Vấn đề lưu trú của người lao động khi trở lại bình thường mới
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 15/09/2021
Muốn có việc làm, người lao động tự lo nơi cư trú
Muốn thực hiện giải pháp “ba tại chỗ” hay “một cung đường - hai điểm đến”, chủ doanh nghiệp phải thuê khách sạn gần nơi sản xuất hay cho người lao động ăn ở tại nơi làm việc theo kiểu “dã chiến”. Rất ít DN có điều kiện thuê khách sạn vì chi phí cao, còn ăn ở tại chỗ đa số theo hình thức “cắm trại”, thiếu thốn nhiều thứ cơ bản và không tiện lợi cho công nhân.
Phải giãn cách lâu, công nhân không có việc làm hoặc thu nhập bị giảm do doanh nghiệp không duy trì sản xuất thì không có tiền trả tiền trọ, thậm chí không có tiền ăn, nên nhiều người phải tìm cách trở về quê. Phản ứng tức thời này là hợp lý đối với cá nhân nhưng hệ lụy chung sẽ làm thiếu lao động khi bình thường mới trở lại, đó là chưa kể người bị F0 có thể làm lây lan dịch bệnh và làm tăng gánh nặng cho người thân và địa phương nơi họ không còn cách nào khác là phải trở về. Tình trạng ấy đã xảy ra vài tháng trước ở Bắc Ninh, Bắc Giang, gần đây là tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Nhiều KCN tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Hải Phòng... diện tích đất rất lớn nhưng chủ yếu bố trí nơi sản xuất, còn công trình xanh, nơi lưu trú, các tiện ích xã hội khác như nhà trẻ, trạm xá thì lại rất hiếm, thậm chí không có, hay có trên quy hoạch để... xin giấy phép.
Mặc dù theo quy hoạch về KCN là phải có cơ sở hạ tầng xã hội bao gồm nhà ở cho công nhân và gia đình của họ, nhưng khi triển khai thì còn nhiều bất cập. Chủ các KCN và DN thuê đất dài hạn viện ra rất nhiều lý do để không xây khu lưu trú cho người lao động và cơ quan quản lý cũng... làm ngơ, chẳng có một chế tài nào.
Vì lợi ích trước mắt nên nhiều doanh nghiệp không muốn xây nhà cho công nhân, cho rằng việc trả lương cho người lao động là đã hoàn thành trách nhiệm xã hội, chỗ ở thì công nhân tự lo vì đã có đủ thu nhập, dù họ luôn biết nguồn lực con người là quyết định để tạo ra lợi nhuận và tính cạnh tranh của sản phẩm.
Các KCN ở gần khu đô thị thì công nhân người địa phương đã có nhà ở và được thụ hưởng cơ sở hạ tầng chung. Nhưng công nhân các KCN có đến 70% là người nơi khác đến, chỗ ở phải tự thuê mướn vì không có cách nào khác. Thường thì các khu nhà trọ cho công nhân rất chật chội, bí bức, rất dễ xảy ra cháy nổ, nhất là vào mùa khô nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đặc biệt là gia đình công nhân có trẻ nhỏ.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, thu nhập không có vì mất việc, thu nhập sụt giảm vì doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, nên nhiều lao động không thể bám trụ trong các khu nhà trọ để chờ qua giãn cách.
Những đợt giãn cách liên tục để phòng, chống dịch Covid-19 theo CT 16 của Chính phủ ở các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là ở TP.HCM, dù rất căng thẳng rồi cũng qua đi. Tất cả đều kỳ vọng tình trạng bình thường mới sẽ đến sau những tổn thất không nhỏ về người và của.
Để chống chịu được rủi ro trong tương lai
Chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phải quan tâm nhưng không thể không giải quyết những bất cập về vấn đề lưu trú của người lao động trong các KCN. Để phục hồi kinh tế - xã hội một cách bền vững thì không thể không tăng khả năng chống chịu rủi ro trong tương lai cùng với việc tạo việc làm và thu nhập tốt cho người lao động.
Trước hết, các KCN không được trì hoãn việc xây dựng công trình hạ tầng xã hội, như nơi lưu trú, nhà trẻ, công viên cây xanh, khu văn hóa, thể thao và các tiện ích khác. Con số hơn 3% đất phục vụ cho các công trình hạ tầng xã hội tại các KCN hiện nay là quá ít và chỉ khoảng một nửa các KCN triển khai những công trình đã quy hoạch này với đủ lý do như vì còn quá nhiều nỗi lo khác, các công ty phát triển cơ sở hạ tầng chưa làm hết trách nhiệm.
Thứ hai, những KCN gắn liền với đô thị, ngoài việc chuyển đổi thành KCN xanh hoặc phát triển cộng sinh với các dịch vụ đô thị thì Nhà nước cần có chính sách khuyến khích về giá thuế đất, về lãi vay ngân hàng để doanh nghiệp bất động sản đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
Thứ ba, phải hình thành mạng lưới xe buýt công cộng gắn với các KCN để đưa đón người lao động từ nơi lưu trú đến nơi làm việc. Điều này sẽ hạn chế giải pháp “một cung đường hai điểm đến” hoặc “ba tại chỗ” một khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Nếu làm được như thế còn góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông đang đè nặng trên các đô thị đông dân như TP.HCM và Hà Nội.
Thứ tư, với lượng công nhân quá đông nên cũng khó mà xây đủ chỗ ở trong các KCN. Do đó, phải chuẩn hóa những khu nhà trọ tư nhân ngoài các KCN bằng quy định đảm bảo không gian sống tối thiểu, đảm bảo vệ sinh và theo hướng giãn cách. Quy định này sẽ được khuyến khích thực hiện và đi đến bắt buộc đối với người cho thuê. Người thuê cũng phải đảm bảo rằng không gian nhà trọ chỉ đủ số người được ở theo quy định.
Chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phải quan tâm nhưng không thể không giải quyết những bất cập về vấn đề lưu trú của người lao động trong các KCN.
Biến chủng Delta và sau này có thể là các biến chủng khác của SARS-CoV-2 mạnh hơn và nguy hiểm hơn, nếu trong điều kiện bình thường mới không chuẩn bị những khu lưu trú với tiêu chuẩn tối thiểu ấy thì tình trạng có quá nhiều người lao động trong các nhà trọ nhiễm nCoV lại xảy ra như vừa qua tại Q. 7, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình (TP.HCM) hay các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh.
Sau cùng, KCN ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội phải giảm bớt lượng người lao động từ các địa phương khác đến bằng chiến lược thâm dụng lao động kỹ năng và công nghệ thay vì thâm dụng lao động giản đơn.
Muốn thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, vấn đề lưu trú theo hướng đảm bảo an cư bền vững cho người lao động phải được chú trọng và trước hết phải chăm lo nguồn lực con người.
(*) Đại học Kinh tế TP.HCM