Ngân hàng cần nâng room tín dụng, “bơm oxy” cho doanh nghiệp

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:52, 16/09/2021

Làn sóng Covid-19 thứ 4 bùng phát đã khiến doanh nghiệp (DN) cạn kiệt dòng tiền, vì thế, hơn lúc nào hết họ cần sự chia sẻ từ các ngân hàng (NH) mà cụ thể là những giải pháp thiết thực như nâng room tín dụng cho DN để tạo thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng cần nâng room tín dụng, “bơm oxy” cho doanh nghiệp

Chia sẻ tại toạ đàm “Giải pháp tạo dòng vốn vay tín dụng cho DN sống chung với Covid” do Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Câu lạc bộ Các nhà kinh tế tổ chức tối 15/9, các chuyên gia, DN, và cả NH cùng cho rằng đã đến lúc các NH phải đồng hành cùng DN, hỗ trợ giảm lãi suất, tăng nguồn vốn vay để DN có thể khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng qua, cả nước có hơn 85.000 DN tạm ngưng hoạt động. Theo dự báo của chuyên gia, năm 2021 có thể có ít nhất 100.000 DN rời khỏi thị trường mà nguyên nhân đầu tiên là vì thiếu vốn hoạt động và mất khả năng thanh toán.

Cần bơm “oxy” cho DN

Khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) với trên 21.500 DN và hộ kinh doanh (trong đó có 50% số DN tại TP.HCM) thực hiện cuối tháng 8/2021 cho thấy, có đến 69% (tương đương 14.890 DN) phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Và có đến 40% DN đang hoạt động chỉ đủ tiền duy trì dưới 1 tháng.

Khó khăn phổ biến nhất của các DN hiện nay là thiếu tiền trả tiền lương cho người lao động, trả lãi vay cho NH, trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, văn phòng... Có 40% DN phải vay NH để giải quyết những vấn đề trên. 

Đó là con số thống kế, còn trên thực tế, tại TP.HCM, nhiều DN, đặc biệt là DN ngành thực phẩm đang rất… khát vốn. Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết: “DN đã đuối rồi, không còn sức chống chọi. Trong số các DN còn sức chống chọi thì sức của họ cũng còn chưa đầy 30%. Nếu những gì bất cập, không đi vào thực tế vẫn còn và cơ quan chức năng không giúp cho DN có nguồn vốn hoạt động trong thời điểm này, chắc chắn vào dịp lễ Tết tới đây người dân TP.HCM sẽ thiếu thực phẩm”.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), Thành viên Tổ công tác phục hồi kinh tế Thành phố cũng xác nhận các DN TP.HCM hiện nay rất cần tiếp thêm vốn vì nguồn vốn của các DN đã cạn kiệt.

“DN cần NH bơm một lượng vốn lớn để có thể phục hồi sản xuất. Lâu nay, các DN vay vốn bằng thế chấp tài sản nhưng hiện nay hầu hết các tài sản này đều nằm ở NH. Vì vậy, DN không còn gì để bảo đảm các khoản vay thêm”, ông Chu Tiến Dũng thông tin. 

VTDZ1412-7036-1631777950.jpg

DN cần NH "bơm oxy" để qua cơn ngắc ngoải

Đứng ở góc độ một chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét hiện có rất nhiều DN không thể vay tiền NH vì tài chính sa sút hoặc không có tài sản thế chấp. Vì thế, những biện pháp như giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ hoặc không chuyển nhóm nợ không còn ý nghĩa, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ. 

Ông Đào Gia Hưng - phụ trách khối Khách hàng DN, NH VP Bank cho biết ông đã trực tiếp làm việc với những DN nhỏ, hộ kinh doanh - phân khúc khách hàng chịu tác động nhiều nhất từ Covid-19 và thấy có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là DN không trả được nợ, dòng tiến bị đứt trong khi tài sản của DN thì… “nằm một đống”. Vì vậy, lúc này, các DN rất cần được NH “bơm oxy” để qua cơn ngắc ngoải.

Tăng room tín dụng 

Cũng theo ông Đào Gia Hưng, cộng đồng DN cũng có DN nhỏ, DN lớn, DN khoẻ, DN yếu vì thế khi có chính sách hỗ trợ phải phân loại DN. Nếu DN có ý chí vươn lên, có thể tồn tại qua đại dịch thì xứng đáng được hỗ trợ. 

“Những DN đã cạn kiệt nên mạnh dạn chuyển trạng thái. Những DN còn khả năng hoạt động nếu được hỗ trợ kịp thời sẽ bùng lên như lò xo nén sau khi kinh tế mở cửa. Với loại DN này, cần giảm lãi suất 2%, 3% và có nguồn tiền giúp họ giải quyết nợ vay. Và điều này cần “bàn tay hữu hình” của Chính phủ”, ông Đào Gia Hưng nói.

Ngoài giảm lãi suất, theo nhiều DN, cần nâng room tín dụng gồm hạn mức và tài sản lên thêm 10-15% (trần 100% hoặc hơn) để DN có tiền hoạt động. Với những DN vẫn còn duy trì thanh khoản cũng nên bơm vốn cho họ.

