Biến chủng R.1 “càn quét” qua 35 quốc gia
Quốc tế - Ngày đăng : 03:31, 24/09/2021
R.1 bị quan ngại có thể làm giảm hiệu quả của kháng thể tạo ra từ việc tiêm vaccine. Ảnh: Health Magazine |
1. Chủng R.1 hiện được phát hiện ở 35 quốc gia và 2 vùng lãnh thổ của Mỹ. Lần đầu bị phát hiện ở Nhật Bản, R.1 chứa đột biến có thể giúp nó vượt qua rào cản kháng thể ở những người đã tiêm chủng đầy đủ. Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản coi đây là biến chủng “đáng quan tâm”. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Tokyo, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 mắc biến chủng R.1 trong tháng 2 là 8%. Tuy vậy, tỷ lệ này đã tăng lên 46% trong tháng 3/2021.
Trước đó, truyền thông Mỹ cho hay, biến chủng này đã gây ra một "ổ dịch" 45 người ở một nhà dưỡng lão tại bang Kentucky, Mỹ.
Đáng chú ý, khoảng 90% cư dân và 52% nhân viên tại viện dưỡng lão đã được tiêm đủ hai mũi vaccine. Trong số những người mắc bệnh, 18 cư dân và 4 nhân viên y tế đã tiêm đủ hai mũi. Bên cạnh đó, có 4 ca bệnh được phát hiện từng mắc Covid-19, trong đó có một ca tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), những phát hiện này đặt ra mối quan ngại về sự suy giảm hiệu quả của vaccine và miễn dịch tự nhiên trước biến chủng R.1.
Tuy nhiên, vaccine vẫn có tác dụng, đặc biệt đối với số ca nhập viện và tử vong. Theo báo cáo của CDC, 75% số cư dân chưa được tiêm vaccine ở nhà dưỡng lão dương tính với chủng R.1, cao gấp 3 lần con số 25,4% ở những người đã được tiêm vaccine.
Sự chênh lệch còn cao hơn ở nhóm nhân viên y tế. Tỷ lệ mắc bệnh ở những người chưa được tiêm vaccine là 29,6%, cao gấp 4,1 lần những người đã được tiêm chủng (7,1%).
Báo cáo của CDC kết luận vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả 66,2% trong ngăn ngừa số ca nhiễm, 86,5% trong ngăn ngừa triệu chứng, 94,4% trong ngăn ngừa số ca nhập viện và tử vong trước biến chủng này.
2. Tính đến ngày 22/9, có 10.567 ca bệnh liên quan tới R.1 bị phát hiện trên khắp thế giới, theo trang Outbreak.info và nền tảng chia sẻ dữ liệu virus GISAD. Mỹ và Nhật Bản là 2 nước ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan tới chủng R.1 nhất, lần lượt là 2.259 và 7.519.
Con số hơn 10.000 ca là rất nhỏ nếu so sánh với số ca bệnh gây ra bởi các chủng khác như Delta, chủng SARS-CoV-2 đang chiếm thế áp đảo toàn cầu hiện tại. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cảnh báo R.1 nên được theo dõi kỹ.
Theo CDC, R.1 chứa “bộ ba” đột biến thường được phát hiện ở các biến chủng trước đây gồm: đột biến C241U, đột biến P323L ở polymerase NSP12 và đột biến D614G. Trong đó, đột biến D614G có thể làm gia tăng khả năng lây lan của virus. Trong khi đó, giới khoa học chưa rõ tác động của hai dạng đột biến còn lại.
“Bộ ba” này đã được phát hiện từ những biến chủng đầu tiên của virus đầu năm 2020, cũng như có trong các dạng đột biến nguy hiểm như Alpha, Beta, Gamma, Delta, Lambda hay Mu.
Bên cạnh đó, chủng R.1 còn có ba dạng đột biến ở protein gai protein (có chức năng giúp virus gắn vào thụ thể trên bề mặt vật chủ). Trong đó, hai dạng đột biến E484K và W152L đã được phát hiện ở nhiều biến chủng khác, trong khi đột biến G769V lần đầu được phát hiện ở biến chủng R.1.
Cựu GS. Đại học Y Harvard (Mỹ) William A. Haseltine cho rằng các đột biến tìm thấy trên R.1 có thể khiến mầm bệnh lây lan dễ hơn, cũng như "tăng khả năng chống lại kháng thể". Điều này có nghĩa 5 đột biến trên R.1 giúp nó né tránh những kháng thể được tạo ra bằng cách tiêm vaccine cũng như những người đã mắc Covid-19 và bình phục.
Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn tiếp tục theo dõi các chủng virus và phân loại chúng dựa trên tốc độ lây lan. Hồi đầu tuần này, các chủng Eta, Iota và Kappa đã được hạ cấp từ "biến thể cần quan tâm" xuống "biến thể được theo dõi" vì chúng dần yếu thế hơn trong việc lây lan so với các chủng khác.