"Oxy" nào cho người lao động mất việc làm?
Doanh nhân viết - Ngày đăng : 06:00, 22/09/2021
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến việc giãn cách xã hội tại TP.HCM và nhiều tỉnh miền Nam đã kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Giãn cách, phong toả diện rộng và kéo dài khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn và tình hình này không thể tiếp tục kéo dài.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của TP.HCM tháng 8/2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%...
Sự suy giảm nghiêm trọng của sản xuất, của lưu thông và hơn thế là của những hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ đã khiến một bộ phận NLĐ gặp muôn vàn khó khăn, buộc phải nghĩ muôn phương ngàn kế tìm cách mưu sinh. Tham gia mua bán, hoạt động trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) được rất nhiều NLĐ lựa chọn, đặc biệt là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Chợ online các quận bùng nổ trên mạng xã hội trong thời gian giãn cách suốt hơn 2 tháng qua |
Điều đáng nói, những hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ chuyển đổi thói quen từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online gần như tự phát và chưa nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước.
Một số DN, tổ chức vì trách nhiệm xã hội mở các chương trình đào tạo trực tuyến về kỹ năng TMĐT, lập tức thu hút đông đảo nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia.
Từ tháng 6/2021, Tổ chức tư vấn tái cấu trúc - chuyển đổi số Dr.SME, Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN (ASEAN Academy) và Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cộng đồng (TOTA R&D) phối hợp với Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội và cộng đồng chuyển đổi số DN tổ chức nhiều chương trình bổ trợ kiến thức về chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng bán hàng online, livestream trực tuyến thông qua các buổi workshop và tập huấn trực tuyến cho hàng ngàn người người là chủ các đơn vị sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản và sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh lân cận.
Những chương trình như thế này đã giúp đỡ được nhiều NLĐ, cơ sở kinh doanh thay đổi thói quen cũ và chuyển sang thói quen mới: kinh doanh trên môi trường số. Nhờ được trang bị những kỹ năng mới, NLĐ, đơn vị sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ có thể kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí trong thời kỳ đại dịch.
Điều đáng nói ở đây là những động thái hỗ trợ như Dr.SME, ASEAN Academy và TOTA R&D xuất phát từ thiện chí của những đơn vị am hiểu công nghệ. Thế nhưng, nhìn rộng trên cả nước, lòng tốt không thể vô tận và bản thân các đơn vị này cũng phải giải bài toán duy trì bộ máy hoạt động và nuôi nhân viên khi việc giãn cách kéo dài.
Số lượng NLĐ mất việc làm, các đơn vị kinh doanh cần được giúp đỡ tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn rất nhiều. Và họ cần hỗ trợ nhiều hơn, không chỉ là những gói cứu trợ để tồn tại trong dịch mà còn là phương thức để "sống", để có thể nghi cùng dịch.
Với những người chẳng may trở thành F0 cấp độ nặng, họ cần oxy để giành lại sự sống, còn với những NLĐ chưa được trở lại làm việc, những cơ sở sản xuất kinh doanh tạm đóng cửa vì giãn cách xã hội, đâu là “oxy” giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn này?
Đây là câu hỏi bỏ ngỏ rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương.
(*) CEO The Smart Light & DUCAPITAL Holding