Smartphone sẽ tăng giá do thiếu hụt chip
Quốc tế - Ngày đăng : 01:17, 16/09/2021
Giá chip bán dẫn tiếp tục tăng
Mới đây, hãng sản xuất chip bán dẫn khổng lồ TSMC đã thông báo đến khách hàng về kế hoạch tăng giá sản phẩm lên 20%, trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục thiếu hụt. Đây sẽ là mức tăng giá mạnh nhất của công ty này từ trước đến nay. Tuy nhiên, thời gian tăng cũng như mức giá tăng sẽ khác nhau tùy thuộc vào khách hàng, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2022, với một số công ty nhận được thông báo của TSMC, việc tăng giá đã có hiệu lực ngay lập tức.
Được biết, khách hàng của TSMC sẽ có thời hạn đến ngày 1/10/2021 để thương lượng các khoản tăng giá. Cần nhắc lại rằng, trong những tháng cuối năm ngoái cho đến đầu năm nay, TSMC và các công ty sản xuất chip bán dẫn khác của Đài Loan đã tăng giá chip hơn 10%. Nhưng với nhu cầu chip vẫn tăng vượt nguồn cung, TSMC đã quyết định tăng giá thêm lần nữa.
Quyết định tăng mạnh giá chip lần nữa sẽ ảnh hưởng xấu đến các công ty sản xuất smartphone |
Động thái này tất yếu sẽ ảnh hưởng đến giá bán của các sản phẩm cuối cùng, như smartphone, ô tô hay các máy chơi game.
Việc tăng giá chip còn đến từ những lo ngại về khả năng sinh lợi sụt giảm, khi TSMC cho biết họ sẽ đầu tư thêm 100 tỷ USD trong ba năm tới để mở rộng sản xuất ở nước ngoài, mà chắc chắn sẽ tác động đến lợi nhuận trong ngắn hạn. Hiện công ty đang xây dựng một cơ sở sản xuất chip bán dẫn hiện đại ở bang Arizona, Mỹ và xem xét mở nhà máy ở Nhật Bản.
TSMC hiện là xưởng đúc chip dành cho nhiều khách hàng lớn như Qualcomm, Apple, Nvidia... với mức giá cao hơn 20% so với các xưởng đúc còn lại. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng chip xảy ra trên toàn cầu, các đối thủ của TSMC đã tăng giá chip, buộc TSMC phải chạy theo.
Khách hàng lớn như Toyota Motor đã thông báo cắt giảm sản lượng do thiếu chip bán dẫn. TSMC đã phản hồi bằng cách sẽ tăng sản lượng, nhưng cho biết sớm nhất cũng đến năm sau.
Smartphone sẽ tăng giá trước tiên?
Việc tăng giá smartphone theo sau giá chip tăng nếu có sẽ không quá bất ngờ, khi mà những năm gần đây công nghệ hiện đại đã được triển khai trên các dòng điện thoại thông minh và phụ thuộc vào việc sử dụng các dòng chip bán dẫn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chip liên tục tăng giá cũng như nguồn cung khan hiếm, giá smartphone trở nên cao hơn là tất yếu
Đầu năm nay, Chủ tịch hãng sản xuất điện thoại Xiaomi là Wang Xiang đã cảnh báo cuộc khủng hoảng chip toàn cầu có thể khiến công ty tăng giá các sản phẩm. Vì vậy, các dòng smartphone ra mắt từ nay đến cuối năm gần như chắc chắn có giá cao hơn so với sản phẩm tương tự bán ra cách đây một năm.
TSMC hiện là công ty sản xuất chip cho Apple, nhưng cho đến nay việc thiếu chip chưa gây ảnh hưởng đến công ty này. Mặc dù vậy, sự thiếu hụt dự kiến sẽ vẫn diễn ra trong năm tới và có thể gây khó khăn cho Apple, trong khi Foxconn cũng cảnh báo sẽ mất thời gian để giải quyết tình trạng mất cân bằng nguồn cung chip.
Việc tăng giá smartphone theo sau giá chip tăng nếu có sẽ không quá bất ngờ, khi mà những năm gần đây công nghệ hiện đại đã được triển khai trên các dòng điện thoại thông minh và phụ thuộc vào việc sử dụng các dòng chip bán dẫn.
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cũng từng cảnh báo những hạn chế về nguồn cung silicon sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán iPhone cũng như iPad. Theo ông Cook, sự thiếu hụt không phải ở bộ vi xử lý chính mà là chip cho các chức năng phụ như nguồn màn hình và giải mã âm thanh. Không chỉ Apple mà các nhà sản xuất nhỏ hơn như Lenovo, TCL của Trung Quốc và HMD Global của Phần Lan cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung.
Giống như Apple, Samsung thời gian qua cũng được hưởng lợi nhờ quy mô và quyền thương lượng giá với các hãng sản xuất chip. Nhưng khả năng Samsung chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn do sự thiếu hụt chip trên toàn cầu. Ông lớn điện tử Hàn Quốc này cũng cho rằng có sự mất cân bằng nghiêm trọng về cung cầu đối với chip trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Qualcomm cũng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đơn đặt hàng và điều này đã làm gián đoạn việc sản xuất smartphone giá rẻ và tầm trung của Samsung.
Sự thiếu hụt chip không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất smartphone mà còn cả máy chơi game và lĩnh vực ô tô. Sự thiếu hụt nguồn cung chip chủ yếu bắt nguồn từ dịch Covid-19, khi nhu cầu về thiết bị mạng gia đình và thiết bị điện tử tiêu dùng vượt quá mức ước tính do mọi người phải làm việc tại nhà. Điều này khiến một số doanh nghiệp dự trữ hàng hóa và hiện họ có nhiều hàng tồn kho hơn bình thường. Về tác động tổng thể đối với ngành điện thoại di động, dự kiến sự thiếu hụt chip sẽ làm giảm 10% so với dự báo của các hãng sản xuất smartphone.