuất giải pháp trước nhất là không phong tỏa cực đoan. Dù chắc chắn phải thực hiện các biện pháp phòng dịch, song cần đặt mục tiêu duy trì hoạt động kinh tế nhất định để nuôi dưỡng lực lượng chống dịch lâu dài.
Đồng nghĩa không mặc nhiên đóng băng toàn bộ hoạt động kinh tế, mà phải phân loại DN, theo đặc thù, tính chất hoạt động, theo khu vực, năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn.
Bên cạnh đó, phong tỏa phải luôn tính đến sinh kế của người dân, nên phải xác lập và thiết kế quy trình, quy chuẩn cho các loại hình di chuyển và giao dịch an toàn và chỉ cấm các di chuyển không an toàn. Đồng thời, cần xác định tiêm vaccine là chính sách quốc gia. Người tiêm vaccine phải được ưu tiên nhất định trong việc di chuyển, lao động an toàn.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam - Binu Jacob cho rằng để vượt qua thách thức trước mắt, cần ưu tiên tiêm phòng đầy đủ cho tất cả công nhân và nhà thầu làm việc trong các nhà máy sản xuất đồ uống và thực phẩm thiết yếu.
DN cũng cần được trao quyền tự quyết trong việc áp dụng mô hình phòng chống Covid-19 tại các nhà máy dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, các quy định liên quan đến phòng chống dịch tại các địa phương cần được đơn giản hóa và thống nhất với chỉ đạo từ Trung ương.