Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang: “Đây là lúc doanh nhân thể hiện trách nhiệm với Thành phố - nơi đã giúp mình thành công”

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 08:00, 14/09/2021

Điều người đối diện cảm nhận được khi tiếp xúc với doanh nhân Lưu Thị Thanh Mẫu là một người tràn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng. Vào thời điểm TP.HCM căng mình chống dịch, bà cho rằng đây là lúc doanh nhân thể hiện trách nhiệm với Thành phố - nơi đã giúp bà thành công.

Ở doanh nhân Lưu Thị Thanh Mẫu luôn toát ra năng lượng tích cực, có thể lan tỏa tới người xung quanh. Đứng trước khó khăn, thử thách do đại dịch Covid-19 gây ra, vị CEO của Phúc Khang không thể ngồi yên. Bà đã huy động người lao động tình nguyện chung tay thực hiện các chương trình do Phúc Khang khởi động để đồng hành cùng Thành phố phòng, chống dịch và chia sẻ với người dân gặp khó khăn.

Hơn 500 giường bệnh, 5.000 suất ăn cho các khu cách ly, 2.000 bộ test SARS-CoV-2, 10.000 phần quà cho hộ nghèo và hơn 40 tấn rau sạch đã được Phúc Khang trao tặng các bệnh viện và khu cách ly tại TP.HCM. Mới đây, Phúc Khang ủng hộ hơn 20 tỷ đồng mua trang thiết bị y tế cho một số bệnh viện dã chiến và giúp đỡ đồng bào nghèo. 

Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, bà Lưu Thị Thanh Mẫu cho biết: “Tôi may mắn có được thành công trong kinh doanh. TP.HCM đã nuôi tôi bao nhiêu năm, bây giờ là lúc đáp lại. Tôi có niềm tin là Thành phố sẽ sớm trở lại sinh hoạt bình thường và tiếp tục phát triển kinh tế”. 

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Phúc Khang trao bảng tượng trưng ủng hộ 20 tỷ đồng cho ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, chung tay cùng Thành phố chống dịch

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Phúc Khang trao bảng tượng trưng ủng hộ 20 tỷ đồng cho ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, chung tay cùng Thành phố chống dịch

* Trong thời điểm hiện nay, theo bà doanh nhân, doanh nghiệp muốn đóng góp cho cộng đồng sẽ cần điều kiện gì? 

- Theo tôi, không cần giàu hay nghèo, nếu có một thứ để cho đi thì người đó đã đủ tâm, doanh nghiệp đó đã có trách nhiệm với xã hội. Quan trọng nhất là sự tự nguyện. Tất nhiên, người nào đó hay doanh nhân nào đó có điều kiện vật chất thì có thể san sẻ cho xã hội nhiều hơn. Chẳng hạn với Phúc Khang, chúng tôi có tòa nhà 9 tầng đang để trống nên sẵn sàng để Thành phố trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, cũng như có thể trưng dụng 10 xe ô tô của công ty phục vụ chống dịch.

Với tâm thế cho đi thì cái gì có ích cũng có thể cho đi được. Chẳng hạn, với người làm báo có thể cho đi bằng chính một bài báo phản ánh tinh thần vì cộng đồng trong đại dịch của một DN hay người dân nào đó. 

Thử thách xảy ra với TP.HCM cũng chính là cơ hội để doanh nhân, DN bày tỏ lòng biết ơn. Ngoài việc ủng hộ vật chất thì doanh nhân còn cần phải hiến kế thiết thực cho Thành phố trong việc làm sao để duy trì sản xuất, kinh doanh. Doanh nhân góp phần chống dịch hiệu quả, sản xuất, kinh doanh không quá ngưng trệ thì đã giúp được cho chính DN của mình, DN của bạn. 

Theo tôi, ở giai đoạn này, việc doanh nhân, DN chung tay phòng chống dịch là giúp Thành phố giảm bớt gánh nặng. Đó là lý do tại sao mỗi chương trình chung tay do Phúc Khang thực hiện, chúng tôi đều tìm hiểu kỹ nhu cầu của người nhận để điều chỉnh cho phù hợp. 

* Bà có cho rằng muốn đóng góp được cho xã hội thì bản thân doanh nghiệp phải phát triển bền vững và phát triển bền vững mới tạo ra được giá trị đích thực cho xã hội? 

- Không phải cứ là DN phát triển bền vững mới tạo ra giá trị cho xã hội. DN phải thực hiện trách nhiệm cơ bản nhất là tạo ra lợi nhuận, trả lương đầy đủ cho người lao động. DN trước hết phải lo được đời sống cho người lao động thì mới lo được cho xã hội. 

Doanh nhân có thể trả ơn cho xã hội bằng những việc làm bác ái. Với nỗ lực của ban lãnh đạo cùng tập thể cán bộ, nhân viên, Phúc Khang đã nằm trong nhóm DN phát triển bền vững của Việt Nam năm 2020, được sự ghi nhận của Chính phủ, của TP.HCM và cộng đồng DN, các tổ chức xã hội.

