Họa sĩ Gabriel Dufourcq: Vẽ tranh trên giấy báo
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 04:30, 18/09/2021
Họa sĩ Gabriel Dufourcq tại phòng tranh. Ảnh: Luxuo |
Từ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh thành họa sĩ
Gabriel Dufourcq là người gốc Pháp. Năm 13 tuổi, anh đến Singapore và hiện đang phát triển sự nghiệp tại đây. Khi được hỏi lý do anh trở thành nghệ sĩ, Gabriel cho biết: “Tôi học kinh tế và thống kê. Con đường nghệ thuật của tôi dần bộc lộ bởi nhu cầu muốn kết nối các ý tưởng và cảm hứng để tạo ra một thứ gì đó giá trị”.
Nhờ kiến thức về kinh tế và bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA), Gabriel tiếp cận cuộc sống một cách toàn diện hơn và phát triển hình ảnh theo phong cách riêng. Anh sử dụng báo cũ làm giấy vẽ và chọn các màu sắc tươi sáng để khắc họa thành tranh, tạo thành hai tầng ý nghĩa trong mỗi tác phẩm.
Đầu tiên, khi nhìn vào bức tranh người xem dễ dàng thấy những biểu tượng đơn giản được lặp đi lặp lại theo một quy luật nhất định để tạo thành các hình ảnh cụ thể. Sau đó là những thông tin trên các tờ báo có tuổi đời từ 150 - 200 năm.
Chẳng hạn khi vẽ khuôn mặt nhà cầm quyền Maharaja của Ấn Độ, Gabriel dùng màu hồng dạ quang vẽ lên giấy báo cũ của Ấn Độ, sản xuất từ TK XIX. Với anh, những bức tranh như thế là quá trình du hành thời gian bởi có sự tương phản giữa giấy - tài liệu buồn tẻ với màu sắc rực rỡ, hiện đại.
Các bức tranh của Gabriel Dufourcq tại phòng trưng bày |
Gabriel chia sẻ: “Người truyền cảm hứng cho tôi không phải là một họa sĩ hay tên tuổi nổi tiếng nào mà là cố vấn - người đã hướng dẫn tôi trong khoá học MBA. Thầy luôn nhắc tôi về khái niệm ‘kích thích sự sáng tạo’. Đó là nguyên tắc xuyên suốt giúp tôi có được những ý tưởng như hiện tại”.
Khi vẽ tranh, Gabriel thường nghĩ đến cuộc sống của chính anh và vẽ những điều mà anh muốn khám phá về thế giới. Bởi trên thực tế, nghệ sĩ cũng là người xem tranh với những nhu cầu và sự tò mò. Bức tranh càng chứa đựng nhiều sự mới lạ, càng dễ dàng giúp người xem hòa vào thế giới nghệ thuật của nghệ sĩ.
Vì vậy, Gabriel luôn cố gắng khơi gợi cho người xem hơn là bày ra những gì sẵn có. Anh tạo ra nhiều tầng ý nghĩa cho tác phẩm để người xem có thể thưởng thức những giá trị cả về nghệ thuật lẫn lịch sử.
Dùng tranh lưu giữ lịch sử
Gabriel bắt đầu sự nghiệp hội họa bằng những tác phẩm đơn giản. Anh cắt các ảnh chụp trên báo cũ và ghép chúng lại với nhau, sau đó phủ lên một lớp sơn, tạo nên sự tương phản giữa nền và hình ảnh. Cứ như thế, Gabriel dần cải tiến kỹ thuật vẽ và trực tiếp thể hiện hình ảnh lên các tờ báo cũ hàng trăm năm do chính anh sưu tầm.
Quá trình thu thập và xây dựng kho lưu trữ lịch sử này đối với Ganriel là một khó khăn, cả về vật chất lẫn thời gian. Có những tờ báo cũ anh phải chi hàng nghìn USD để mua từ những cuộc đấu giá hoặc từ các nhà sưu tập đồ cổ. “Tôi muốn dùng tác phẩm của mình để thu hút sự quan tâm của mọi người về lịch sử và nhắc nhở họ tìm hiểu cụ thể những điều đang diễn ra. Câu hỏi về nguồn gốc và điều gì đã xảy ra là trọng tâm trong những bức tranh của tôi” - Gabriel chia sẻ.
Chân dung Nữ hoàng Elizabeth |
Đầu thế kỷ XXI, người ta nhắc nhiều đến cựu vận động viên quyền anh Muhammad Ali hay diễn viên Marilyn Monroe nhưng ít người biết câu chuyện đằng sau cái tên của họ. Gabriel đã dùng những bức tranh của anh giúp người xem khám phá điều thú vị này.
Với bức chân dung của Muhammad Ali, anh dùng 300 nhan đề của nhiều tờ báo viết trong những giai đoạn khác nhau, ghép chúng lại tạo thành nền cho nét vẽ. Qua đó, góp phần “hồi sinh” những yếu tố liên quan đến Ali, giúp người xem nhận biết thêm nhiều điều về nhân vật này nếu họ nhìn kỹ vào những dòng chữ ở phần nền.
Khi xác định theo đuổi dòng tranh này, Gabriel bị cuốn hút bởi quá trình nổi tiếng của các nhân vật hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Do đó, anh đã sưu tập thông tin và vẽ khá nhiều về họ. Trong đó có chân dung của Nữ hoàng Elizabeth, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Winston Churchill, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu…
Sau này khi đã thành thạo hơn, anh chuyển sang các nhân vật có ảnh hưởng trong bối cảnh hiện tại và được báo chí quan tâm. Muhammad Ali là một ví dụ.
Chân dung cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu |
Xuyên suốt quá trình vẽ tranh trên giấy báo, Gabriel hướng đến mục tiêu duy nhất là tạo ra cuộc đối thoại giữa các yếu tố lịch sử và đương đại. Anh luôn muốn đưa màu sắc, hình ảnh và phong cách nghệ thuật của hiện tại vào ký ức với chất liệu từ quá khứ.
“Tôi đang thể hiện quá trình ‘trở lại tương lai’ trong các tác phẩm nghệ thuật của mình bằng cách tạo ra các cuộc đối thoại giữa hai khoảng thời gian rất khác nhau, TK XXI và TK XVIII hoặc TK XIX và TK XX” - Gabriel nói.
Chân dung cựu Tổng thống Obama |
Hiện Gabriel đang tập trung vẽ các biểu tượng là robot thay vì chân dung người thật. Anh cho rằng hình ảnh robot là thông điệp để người xem tranh chiêm nghiệm và tự suy ngẫm về tương lai khi robot có thể bổ sung hoặc thay thế hoạt động của con người.
“Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các cuộc triển lãm của tôi tại Hội chợ nghệ thuật New York và Paris đều bị hoãn. Nhìn theo hướng tích cực, đây là thời gian để tôi hoàn thiện phong cách để tạo nên cột mốc quan trọng vào cuối năm. Tôi đang kỳ vọng vào sự bứt phá của bộ tranh robot” - Gabriel nói.
Một bức tranh vẽ Robot trên giấy báo cũ của Gabriel Dufourcq |
Nếu các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, tháng 11 năm nay, Gabriel sẽ tham gia Hội chợ nghệ thuật tại Singapore. Trong năm 2022, anh sẽ có nhiều cuộc triển lãm tại châu Âu như Hoa Kỳ, London và Paris.