Tin kinh tế ngày 24/9: Giám sát chặt chẽ các cổ phiếu có giao dịch bất thường
Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 24/09/2021
Giám sát chặt chẽ các cổ phiếu có giao dịch bất thường
Vụ Giám sát thị trường chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, các cổ phiếu có giao dịch bất thường sẽ được nhiều cơ quan phối hợp giám sát chặt chẽ, qua nhiều cấp. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, cơ quan quản lý sẽ tiến hành thanh tra hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra và xử lý theo quy định.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với hai Sở Giao dịch Chứng khoán thực hiện phân tích, đánh giá, tổ chức kiểm tra để làm rõ các giao dịch có dấu hiệu bất thường của cổ phiếu trên thị trường, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
TP.HCM rút ngắn khoảng cách tiêm hai liều vaccine AstraZeneca còn 6 tuần
UBND TP.HCM vừa có văn bản thống nhất đề xuất của Sở Y tế TP.HCM về việc rút ngắn khoảng cách hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca. Theo đó, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine mũi 2 cho người dân, Sở Y tế đã đề xuất áp dụng đối với người tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca thì khoảng cách tiêm mũi 2 (bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer) tối thiểu là 6 tuần. Được biết, AstraZeneca là vaccine đầu tiên được triển khai tiêm chủng tại TP.HCM. Đến nay, đây là vaccine có số lượng tiêm chủng lớn nhất tại thành phố.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn đầu tư hạ tầng giao thông
Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc huy động vốn triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông. Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện nghiên cứu, xem xét, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp, trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.
Để tháo gỡ khó khăn, các DN đề xuất sớm ban hành thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập DN, trong đó có xét đến điều khoản hồi tố cho các dự án BOT đã đưa vào vận hành, khai thác để nhà đầu tư được ghi nhận, phân bổ chi phí lãi vay.
Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau Covid-19
Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương căn cứ những phân tích, đánh giá về tiềm năng, triển vọng thị trường xuất khẩu của Bộ Công Thương và theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, hỗ trợ các DN triển khai tổ chức sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu trên địa bàn để khai thác cơ hội thị trường xuất khẩu thời gian tới; khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19, trong đó ưu tiên nhóm hàng nông sản, lâm sản và thủy sản.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, DN nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản, lâm sản, thủy sản và xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19 của các địa phương.
TP.HCM: Hơn 120 dự án nhà ở đình trệ nửa thập niên
Trong 5 năm 2015-2020, TP.HCM ghi nhận 126 dự án dự án không được công nhận chủ đầu tư vì vướng quy định phải có 100% đất ở, trong khi phần lớn đất dự án thường xen cài nhiều mục đích sử dụng. Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, có đến khoảng 95% tổng số dự án nhà ở thương mại do không có 100% đất ở, nên không được công nhận chủ đầu tư, đồng nghĩa với việc không thể triển khai thực hiện được dự án.
Để chuẩn bị quỹ đất, DN đã bỏ ra một nguồn vốn rất lớn song dự án ách tắc dẫn đến bị chôn vốn, có thể rơi vào tình cảnh chết trên đống tài sản. Theo HoREA, đây là nguyên nhân dẫn đến môi trường đầu tư bất động sản thiếu minh bạch, thiếu công bằng và thiếu sự cạnh tranh lành mạnh.