Để giải quyết nguồn nhân lực trong đại dịch
Xu hướng - Ngày đăng : 07:00, 16/09/2021
Thực tế cho thấy, muốn duy trì sản xuất, kinh doanh, DN phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây đối với nguồn nhân lực.
An toàn. Trước hết, để người lao động an tâm làm việc, DN phải tạo ra môi trường làm việc an toàn, tránh lây nhiễm chéo. Có thể xem đây là nhân tố hàng đầu mà DN cần phải ưu tiên nếu muốn giữ nguồn nhân lực. Muốn vậy người lao động phải được ưu tiên tiêm vaccine.
Ngoài nguồn vaccine do Nhà nước cung cấp, DN nên chủ động tìm kiếm nguồn vaccine riêng. DN lớn có thể đàm phán trực tiếp với nhà sản xuất để mua vaccine, DN nhỏ có thể thông qua hiệp hội ngành nghề để tìm kiếm sự hỗ trợ vaccine. Hiện nay, Chính phủ có chủ trương hỗ trợ DN đàm phán mua vaccine nên hướng đi này là khả thi. Trong điều kiện chưa được tiêm vaccine, người lao động cần được xét nghiệm định kỳ hay đột xuất, được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, nơi làm việc phải thực hiện triệt để 5K.
Bảo hiểm. Bảo hiểm y tế cho nhân viên và người nhà của họ là vấn đề mà người lao động rất quan tâm trong đại dịch. Lâu nay, DN chỉ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động theo luật định, nhưng trong tình hình hiện nay, cần mua thêm cho nhân viên và gia đình họ các gói bảo hiểm đặc biệt.
Theo quy định hiện hành, bệnh nhân Covid-19 được Nhà nước điều trị miễn phí nên DN có thể mua các gói bảo hiểm sau điều trị cho cả người lao động và gia đình họ vì khi họ chấp nhận làm việc thì cả gia đình đều phải gánh chịu rủi ro lây nhiễm.
Sức khỏe tinh thần. Chủ DN cần quan tâm hơn về sức khỏe tinh thần cho người lao động thông qua chương trình tư vấn nội bộ hoặc thuê chuyên gia tư vấn. Đây là vấn đề hoàn toàn mới đối với DN. Lâu nay, DN chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất của người lao động mà lơ là vấn đề sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, người lao động phải làm việc trong điều kiện bất an, luôn lo lắng về sức khỏe bản thân và gia đình, áp lực về tài chính sẽ dẫn đến stress, lâu ngày sẽ mất dần động lực làm việc nên có thể nghỉ việc bởi căng thẳng kéo dài, vì thế rất cần chuyên gia tâm lý để giúp giải tỏa áp lực, tiếp nhận năng lượng tích cực.
DN cần xây dựng kế hoạch làm việc linh hoạt để người lao động có thể sắp xếp thời gian phù hợp, không cứng nhắc khung giờ như trước đây. Do dịch bệnh, người lao động cần có thêm thời gian để chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái vì không đến trường được, nên chế độ làm việc linh hoạt sẽ giúp họ chủ động lựa chọn ca kíp phù hợp với hoàn cảnh cá nhân.
Đánh giá mức độ hoàn thành công việc (KPI) cũng cần linh hoạt hơn vì trong điều kiện làm việc bị hạn chế, năng suất lao động, hiệu suất công việc sẽ giảm nên cách đánh giá KPI cần thay đổi theo hướng đơn giản, giảm tiêu chí để người lao động có thể hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Đào tạo. Đào tạo cũng là một sự lựa chọn thông minh để giữ nguồn nhân lực. DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tạo thêm kỹ năng cho người lao động hoặc đào tạo để chuyển đổi nghề giữa các nhóm lao động nhằm thay thế lực lượng lao động bị thiếu hụt.
Chương trình đào tạo cần bổ sung kiến thức cơ bản về sức khỏe tinh thần, kiến thức về các bệnh dịch để người lao động không hoang mang, lo lắng. Quy trình đào tạo có thể tiến hành online thông qua các kênh phổ biến hiện nay như Zoom, Google Meet... nên sẽ tiết kiệm được chi phí và tránh lây lan dịch bệnh.
Giao tiếp. Chủ DN và lãnh đạo cấp cao, cấp trung phải giữ kết nối, giao tiếp thường xuyên với người lao động để kịp thời động viên, xử lý tình huống nảy sinh. Giao tiếp thường xuyên sẽ giảm trạng thái lo lắng, căng thẳng đối với người lao động, đồng thời giúp người lãnh đạo có quyết sách kịp thời xử lý tình huống, đặc biệt là sự cố về sức khỏe.
Giao tiếp thường xuyên giúp người lao động cảm thấy được sự quan tâm, chăm sóc, là sợi dây kết nối bền chặt giữa người lao động và chủ DN. Công nhân ở một số KCN vượt cổng bỏ ra ngoài khi nghe thông tin có ca dương tính tại nơi làm việc là bài học đắt giá đối với DN do không nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời tình huống phát sinh.
Hài lòng. Tạo động lực, mang đến sự hài lòng trong công việc cũng là nhân tố không thể thiếu trong việc giữ chân người lao động. Các chế độ lương, thưởng, nghỉ phép trong giai đoạn này phải được nâng lên một bậc so với lúc bình thường để động viên người lao động.
Nếu vẫn giữ nguyên chế độ lương, thưởng, phúc lợi như bình thường e rằng DN khó mà giữ được người trong tình hình thiếu nhân lực trầm trọng như hiện nay. Người lao động đòi hỏi có mức thu nhập cao hơn đủ để có thể chấp nhận rủi ro và cần có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn nhằm giải tỏa căng thẳng, phục hồi sức khỏe.
Đây là gánh nặng tài chính của DN khi vừa bị giảm quy mô sản xuất vừa đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng trong tình hình hiện nay thì không có sự lựa chọn nào tốt hơn.
Các chế độ lương, thưởng, nghỉ phép trong giai đoạn này phải được nâng lên một bậc so với lúc bình thường để động viên người lao động. Nếu vẫn giữ nguyên chế độ lương, thưởng, phúc lợi như bình thường e rằng DN khó mà giữ được người trong tình hình thiếu nhân lực trầm trọng như hiện nay.