Tổ hợp tín dụng: “Liều thuốc đặc trị” đối với doanh nghiệp

Trong nước - Ngày đăng : 08:00, 15/09/2021

Trong khi doanh nghiệp (DN) bị tác động xấu trực tiếp hoặc gián tiếp bởi đại dịch Covid-19 thì ngành ngân hàng (NH) lại kinh doanh tương đối khả quan, thanh khoản tốt, lợi nhuận cao. Để cùng chia sẻ khó khăn, ngành NH cần tham gia tích cực vào việc cung cấp vốn cho DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ.

Ngày 2/4/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 3/2021-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều NH đã thực hiện thông tư này và triển khai những chính sách thiết thực để hỗ trợ khách hàng.

Theo NHNN, trong năm 2020 các NH đã hạ lãi suất cho vay 1,2-1,5% và tiếp tục giảm lãi suất khoảng 0,5% trong 7 tháng đầu năm 2021. Mới đây, NHNN kêu gọi các NH giảm lãi suất mạnh hơn nữa trong những tháng cuối cùng của năm 2021 và NHNN sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng NH trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hằng tháng, đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết của hệ thống NH thương mại.

Những biện pháp trên của NHNN đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, với rất nhiều DN không thể vay tiền NH vì tài chính sa sút hay không có tài sản bảo đảm thì những biện pháp như giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ hay không chuyển nhóm nợ thì không có ý nghĩa.

Trong 7 tháng qua, cả nước có gần 80.000 DN tạm ngưng hoạt động hay phá sản. Với mức độ này, năm 2021 có thể có ít nhất 100.000 DN rời khỏi thị trường. Nguyên nhân đầu tiên của hiện tượng này là thiếu vốn hoạt động và mất khả năng thanh toán.

Vậy để giúp bảo toàn vốn và tài chính cho DN lúc này là gì?

Theo tôi, trước hết chính quyền TP.HCM cùng với NHNN chi nhánh TP.HCM cần khẩn cấp đưa ra kế hoạch thành lập tổ hợp tín dụng (THTD) có tính thí điểm cho toàn quốc. Các NH thương mại trên địa bàn đều phải tham gia tổ hợp này, với số tiền tương đương 4%/tổng dư nợ của mỗi NH.

Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng của TP.HCM khoảng 2,4 triệu tỷ đồng (ước tính tăng lên ít nhất 2,5 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2021). Với sự tham gia của tất cả NH thì THTD có thể có lượng tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN trên địa bàn thành phố. Mục tiêu chính của THTD không phải lợi nhuận mà là hỗ trợ DN đang gặp khó khăn.

NHNN làm đầu mối thiết lập THTD nhưng phải có một NH thương mại đứng ra quản lý. THTD phải có một hội đồng duyệt xét hồ sơ vay của DN. Khi hội đồng thuận duyệt một tín dụng thì NH sẽ cam kết giải ngân theo tỷ lệ tham gia vào THTD.

Vấn đề đặt ra là tiền đâu? Các NH hiện nay có thanh khoản rất tốt và trong nguồn vốn huy động có nguồn huy động lõi, được gọi là CASA - loại tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất rất thấp hoặc bằng không.

CASA của hệ thống NH Việt Nam chiếm khoảng 20% trên tổng vốn huy động. Một vài NH lớn có tỷ lệ CASA lên đến 40% tổng tiền gửi, nhiều NH khác khoảng 5-10% tổng tiền gửi của khách hàng. NH có thể lấy nguồn đó để tham gia THTD, từ đó cho vay với lãi suất khoảng 3-5%/năm.

Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP.HCM và Quỹ Bảo lãnh tín dụng Quốc gia hỗ trợ THTD để giảm thiểu rủi ro cho các NH. Trên phương diện quản lý rủi ro, những DN vay vốn từ gói này đa phần là DN đang yếu, nên phải có những tiêu chí định lượng và định tính để thẩm định DN có nhu cầu vay.

Những DN nào có vốn chủ sở hữu âm hay trong tình trạng phá sản không thể vay, vì có bơm bao nhiêu tiền cũng không thể cứu. NHNN sẽ cùng các NH xây dựng bộ tiêu chí phù hợp để thẩm định khả năng trả nợ của DN vay vốn, giúp những DN còn đủ sức tồn tại có thể phục hồi sau dịch bệnh.

Bên cạnh việc thẩm định khả năng trả nợ của THTD, một công cụ quan trọng để hạn chế rủi ro cho các NH tham gia THTD là cơ chế bảo lãnh tín dụng. Chính phủ đã có Quyết định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ, nhưng trong đó chỉ mới đề cập đến Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương. Cần phải có Quỹ Bảo lãnh tín dụng Quốc gia và có vốn điều lệ lớn đủ để bảo lãnh cho tất cả NH tham gia THTD. 

Tùy theo mức độ rủi ro của DN vay vốn, THTD có thể cho vay tín chấp và nếu cần có thể làm việc với Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP.HCM và Quỹ Bảo lãnh tín dụng Quốc gia để nhận bảo lãnh từ các quỹ bảo lãnh này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu