Mỹ kêu gọi các nước cam kết tiêm vaccine Covid-19 cho 70% dân số toàn cầu
Quốc tế - Ngày đăng : 09:03, 15/09/2021
Ông Biden trước đó đã thúc đẩy cam kết tài trợ 1 tỷ liều vaccine tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6, trong đó Mỹ sẽ cung cấp một nửa. Ảnh: Washington Post |
Tờ Washington Post cho biết, thông tin này được đề cập trong thư mời của Tổng thống Mỹ gửi tới các lãnh đạo thế giới, tổ chức quốc tế và các nhóm khu vực tư nhân sẽ dự hội nghị thượng đỉnh về vaccine Covid-19 tổ chức bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bắt đầu vào tuần này. Theo danh sách mục tiêu dự kiến trong thư mà Washington Post thu thập được, các mục tiêu này bao gồm viện trợ kit xét nghiệm, oxy và các vật phẩm khác với giá trị lên tới hàng tỷ USD dành cho các nước đang phát triển.
Trong khi đó, bản dự thảo mà Reuters thu thập được cho biết, Mỹ cũng sẽ kêu gọi các nước tài trợ và phân phối 1 tỷ bộ kit xét nghiệm vào năm 2022, đẩy nhanh cam kết cung cấp 2 tỷ liều vaccine được công bố trước đó, đồng thời kêu gọi các nước có "khả năng" tài trợ thêm 1 tỷ liều vaccine.
Các mục tiêu chính khác bao gồm đảm bảo ít nhất 1 trong số 1.000 người được xét nghiệm hằng tuần trước khi kết thúc năm 2021, kêu gọi các nước giàu hơn cung cấp 2 tỷ USD để tăng cấp ôxy hoá lỏng số lượng lớn, và tài trợ 3 tỷ USD thuốc điều trị Covid-19 trong năm 2022.
Link bài viết
Về phía khu vực tư nhân, dự thảo tài trợ 2 tỷ USD để tăng cường cung cấp các hệ thống ôxy vào cuối năm sau và cung cấp các bộ dụng cụ xét nghiệm ở các nước nghèo hơn với giá không quá 1 USD một bộ.
Các mục tiêu của Tổng thống Mỹ phù hợp với tham vọng của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), WTO và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhưng tham vọng hơn so với thực tế hiện nay, và cao hơn so với các mục tiêu đặt ra tại cuộc họp G7 ở Cornwall do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì.
Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận mục tiêu tiêm chủng 70%, nhưng không cho biết thêm chi tiết về hội nghị thượng đỉnh hoặc tài liệu. Tờ New York Times - nơi đầu tiên đưa tin về tài liệu dự thảo của ông Biden, cho biết thư mời dự hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 đã được gửi đi từ tuần trước.
Những mục tiêu kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh ông Biden tìm cách dập tắt chỉ trích quốc tế về kế hoạch tiêm mũi tăng cường của Mỹ vào tháng này. Cụ thể, người dân Mỹ sẽ được tiêm mũi thứ ba trong khi nhiều người khác trên thế giới chưa được tiêm mũi đầu tiên. Nếu được các cơ quan quản lý của Mỹ bật đèn xanh, kế hoạch tiêm mũi tăng cường của ông Biden sẽ bắt đầu ngày 20/9.
Tháng trước, IMF, WB và các tổ chức quốc tế khác đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới đẩy nhanh việc tiêm chủng. Các tổ chức này cảnh báo, hiện có ít hơn 2% dân số trưởng thành ở hầu hết các nước thu nhập thấp đã được tiêm vaccine, so với gần 50% ở các nước thu nhập cao. Ngoài ra, có chưa tới 10% số liều vaccine cam kết thực sự được vận chuyển.
Vaccine hiện được xem là vũ khí hiệu quả hàng đầu để chống lại Covid-19. Ảnh: Reuters |
Theo Our World in Data, khoảng 42,3% dân số thế giới (khoảng 3,2 tỷ người) đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Trên toàn cầu, 5,76 tỷ liều đã được tiêm và 33 triệu liều đang được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, mới chỉ 1,9% dân số ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom cũng kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm mũi tăng cường tới năm 2022. WHO cho biết, khả năng bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới “tiếp tục bị cản trở bởi lệnh cấm xuất khẩu, ưu tiên thỏa thuận song phương giữa các nhà sản xuất và các quốc gia, các thách thức liên tục trong việc mở rộng quy mô sản xuất của một số nhà sản xuất chính và sự chậm trễ trong việc nộp đơn để được phê duyệt theo quy định”.
Nếu ông Biden thành công kêu gọi các lãnh đạo thế giới quyên góp thêm 1 tỷ liều vaccine, cộng thêm gần 2 tỷ liều cam kết trước đó, mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới nhiều khả năng sẽ đạt được. Dự báo nguồn cung của WHO tổng cộng 2,6 tỷ liều sẽ được phát cho các nước thu nhập thấp vào cuối quý đầu tiên của năm 2022.