Học trực tuyến: Làm thế nào để đạt hiệu quả?

Đào tạo - Ngày đăng : 01:00, 14/09/2021

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong học kỳ I năm học 2021-2022, tất cả trường học các cấp tại TP.HCM đều chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, hình thức này đang khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
Học trực tuyến: Làm thế nào để đạt hiệu quả?

Theo khảo sát gần đây từ Kaspersky, 55% trẻ em trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch. Báo cáo cũng cho thấy 74% trẻ không thích nghi được với việc học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình. 57% học sinh (HS) thấy bài giảng khó hiểu hơn so với việc học trên lớp trên lớp. Ngồi quá nhiều trước các thiết bị điện tử sẽ có hại cho mắt, não và các bộ phận khác của cơ thể. Việc ngồi nhiều bên máy cũng khiến tâm lý trẻ không ổn định, dễ cáu gắt, giảm khả năng tập trung và trí nhớ.

Ngày 11/9 vừa qua, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Trung tâm hỗ trợ tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) và STEAMZONE tổ chức hội thảo Chuẩn bị tâm thế cho trẻ học trực tuyến sẵn sàng bước vào năm học mới với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục, nhằm hướng dẫn các PHHS hỗ trợ con học trực tuyến hiệu quả trong thời gian giãn cách.

Thách thức của việc học trực tuyến

Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, bậc tiểu học có hơn 31.247 học sinh/tổng số hơn 688.100 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5) không có điều kiện học tập trên Internet. Với cấp THCS có 26.355, trong tổng số gần 451.965 học sinh từ lớp 6 đến lớp 6 và với cấp THPT, trong tổng số gần 234.767 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, có hơn 15.037 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền Internet để học tập qua internet.

Hiện TP.HCM vẫn còn hơn 8.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không thể học online trong thời gian này vì nhiều lý do, như đang là F0 hoặc cả gia đình là F0, đang điều trị ở bệnh viện, gia đình đông anh em nhưng chỉ có một máy tính hoặc một điện thoại thông minh, thiết bị hư chưa sửa được do giãn cách…

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Duy Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Mạng Trực Tuyến Việt Sin, Chuyên gia nghiên cứu công nghệ giáo dục cho biết: “Học trực tuyến có thể được xem là giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện nay. Bởi các địa phương không thể chờ đến khi khống chế hết dịch bệnh mới dạy và học trực tiếp. Tuy nhiên kế hoạch này ít nhiều ảnh hưởng đến cả người dạy và người học”.

Phía nhà trường và các giáo viên (GV) đang đối mặt nhiều thách thức như: thiếu phương pháp, kỹ năng dạy trực tuyến, kế hoạch dạy học bị xáo trộn và tài liệu dạy học trước giờ vốn thiết kế dành cho việc học tại lớp...

Phía phụ huynh học sinh (PHHS) cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thứ nhất, nhiều gia đình bị ảnh hưởng kinh tế khi phải đầu tư máy móc, đường truyền. Thứ hai là ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần do nhiều nguyên nhân: chưa chuẩn bị tốt tâm lý cho bản thân và trẻ; khó sắp xếp thời gian biểu sao cho phù hợp với lịch làm vệc, chăm sóc gia đình và hỗ trợ con học; đường truyền, kết nối internet không ổn định; thiếu trang thiết bị học tập; môi trường học không phù hợp...

Bên cạnh đó, kiến thức của PHHS về CNTT còn hạn chế (nên gặp khó khăn ngồi học và hướng dẫn cho con khi học trực tuyến. Quá nhiều phần mềm và ứng dụng, mỗi trường, mỗi thầy cô dùng ứng dụng khác nhau.)

Một yếu tố khác, rất được PHHS quan tâm là hành vị tấn công, quấy rối trên mạng gây mất an toàn cho học sinh. Để hạn chế các đối tượng này, Nhà nước đã ban hành luật và Thông tư hướng dẫn, theo ông Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo nên có thông báo hướng dẫn, cách cài đặt phần mềm quét virus. Đồng thời hướng dẫn học sinh lẫn PH không tải các phần mềm không đáng tin cậy, không trả lời email hoặc nhấp chuột vào các đường link không rõ nguồn gốc, cài đặt phần mềm theo dõi và giám sát trẻ truy cập internet. Đặc biệt, PHHS nên chọn lọc các nội dung học trực tuyến chính thống từ Sở Giáo dục và Đào tạo công bố trên website.

“Khó khăn là thế nhưng tôi muốn nói đến 2 chữ cơ hội và thích nghi. Chúng ta đang đứng trước cơ hội để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, thời gian đầu chắc chắn có nhiều khó khăn nhưng về lâu dài mọi người sẽ thích nghi và triển khai dễ dàng hơn. Ai thích nghi nhanh thì cơ hội thành công trong tương lai sẽ cao hơn. Bởi xu hướng của tương lai là chuyển đổi số” - ông Nguyễn Thanh Hải - TS. chuyên về giáo dục STEM – Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ) chia sẻ.

Giải pháp nào để thích nghi?

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh: “Cách tốt nhất để đồng hành cùng con là phụ huynh phải đặt mình vào tâm thế chấp nhận việc học trực tuyến là xu hướng và sẵn sàng hỗ trợ con. Phụ huynh đừng nên tạo áp lực mà nên quan tâm con nhiều hơn, cùng con tạo nên nền nếp và thói quen để dần giúp con điều chỉnh và làm quen cách học mới”.

