Đề xuất lộ trình mở cửa kinh tế TP.HCM trong đại dịch
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:00, 14/09/2021
Theo Cục Thống kê TP.HCM, tình hình sản xuất, kinh doanh của TP trong tháng 8/2021 và 8 tháng đầu năm 2021 suy giảm mạnh so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 22,4% so với tháng 7. Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn TP giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do bị ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, nhiều nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động, nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh. Doanh thu thương mại dịch vụ tháng 8 tại TP tiếp tục sụt giảm.
Việc kinh doanh của các đơn vị thương mại, dịch vụ gặp nhiều khó khăn do tạm ngừng hoạt động theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ, đồng thời thu nhập của người dân giảm và sức mua thấp, chủ yếu chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 dự ước đạt 35.522 tỷ đồng, giảm 15,9% so với tháng trước và giảm 59,4% so với cùng tháng năm trước.
Đầu tư nước ngoài vào TP cũng giảm mạnh. Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP là 2,18 tỷ USD, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tình hình này kéo dài, GRDP của TP cho năm 2021 có khả năng xuống rất thấp, thậm chí âm so với năm 2020.
Chính vì thế mà hiện nay câu hỏi đặt ra đối với TP.HCM là chừng nào nên mở cửa và mở cửa như thế nào. Đây là câu hỏi rất khó trả lời và phải có sự định hướng của lãnh đạo TP, sự góp ý của các chuyên gia y tế và một số chuyên ngành khác. TP chưa nhìn thấy đỉnh dịch nếu đo lường bằng số ca nhiễm mới và số bệnh nhân tử vong mỗi ngày.
Tuy nhiên, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sự khó khăn của người lao động và tình trạng suy sụp của nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải tìm câu trả lời.
Điều kiện để mở cửa kinh tế
TP đang theo đuổi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, nhưng tình hình dịch bệnh đã bắt buộc phải thực hiện triệt để Chỉ thị 16 bằng các biện pháp cấp bách.
Thực chất CT 16 là một lệnh phong tỏa: “Ai ở đâu, ở yên đó”. Thực hiện CT 16 đã phát huy tác dụng và ngăn chặn bớt sự lây lan dịch bệnh mà nếu không thì tình hình còn tệ hại hơn nhiều. Tuy nhiên, thực hiện CT 16 không chặn đứng được dịch bệnh nên mở cửa kinh tế lúc này thì quá táo bạo và nguy hiểm.
Chính vì thế, TP.HCM muốn mở cửa kinh tế cần phải có những điều kiện sau:
- Tăng cường xét nghiệm để phát hiện các trường hợp F0 và tức thời cách ly tại nơi cách ly tập trung hay tại nhà, tùy điều kiện.
- Việc thống kê ca nhiễm nCoV phải cập nhật rất chính xác.
- F0 phải xuống dưới 1.000 ca/ngày và không vượt mức này trong vòng ít nhất một tuần lễ.
- Mức tử vong phải giảm liên tục từ đỉnh trong vòng ít nhất một tuần lễ.
- Tiếp tục chương trình tiêm chủng để đạt mức 80% dân số theo kiến nghị của giới y tế, là mức đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, tiêm chủng từ mức 70% có thể được xem là an toàn để bắt đầu mở cửa kinh tế.
Các bước mở cửa
Việc mở cửa nên thực hiện từng bước một cách thận trọng:
- Nới lỏng từng bước và từng khu vực trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16.
- Áp dụng triệt để và thường xuyên cập nhật việc chỉ định vùng xanh, vùng vàng, vùng cam và vùng đỏ.
- Nới lỏng di chuyển và giao thông vận tải, như cho phép shipper hoạt động với các biện pháp an toàn cho người giao hàng và người nhận hàng; cho người dân từng bước đi chợ, buôn bán và trở lại nơi làm việc cùng với những biện pháp giãn cách, tránh tập trung trên 5 người tại bất cứ nơi nào; cho phép xe buýt, taxi, Grab, xe ôm và các phương tiện vận chuyển khác hoạt động trở lại và phải tuân thủ triệt để 5K.
- Phân loại DN theo mức độ an toàn cho người lao động; mức độ đóng góp cho kinh tế trong ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; các nhóm DN ưu tiên trên cơ sở đóng góp cho GDP địa phương, mức đóng thuế, đóng góp tỷ lệ lao động, đóng góp cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong lúc xem xét các nhóm DN ưu tiên thì những ngành nghề sau đây cũng nên xem xét để đưa vào thứ tự ưu tiên mở cửa, như ngân hàng, công ty tài chính, dịch vụ chuyên chở hành khách, siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng cắt tóc, làm đẹp, tiệm cầm đồ, các ngành liên quan đến nông nghiệp, các ngành liên quan đến người tiêu dùng, các ngành liên quan đến xuất khẩu.
Lộ trình mở cửa
Trên cơ sở những diễn biến nghiêm trọng của dịch Covid-19 tại TP.HCM, một lộ trình mở cửa tạm thời được đề xuất như sau:
- Ngày 1-15/9: Tăng cường xét nghiệm để tìm F0.
- Ngày 16-30/9: Mở cửa từng phần theo các bước nới lỏng và từng khu vực, trước hết là vùng xanh, vùng vàng.
- Ngày 1/10-31/12: Đánh giá kết quả việc mở cửa trong từng hai tuần lễ trước đó, nếu kết quả là tích cực thì từng bước mở cửa đến toàn phần.
Thực hiện Chỉ thị 16 đã phát huy tác dụng và ngăn chặn bớt sự lây lan dịch bệnh mà nếu không thì tình hình còn tệ hại hơn nhiều. Tuy nhiên, thực hiện CT 16 không chặn đứng được dịch bệnh nên mở cửa kinh tế lúc này thì quá táo bạo và nguy hiểm.
Mở cửa là việc rất phức tạp vì nền kinh tế TP.HCM đang bị tác động nghiêm trọng bởi một yếu tố nằm ngoài phạm vi kinh tế: cuộc đấu tranh sống còn với một loại virus độc hại chưa từng có trong lịch sử cận đại của nhân loại.
Khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” chỉ để hình dung “cuộc chiến” khốc liệt này. Nhưng những chiến thuật, chiến lược, phương pháp, công cụ sử dụng trong chiến tranh chống ngoại xâm không thể áp dụng trong “cuộc chiến” mang tính y tế và môi trường với Covid-19.
Để vượt qua những thiệt hại về người và của do đại dịch gây ra, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học - nhất là y khoa.
Đầu tiên là sự tham gia của các cấp lãnh đạo của TP, các cơ quan bao gồm Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Giao thông - Vận tải, Cục Hải quan, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, cùng những cơ quan khác.
Tiếp đến là các viện nghiên cứu khoa học, các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội ngành nghề, các tổ chức thiện nguyện, các tổ chức tôn giáo và sự tham gia tích cực của mỗi người dân.
Mọi kế hoạch mở cửa nền kinh tế chỉ có thể thành công nếu mỗi người dân, mỗi thành phần kinh tế của TP cảm thấy đây là việc của chính mình, gia đình mình và cơ quan mình. Tức là phải “sở hữu” kế hoạch này. Một kế hoạch mang tính áp đặt từ “thượng tầng kiến trúc” sẽ rất khó giúp TP vượt qua giai đoạn khủng hoảng như hiện nay.