Sẽ vượt qua đại dịch

Quốc tế - Ngày đăng : 09:00, 18/09/2021

Những ngày này, tôi luôn mở Messenger để nhận tin nhắn từ quê nhà. Tin nhắn từ những người bạn trong nhóm “Hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà” và “Trạm oxy cộng đồng” đã cập nhật thông tin về tình hình các bác sĩ và tình nguyện viên đang giúp đỡ những ca F0 ở Sài Gòn cách ly điều trị tại nhà, do quá tải tại nhiều bệnh viện.

Thời gian qua, tại Mỹ, tình hình ở Kabul và việc hỗ trợ người tị nạn từ Afghanistan vừa đến Mỹ là chủ đề nóng hổi và được quan tâm nhiều nhất, nhưng cũng nóng không kém là đại dịch Covid-19, khi mà biến chủng Delta đang hoành hành xứ này. 

Vừa viết, tôi vừa nhìn con số cập nhật trong ngày tại một trang báo điện tử tại Việt Nam: 11.429 ca nhiễm nCoV trên cả nước Việt Nam, trong đó TP.HCM có 5.368 ca, rồi nhìn sang cửa sổ The New York Times, thấy thông báo 160.041 ca toàn nước Mỹ, trong đó nặng nhất là tiểu bang Florida (dân số gấp gần 2,5 lần TP.HCM) với 20.930 ca.

Đã trở thành công dân Mỹ, thế nhưng trong thâm tâm, tôi lo lắng nhiều hơn cho Việt Nam, và càng nhiều hơn cho Sài Gòn - quê nhà của tôi. Dù tỷ lệ nhiễm bệnh có cao hơn, nơi tôi đang sống vẫn có điều kiện tài chính để phòng ngừa bệnh lan rộng, lại có đầy đủ vaccine.

Khay gỗ được thiết kế hình chiếc lá dùng làm quà tặng những nhà hảo tâm

Khay gỗ được thiết kế hình chiếc lá dùng làm quà tặng những nhà hảo tâm

Giữa bộn bề công việc, lo bài vở cho sinh viên và nhiều việc riêng của gia đình, tôi vẫn không ngừng dõi theo những người bạn trong group chat trao đổi về việc xin giấy tờ đi lại khá rắc rối, việc thiếu tình nguyện viên và cả thiếu tiền để mua thuốc lẫn nguồn oxy giúp những người bị F0 ở TP.HCM đang tự chữa trị tại nhà.

Tôi thầm nể phục Vy Phạm - cô bạn hàng xóm từng học Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, giờ là chuyên viên thống kê y tế tại Mỹ. Dù bận rộn nuôi dạy con nhưng Vy đã làm việc liên tục cùng nhóm thiện nguyện để gây quỹ, đã mua và gửi về Việt Nam hơn 100.000 khẩu trang N95 cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.

Một bạn khác là Vinh Nguyễn, đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, cũng ở trong số những người tất bật nhất với các chương trình tư vấn và vận hành các nhóm y tế thiện nguyện tại Việt Nam.

Nhóm HEVN (Healthcare and Education For Vietnam - Chăm sóc y tế và giáo dục cho Việt Nam) do chị Vinh và Vy thành lập đã liên kết với những bác sĩ độc lập cùng sinh viên các trường đại học để cung ứng thuốc và oxy miễn phí đến người nhiễm Covid-19 ở TP.HCM. Nhóm đã làm việc không ngừng nghỉ từ mấy tuần nay. Hai phụ nữ này cùng rất nhiều người Việt trẻ tại Mỹ mà tôi biết, dù làm việc toàn thời gian vào ban ngày, vẫn liên tục trao đổi, tư vấn và kết nối các nhóm và cộng đồng tại Việt Nam.

Họ đã kiên trì xử lý từng việc dù nhỏ để các tình nguyện viên có được giấy phép đi đường nhằm đưa thuốc đến tận nhà, đồng thời cho biết ý kiến chuyên môn về tình trạng sức khỏe của người nhiễm Covid-19. Đằng sau một Sài Gòn im ắng vì đại dịch, có những “con ong bé nhỏ” bận rộn ở khắp nơi ngoài biên giới Việt Nam cùng làm việc liên tục, đỡ đần một phần nào đó gánh nặng đang đặt trên vai của chính quyền và người dân Sài Gòn. 

Hầu hết hội nhóm người Việt tại Mỹ rất năng nổ, các thành viên đã gây quỹ từ cộng đồng Việt kiều và du học sinh, và cũng đã bắt đầu các chương trình hỗ trợ Sài Gòn từ sớm khi tôi còn loay hoay giữa thời khóa biểu kín mít của mình. Khi tôi hở tay được một chút thì mọi người xung quanh đã gửi hỗ trợ về Việt Nam bằng cách này hoặc cách khác.

Tôi thầm nghĩ, không phải chỉ có người Việt mình mới quan tâm về nhau. Tôi đề nghị chồng giúp mình thực hiện một đợt xin tiền từ bạn bè và các gia đình thân quen để tặng HEVN, giúp họ có thêm ngân sách mua thuốc và thiết bị y tế chăm sóc người bệnh không có điều kiện chữa trị ở Sài Gòn. Bọn tôi bắt đầu từ một bài viết và những hình ảnh các tình nguyện viên trao thuốc, gắn bình oxy và cả những giọt mồ hôi lăn trên trán các em giữa trưa hè nóng bức trong những bộ đồ bảo hộ kín mít ở Sài Gòn. 

Chồng tôi dành hai buổi tối thiết kế và dùng máy cắt CNC tại nhà tạo ra những chiếc khay gỗ thông hình chiếc lá làm quà tặng các nhà hảo tâm. Bọn tôi quay video những chiếc khay, nhưng thực ra là kể cho gia đình, bạn bè người Mỹ biết về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và ở quê tôi - Sài Gòn.

Một đêm sau khi đăng video lên mạng, chúng tôi nhận được một khoản tiền gửi tặng từ nhiều người, trong đó có 600 USD từ những người bản xứ. 600 USD chỉ là một hạt cát giữa biển tình thương mênh mông rất nhiều người muốn gửi đến Việt Nam, gửi đến Sài Gòn, nhưng hơn hết, nó sưởi ấm lòng và giúp tôi biết rằng Sài Gòn không một mình chống lại đại dịch. 

Khi tôi gửi tin nhắn cảm ơn người chị dâu Christy chưa bao giờ gặp, chị đã gửi tặng Sài Gòn 100 USD sau khi xem video của vợ chồng tôi và chỉ đơn giản trả lời "Service to others is rent we pay for our room here on earth" (Hỗ trợ người khác chỉ là một khoản tiền chúng ta trả cho việc cùng chia sẻ cư ngụ tại trái đất này). 

Với những tấm lòng như của Christy và nhiều người khác, tôi biết Sài Gòn của mình sẽ vượt qua được những ngày đau thương này.

(*) Từ St. Louis, Missouri, Mỹ

Vũ Violet (*)