Theo bà Hoa, phụ huynh nên dành nhiều thời gian nghiên cứu chương trình và bài học của con, tìm thêm những hình ảnh và các clip để minh họa tốt hơn và tạo hứng thú cho con trong quá trình học. Phụ huynh và giáo viên cũng cần kết nối chặt chẽ với nhau để tìm ra cách giúp con học tập tốt nhất.

Đồng thời, các thành viên trong gia đình nên quy định và cam kết thời gian được truy cập internet, cả nhà sẽ sử dụng một ứng dụng chung để khóa thiết bị khi hết thời gian cho phép. Điều quan trọng là bố mẹ cũng phải gương mẫu tuân thủ những nguyên tắc này. 

Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe cũng như tạo môi trường học tập tốt nhất cho con, phụ huynh nên dành một không gian nhất định, đủ ánh sáng và các điều kiện khác như đường truyền ổn định, bàn học vừa với vóc dáng của trẻ và một máy vi tính tối thiểu 11 inch để không gây hại cho mắt của trẻ…

Từ phía GV, nên giảm thời gian thuyết trình, tăng cường các cách thức tương tác với HS; sử dụng nhiều hình ảnh trực quan sinh động để mô tả, mô phỏng nội dung học, liên hệ thực tế, hướng dẫn học sinh tự học kỹ hơn, và luôn tóm tắt, nhắc lại những nội dung trọng tâm cho mỗi lần lên lớp .

Bên cạnh sự nỗ lực từ phía PHHS, thầy cô và nhà trường, theo các diễn giả, để việc học trực tuyến diễn ra thuận lợi và đạt được kết quả, cần có sự chung tay của nhà nước.

hoc-truc-tuyen-8352-1631551480.jpg

GV nên giảm thời gian thuyết trình, sử dụng nhiều hình ảnh trực quan để mô tả, mô phỏng nội dung học để giúp HS nắm bắt nhanh hơn khi học trực tuyến. Ảnh: Minh họa

Bà Đỗ Hồng Dinh - Giám đốc Kinh doanh IoT Tập đoàn Công nghệ Intel dẫn chứng câu chuyện tại Malaysia. Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 6/2021 tất cả các trường học ở Malasia đều triển khai hình thức học trực tuyến với sự hỗ trợ sâu sát của chính phủ bằng rất nhiều giải pháp như: lên kế hoạch học online cho từng lứa tuổi; thống nhất một phần mềm chung cho việc dạy và học trực tuyến trên toàn quốc; đào tạo giáo viên các kỹ năng dạy trực tuyến, giáo viên là người hướng dẫn lại cho PHHS để hai bên cùng kết hợp một cách hiệu quả; phân loại thu nhập của phụ huynh để cung cấp thiết bị miễn phí cho học sinh và đưa ra các gói khuyến mãi internet băng thông rộng. 

Tại Hoa Kỳ, chính phủ nước này cũng có những giải pháp tương tự nhằm đảm bảo việc học trực tuyến diễn ra thuận lợi ở các cấp học như: triển khai nhiều gói hỗ trợ đến PHHS và GV như: Cung cấp thiết bị đến từng HS và GV; Hỗ trợ internet tốc độ cao miễn phí với các gia đình thu nhập thấp; Tập huấn kỹ năng sư phạm dạy học online cho giáo viên; Cung cấp thông tin hướng dẫn PH; Cho HS chọn lựa hình thức học (100% online hay 50% online).

"Với những trường hợp PH đi làm và để con ở nhà tự học, nếu trẻ quá nhỏ ngành giáo dục của Hoa Kỳ sẽ thống kê và tổ chức các lớp học nhóm, tập hợp các học sinh ở cùng một khu vực thành một nhóm học tập, học trên cùng một thiết bị và có thể có trợ giảng quản lý" - ông Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Tại Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, Sở Giáo dục & Đào tạo và các cấp, ngành liên quan đã có nhiều động thái tích cực hỗ trợ việc học trực tuyến.

Ngày 6/9, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM đề xuất thực hiện chương trình hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh TP với các giải pháp như huy động nguồn tài trợ từ các DN, tổ chức, cá nhân chung tay cùng tiếp sức HS khó khăn; vận động DN viễn thông tài trợ hoặc cung cấp gói cước viễn thông giá rẻ để ổn định đường truyền, đáp ứng nhu cầu học tập của HS; phối hợp cùng ngân hàng, hỗ trợ phụ huynh mua trả góp máy vi tính.

Ngày 7/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về xây dựng và triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em nhằm hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, để việc học và dạy trực tuyến đạt được hiệu quả, Chính phủ và những nhà làm công tác giáo dục Việt Nam cần nhiều giải pháp tối ưu, thiết thực và sốt sắn hơn, đặc biệt là trong công tác đào tạo GV và xây dựng các phần mềm học tập chung, phù hợp với các độ tuổi của HS.

Hội thảo Chuẩn bị tâm thế cho trẻ học trực tuyến sẵn sàng bước vào năm học mới với sự tham gianằm trong chuỗi hội thảo trực tuyến Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục gồm 2 phần chính: Chuyển đổi số giáo dục trong gia đình và Chuyển đổi số giáo dục trong nhà trường phổ thông, với 12 chuyên đề.

Chương trình diễn ra từ nay đến ngày 19/2/2022. PH, GV và những người làm về giáo dục quan tâm chuỗi hội thảo có thể tham khảo tại website: https://dxcenter.org.vn/

Hồng Như