Với định hướng phát triển bền vững, Phúc Khang đã, đang và sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản với những sản phẩm bền vững đạt tiêu chuẩn xanh, kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho cư dân.

a1-1308-1631522970.jpg

* Ở Phúc Khang thời điểm này, người lao động được chăm lo thế nào thưa bà? 

- Trước diễn biến khó lường của đại dịch, bất kể DN nào cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Nhưng trong thử thách, cần đối mặt và tìm cách vượt qua. Có ba điều may mắn ở Phúc Khang mà thời gian qua đã được duy trì rất ổn định. 

Thứ nhất, 100% cán bộ, nhân viên đều nhận lương đầy đủ. Đó là điều mà Phúc Khang luôn duy trì trong suốt thời gian vừa qua. 

Thứ hai, ổn định cuộc sống của từng cán bộ, nhân viên. Cụ thể là những vấn đề về an sinh, sức khỏe và tinh thần của cán bộ, nhân viên đều được chăm lo bằng cách thăm hỏi thường xuyên, động viên tinh thần, cung cấp thực phẩm, tổ chức tiêm vaccine. Khi bất cứ ai trong công ty gặp khó khăn về đời sống, về tinh thần do phải giãn cách, chúng tôi đều lắng nghe và có cách giúp đỡ.

Hiện tại, Phúc Khang may mắn gần như không có trường hợp nào bị bệnh nghiêm trọng. Bằng kênh truyền thông nội bộ, chúng tôi lập ra những group để động viên, thăm hỏi nhau như “F1 lạc quan”, “F2 yêu thương”... và chuyển những thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, cẩm nang hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho nhau. Mặc dù ở trong những vùng rất dễ bị lây bệnh, nhưng cán bộ, nhân viên của Phúc Khang vẫn luôn là một tập thể lạc quan, biết chia sẻ, cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ nhau, giúp đỡ cộng đồng. 

Thứ ba, Phúc Khang vẫn hoạt động ổn định, không có tình trạng phải cho nhân viên nghỉ việc. Dù gặp nhiều khó khăn do giãn cách nhưng nhân viên vẫn gắn bó với công ty. Có một điều đặc biệt ở Phúc Khang đó là giai đoạn này, chúng tôi tuyển dụng được những nhân sự rất chất lượng. Có những nhân sự cấp cao của các tập đoàn khác đã về Phúc Khang. Cùng những cộng sự có nhiều kinh nghiệm quản trị, tôi tin sẽ giúp Phúc Khang có thêm động lực vượt qua được giai đoạn khó khăn này cùng với cộng đồng DN.

* Để làm được việc đó, với vai trò là người điều hành công ty, bà đã làm gì?  

- Trong thử thách, DN đều phải tái cấu trúc. Phúc Khang cũng không ngoại lệ. Khi Covid-19 xảy ra cách đây gần hai năm, ban lãnh đạo Phúc Khang đã nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề tái cấu trúc những điểm mấu chốt để sống chung với dịch. Trong đó, ưu tiên số một là đảm bảo sự an toàn sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Tiếp đến là duy trì sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Với tâm thế như vậy, gần như các chỉ số của Phúc Khang được thay đổi để lưu tâm đến hai vấn đề: an sinh nội bộ và an toàn tài chính. Có hai điểm mấu chốt mà chúng tôi đã tái cấu trúc, đó là tái cấu trúc về công nghệ để nhân viên làm việc online hiệu quả và làm việc một cách nhuần nhuyễn với thiết bị, duy trì giao tiếp với nhau để thúc đẩy công việc. Đó là một trong những thành công trong gần hai năm qua của Phúc Khang.

Phúc Khang tận dụng thời gian giãn cách xã hội để tổ chức đào tạo online trau dồi kỹ năng về quản trị, về nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên. Từ đó, người lao động cảm thấy luôn được gắn bó với công ty. Chúng tôi thành lập các tổ nhóm chăm sóc sức khỏe đến từng gia đình cán bộ, nhân viên, tạo cho người lao động sống trong giãn cách mà không xa cách. 

Bên cạnh đó, Phúc Khang tái cấu trúc kịp thời mô hình kinh doanh. Trước đây, Phúc Khang chuyên bán những sản phẩm lẻ ra thị trường. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, Phúc Khang đã kích hoạt việc mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án với đối tác nước ngoài. Chúng tôi cũng đã tái cấu trúc về tài chính và dự án để đầu tư. Điều này cũng đem lại doanh thu và lợi nhuận cho Phúc Khang. Vì thế, hai “mặt trận” là sức khỏe của người lao động và sức khỏe tài chính luôn được ban lãnh đạo Phúc Khang lưu tâm và khá thành công. 

thumbnail2-8885-1631522970.jpg

* Nhạy bén nhưng lại rất kiên định phát triển công trình xanh, bà từng bị cho là “không bình thường”...

- Ở giai đoạn đầu đúng là tôi rất cô đơn. Tuy nhiên, trong kinh doanh, tôi nghĩ có hai điều quan trọng, đó là làm cái người khác cần và định hướng xu hướng tiêu dùng. Đối với Việt Nam, tiêu chuẩn công trình xanh còn khá mới mẻ. Chúng tôi mong muốn tiên phong và thúc đẩy kiến tạo cách sống tốt hơn cho cộng đồng và góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu.