Ông Nguyễn Thành Nhân - Giám đốc khối Khách hành DN, NH Bản Việt cho biết, để giúp DN tiếp cận nguồn vốn khi hoạt động kinh doanh mở lại là rất cần thiết, bởi động lực phát triển kinh tế đến từ 30% DN cá thể tiến dần đến DN, 40% từ các DN nhỏ và vừa.

Ngay từ ngày đầu thành lập, Bản Việt đã xác định đồng hành cùng DN. Từ năm 2020, Bản Việt đã đồng hành cùng DN nhỏ và vừa bằng chính sách giảm lãi vay cho các DN từ 0,5-2%. Năm 2021 này, Bản Việt còn áp dụng một số chính sách đặc thù cho DN ngành xây dựng, DN xuất nhập khẩu… 

san-xuat-1292-1631777950.jpg

DN đang cần được nâng room tín dụng để khôi phục sản xuất

“Cần hỗ trợ tư vấn cấu trúc tài chính cho DN nhỏ để họ nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn kinh doanh khi mở lại kinh tế. Các NH nên kéo giãn, kéo dài thời gian trả nợ… NH có thể cho vay thêm, cho vay mới, kéo dài thời gian, tăng hạn mức hiện hữu lên 10% khoản vay trên tài sản bảo đảm. Chúng tôi mạnh dạn nâng 100% giá trị tài sản để DN có thêm 10% hạn mức vay để trả lương, nguyên vật liệu…”, ông Nguyễn Thành Nhân cho biết. 

Cũng theo ông Nhân, để nhận được sự hỗ trợ của NH, các DN cũng nên chứng tỏ sự nỗ lực nội tại. Nếu các DN không có động lực phát triển, không chủ động tìm ra những hướng kinh doanh mới thì rất khó khôi phục sản xuất. “Trong thời điểm chuẩn bị mở cửa lại kinh doanh, DN cần rà soát, đánh giá lại tình hình nhân sự, mức độ ảnh hưởng để có hướng đi mới. Bên cạnh đó là việc đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh”, ông Nhân tư vấn.

Trong khi đó, theo ông Phan Đình Tuệ - Phó tổng giám đốc NH Sacombank, NH đang có chính sách hỗ trợ DN với mức lãi suất từ 0,5-2%. Các DN vay vốn được phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là DN ít bị ảnh hưởng, hoạt động tương đối và cầm chừng, NH có thể tăng tỷ lệ tài trợ trên tài sản bảo đảm lên 80%, 90%, 100% hoặc thực hiện cho vay bằng nguồn thu dòng tiền...

Nhóm thứ hai là khách hàng “bị tê liệt” như DN ngành vận tải, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí, rạp chiếu phim…, việc cho vay vốn là rất khó. Vì vậy, NH chỉ có thể cho vay khi thoả các điều kiện vay vốn, như kế hoạch kinh doanh hiệu quả, có năng lực tài chính… 

Cấp thiết thành lập Tổ hợp Tín dụng 

Để cung cấp vốn cho DN trong thời điểm khó khăn này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng đề xuất NH Nhà nước cùng với Hiệp hội NH Việt Nam chủ trì thành lập một Tổ hợp tín dụng (THTD) 100.000 tỷ đồng cho TP.HCM và 300.000 tỷ đồng dành cho cả nước. 

DSC-0455-4015-1631777950.jpg

Nguồn tiền là một trong những vấn đề quan trọng nhất của DN hiện nay

Vốn của THTD lấy từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn CASA (tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất rất thấp hoặc bằng 0) của tất cả các NH thương mại tại Việt Nam và các nguồn tài trợ từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Trong đó, NH thương mại tham gia với tỷ lệ 3% trên tổng dư nợ mỗi NH.

Để hoạt động hiệu quả, các NH chọn một NH có uy tín và khả năng điều hành. Với THTD này, các DN có thể vay tín chấp với lãi suất 3-5%, trong 2 năm đầu trả lãi và 3 năm sau trả dần cả gốc và lãi. Để giảm thiểu rủi ro cho các NH, THTD liên kết và nhận bảo lãnh từ các Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương (theo Nghị Quyết 34/2018). 

“Với hạn mức 100.000 tỷ đồng cho TP.HCM, THTD có thể giúp cho hàng chục nghìn DN đang lao đao hiện nay. Phải chung tay, sát cánh cùng với DN giúp họ vượt qua khó khăn lần này”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Chu Tiến Dũng cho rằng, THTD giống như hình thức của Quỹ tín dụng vay kích cầu đầu tư của TP.HCM đã thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, Quỹ này hiện chỉ hỗ trợ đầu tư chứ không hỗ trợ vốn lưu động cho DN, mặt khác, Quỹ này chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như công nghệ hỗ trợ, y tế, giáo dục, chuyển đổi số… “Vì thế, chúng tôi đề xuất TP.HCM mở rộng Quỹ này cho DN vay vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Chu Tiến Dũng nói.

Hồng Nga