Lao dốc không phanh vì Covid-19, thị trường ô tô Việt cần “liều thuốc trợ tim”
Công nghệ - Ngày đăng : 03:00, 13/09/2021
Doanh số bán xe tháng 8 thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay |
“Tụt dốc không phanh’’ vì Covid-19
Tiếp nối “cơn sốt’’ mua sắm ô tô cuối năm 2020 nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, trong 4 tháng đầu năm 2021, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận doanh số rất tốt khi đạt mức tăng trưởng 53% so với cùng kỳ 2020 (theo số liệu VAMA, TC Motor và Vinfast). Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các DN phải dừng hoạt động, sức mua thị trường ô tô giảm rất mạnh, và chưa có tiền lệ từ quý IV/2021.
Báo cáo mới nhất do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố cho thấy, trong tháng 8, toàn thị trường chỉ bán được 8.884 xe, giảm 45% so với tháng 7 và giảm đến 57% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh số bán xe tháng 8 thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay.
Cũng theo số liệu của VAMA, đây là tháng thứ 5 liên tiếp doanh số bán ô tô tại Việt Nam đi xuống. Cụ thể, từ tháng 4/2021, doanh số ô tô giảm 3,7% so với tháng 3. Đến tháng 5, thị trường lại tiếp tục giảm 15% so với tháng 4, và tháng 6 giảm 8% so với tháng 5. Mức giảm của tháng 7 là 32% so với tháng 6.
Các thương hiệu lớn tại Việt Nam không nằm ngoài tình trạng “tụt dốc không phanh”. Điển hình, doanh thu từ lĩnh vực ô tô của Công ty Honda Việt Nam đã giảm mạnh. Trong tháng 8/2021, DN này chỉ bán được 567 xe, giảm đến 54,9% so với tháng 7 và giảm đến 65,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Phan Dương Cửu Long - Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico), 4 tháng đầu năm 2021, các đại lý của Savico vẫn bám theo mục tiêu kế hoạch đề ra, do tận dụng lợi thế thị trường trong quý I/2021 và kiểm soát tốt chi phí hoạt động...
Tuy vậy, từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách nên cơ quan đăng ký - đăng kiểm dừng hoạt động, các xe đã có hợp đồng không thể hoàn tất thủ tục để giao cho khách. Cùng lúc, các dịch vụ ngưng trệ, hoạt động giải ngân bán buôn, bán lẻ bị ảnh hưởng, sức mua giảm mạnh… làm gián đoạn dòng tiền của DN. Những hệ lụy này khiến hoạt động kinh doanh của Savico sụt giảm đáng kể trong quý III/2021.
Hiện nay, theo các DN, nguồn cung ô tô tại Việt Nam không thiếu và thậm chí có thể thừa do mất cầu đột ngột |
Chật vật với chi phí cố định và phí phòng, chống dịch
Theo ông Phan Dương Cửu Long, ngoài những lý do trên, thị trường ô tô sụt giảm mạnh vì trong đại dịch, ô tô không phải là mặt hàng thiết yếu, lại có giá cao.
Bên cạnh đó, chính sách kích cầu thị trường ô tô hiện nay chưa nhiều, chủ yếu phụ thuộc các chương trình của nhà sản xuất và đại lý, còn Chính phủ chưa có chính sách ưu đãi thuế, phí trước bạ như năm trước…Những yếu tố trên cùng lúc diễn ra khiến sức mua giảm mạnh và giảm liên tục trong nhiều tháng qua.
TP.HCM - địa bàn chiếm hơn 1/3 sản lượng xe bán ra của DN - phải ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, kể từ cuối tháng 6/2021. Cùng lúc, các tỉnh thành khác cũng ngưng hoạt động bán hàng và dịch vụ. Điều này khiến nguồn thu và dòng tiền của Savico bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi đã thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí nhưng có những chi phí, đặc biệt là chi phí cố định, rất khó để cắt giảm. DN ngưng kinh doanh đồng nghĩa với việc người lao động chỉ trông chờ vào chính sách lương tối thiểu và các hỗ trợ của DN để duy trì cuộc sống. Đây thực sự là một điều khó khăn đối với DN trong việc bảo vệ và duy trì đội ngũ”, ông Phan Dương Cửu Long chia sẻ thêm.
Theo dự báo của các DN, sức mua ô tô có thể sẽ giảm 30-40%, thậm chí hơn, khi nền kinh tế chưa phục hồi do giãn cách dài ngày. Nếu như năm trước tình hình dịch bệnh chỉ làm gián đoạn kinh doanh và có thể phục hồi nhanh khi bình thường trở lại thì năm nay tình hình hoàn toàn khác.
Theo công bố của Nikkei Asia mới đây, Việt Nam đứng cuối cùng (xếp thứ 121/121) trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi Covid-19. Như vậy có thể thấy, các đại lý ô tô phải xác định sống chung lâu dài với dịch và khả năng phục hồi gần như rất thấp.
Hiện nay, theo các DN, nguồn cung ô tô tại Việt Nam không thiếu và thậm chí có thể thừa do mất cầu đột ngột. Các DN ô tô hiện đang vấp phải tình trạng thừa cung, dòng tiền đứt gãy, tồn kho cao tại khu vực sản xuất và đại lý.
Bên cạnh đó, các DN còn đối diện với nhiều áp lực về tài chính khi vẫn phải duy trì các chi phí hoạt động như phí điện nước, lãi suất vay, phí thuê mặt bằng, phí bảo đảm lương tối thiểu cho người lao động....mà ít nhận được sự miễn giảm từ cơ quan nhà nước, đối tác, cũng như chủ nhà. Đã vậy, chi phí hoạt động phòng chống dịch tại DN tăng cao, chi phí tồn kho lớn và phát sinh thêm nhiều chi phí khác.
Không chỉ ở phân khúc xe du lịch, các đơn vị kinh doanh xe tải cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian giãn cách |
Cần “thuốc trợ tim’’ kịp thời
Trước những khó khăn hiện tại, dự báo một bức tranh ảm đạm trong thời gian sắp tới, ngành ô tô Việt Nam hiện nay rất cần chính sách hỗ trợ, kích cầu từ Chính phủ. Vừa qua, VAMA cũng đã đề xuất Chính phủ ưu đãi miễn giảm phí trước bạ. Chính sách này đã thực hiện thành công trong 6 tháng cuối năm 2020, giúp thị trường ô tô phục hồi rất mạnh ở thời điểm đó.
Hơn hết, các DN ô tô rất cần Chính phủ hỗ trợ miễn, giảm phí bảo hiểm xã hội do DN và người lao động trong thời gian phải ngừng hoạt động và thực hiện giãn cách xã hội; hỗ trợ người lao động tạm nghỉ việc hoặc thất nghiệp do giãn cách.
Song song đó, ngân hàng có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất và giãn nợ cho các DN. Ngoài ra, chính quyền các tỉnh thành nên tạo mọi điều kiện để cơ quan đăng ký, đăng kiểm xe được hoạt động liên tục bằng cách áp dụng đăng ký online... giúp DN và khách hàng có thể thực hiện đăng ký, đăng kiểm xe một cách nhanh chóng và thuận lợi.
“Chỉ khi các khó khăn được tháo gỡ, DN ngành ô tô mới có thể nỗ lực, sẵn sàng hoạt động trở lại cũng như vực dậy thị trường ô tô những tháng cuối năm 2021”, lãnh đạo một DN ô tô lớn tại TP.HCM nói.