Chúng tôi khởi đầu như thế với một nhận thức người ta làm được thì mình cũng làm được. Chúng tôi có niềm tin thời gian sẽ cho kết quả. Và tới giờ này, Phúc Khang đã có những công trình được chứng thực là công trình xanh. Ở Phúc Khang, chúng tôi có triết lý “thực hành tạo xuất sắc và tự diệt để phái sinh”. Chúng tôi không tự hài lòng với những gì mình có để làm ra sản phẩm tốt hơn cho cộng đồng. 

* Theo bà, phụ nữ điều hành doanh nghiệp bất động sản có khó khăn và lợi thế gì? 

- Tôi không nghĩ nó là khó khăn. Phúc Khang đã trải qua 10 năm phát triển, trong đó có niềm đam mê của người sáng lập và trách nhiệm, tâm huyết của cả tập thể. Bất cứ sự phát triển nào cũng đều có áp lực và động lực. Nếu có cái này không có cái kia thì mất cân bằng, muốn phát triển phải có cả hai. Đó là một quá trình. Hạnh phúc không chỉ mục tiêu mà là quá trình trải nghiệm.

* Từ khi khởi nghiệp đến nay, Phúc Khang có trải qua giai đoạn sóng gió nào không? Nếu có, bà đã vượt qua thế nào? Quá trình vượt sóng gió, điều bà đúc kết được là gì?

- Tôi tự thân khởi nghiệp nên nhìn khó khăn một cách bình tĩnh, không bối rối và chủ động khắc phục. Thời điểm Phúc Khang thành lập là lúc thị trường bất động sản đang chững lại, thậm chí là khủng hoảng. DN sinh ra trong bối cảnh không thuận lợi, tôi học được nhiều bài học và vẫn có niềm tin sẽ thành công. Bất kỳ DN nào cũng có thử thách. Ở Phúc Khang chúng tôi không nói khó khăn mà gọi là thử thách. Chúng tôi cũng không nói cố gắng mà là làm hết sức mình. Đó là văn hóa của Phúc Khang. Ở DN bất động sản luôn có thử thách lúc nào “bắt đáy”, lúc nào “ở đỉnh thị trường”. Mỗi giai đoạn đều có thử thách nhất định. 

Tôi nhìn sự việc với một niềm tin, khó khăn sẽ qua đi. Cùng với đó là phải hành động quyết liệt. Xã hội tốt đẹp hơn nhờ hành động, hãy xem khó khăn là thử thách. Tôi tin dịch bệnh sẽ sớm qua đi. Nhưng cách mà chúng ta hành động, chung tay cùng Thành phố chống dịch và chia sẻ khó khăn với người dân thế nào mới quan trọng.

a2-2569-1631522970.jpg

* Ở doanh nghiệp do một “nữ tướng” điều hành như Phúc Khang, phải chăng nữ quyền được đề cao...

- Tôi không có khái niệm về đề cao nữ quyền. Phụ nữ muốn được ghi nhận phải nỗ lực gấp nhiều lần. Hiện tỷ lệ lãnh đạo nữ tại Phúc Khang là 35%. Chúng tôi đặt mục tiêu đưa trọng số bình đẳng giới lên để cân bằng. Chúng tôi khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân viên nữ vừa bảo đảm được công việc, vừa đảm bảo được thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Ở Phúc Khang, nữ nhân viên được yêu cầu nghỉ sinh phải đủ thời gian theo luật định, tức không phải đi làm sớm. Nam nhân viên có vợ sinh con được khích lệ ở nhà trong những ngày đầu. Phúc Khang luôn tạo điều kiện để nữ nhân viên được đào tạo, cập nhật kiến thức. Ở Phúc Khang không có phân biệt về giới, chỉ có sự ghi nhận năng lực và tinh thần cống hiến, chia sẻ.

* Bà có thể chia sẻ kế hoạch của Phúc Khang khi dịch Covid-19 qua đi?

- Chúng tôi tiếp tục củng cố nguồn lực, xây dựng tổ chức phù hợp với giai đoạn dịch bệnh chưa qua và cả hậu Covid-19; tiếp tục hoàn thiện những thủ tục pháp lý để khởi động dự án sớm, đóng góp vào việc an cư của cộng đồng. Chúng tôi tiếp tục đa dạng hóa các kênh đầu tư, tận dụng ưu thế của đối tác nước ngoài.

Phúc Khang nhận thức rõ không thể có kết quả mới nếu làm theo cách làm cũ, nên tập trung xây dựng các công trình xanh tại khu trung tâm - nơi có mật độ bê tông hóa rất cao. Cùng với đó, chúng tôi tập trung phát triển các khu đô thị lân cận TP.HCM ở Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Phúc Khang luôn phát triển những công trình xanh bền vững để chuyển giao giá trị cho thế hệ sau. 

* Cảm ơn bà về những chia sẻ!

Ngọc Lý