"Phao" tín dụng nào có thể giúp doanh nghiệp lúc này?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 26/09/2021

Doanh nghiệp (DN) đang rất cần sự chia sẻ từ ngành ngân hàng (NH) về lãi suất, về hạn mức vay. Tuy nhiên, cũng như DN, các NH phải tính đến hiệu quả kinh tế. Vì thế, phải có sự tham gia điều tiết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc cho DN vay thông qua chính sách "củ cà rốt".

Đầu năm 2020, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01 và mới đây là Thông tư 14, theo đó kéo dài thời hạn vay và các khoản nợ, bao gồm cơ cấu thời gian trả nợ, nhóm nợ (cho giữ nguyên nhóm nợ) cùng với đó là hạ lãi suất của các khoản đã vay. Nhưng theo nhiều chuyên gia tài chính, với các khoản cho vay mới, NHNN chưa có "cây gậy" đủ mạnh mà chủ yếu là khuyến nghị, đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM) hỗ trợ DN bằng cách cung cấp tín dụng với lãi suất thấp.

Theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, DN vẫn muốn các NH hạ thêm lãi suất, tăng thêm hạn mức cho vay. Nhưng đây là bài toán khó vì NH cũng là DN, cũng phải cân đối nhiều yếu tố khi "cộng sinh" với DN theo kiểu "anh sống tôi sống, anh chết tôi cũng chết", cân bằng giữa nguồn tiền gửi và cho vay. Vì vậy, NH rất thận trọng trong việc giảm lãi suất 6 tháng trở xuống (hiện nay đang ở mức 4,5%).

Những vấn đề trên không chỉ là việc của một NH cụ thể mà là cả hệ thống NH. Rủi ro của một NH sẽ ảnh hưởng đến nhiều NH. Nợ xấu từ năm 2013 là một bài học. Năm 2017, mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 - một nghị quyết "dễ thở" trong việc xử lý nợ xấu, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa giải quyết xong. 

Cũng theo TS. Võ Trí Thành, có mấy điểm cần cân nhắc và xem xét thêm về vấn đề nợ cũ và nợ mới. Thứ nhất, nên kéo dài thời hạn khoanh nợ, giãn nợ. Trong Thông tư 14, NHNN có thể nói đến tháng 6 năm sau nhưng phải kèm theo chữ "linh hoạt", vì phía trước còn nhiều bất định.

Hơn nữa sắp tới đây, Chính phủ có thể sẽ ra nghị quyết mới cho giai đoạn hai năm phục hồi và phát triển. Vì vậy, Thông tư 14 cũng sẽ được điều chỉnh sát tình hình thực tế và có thể sẽ kéo dài thêm thời gian. Thứ hai là ý tưởng bù lãi suất từ ngân sách. Đây không phải là chuyện mới.

Năm 2009, Chính phủ đã dùng trên 23.000 tỷ đồng để bù lãi suất cho DN vay và tổng dư nợ được bù là gần 400.000 tỷ đồng. Tuy mức tín dụng thấp hơn hiện nay nhưng cách bù lãi suất ấy, theo TS. Võ Trí Thành, nhìn chung thiếu hiệu quả. Cho nên khi đặt vấn đề bù lãi suất để hỗ trợ DN, cần phải tính toán cẩn thận, chọn lĩnh vực nào để áp dụng cho hiệu quả.  

TS. Võ Trí Thành cho rằng, NHNN có thể dùng chính sách "củ cà rốt" để quản lý việc hạ lãi suất của các NHTM. Trước đây, khi cần tập trung tín dụng cho nông nghiệp ở mức 20%, ngoài cho vay theo chuỗi giá trị, NHNN còn áp dụng chính sách khuyến khích các NH tăng tỷ lệ cho vay đối với nông nghiệp, hỗ trợ DN làm nông nghiệp.

Nếu NH nào có chính sách tăng vay cho DN đầu tư vào nông nghiệp sẽ được giảm dự trữ bắt buộc. Có thể xem đây là công cụ tiền tệ, là cách "đánh thuế” NHTM rất hiệu quả mà NHNN cần áp dụng. 

Nhưng dù NHNN có dùng chính sách gì, như thế nào và áp dụng đến đâu, ông Thành nói "thị trường uyển chuyển lắm". NH với DN là cộng sinh theo kinh tế thị trường. NH và DN phải hiểu nhau. Các NH nên chia DN theo quy mô, ngành nghề và từng giai đoạn, gồm khó khăn, phục hồi và phát triển để có thể đưa ra hạn mức vay và lãi suất phù hợp.

Bởi để DN phục hồi, bứt phá cũng rất khác nhau. Có DN cần tiền trước mắt để trả lương, có DN cần vốn lưu động, DN cần tiền để cải tổ, tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ sản xuất, nhưng cũng có DN muốn mở rộng sản xuất. Vì vậy, để đánh giá, nhìn nhận thì ngoài ngành nghề, quy mô, các NH cần quan tâm đến khả năng phục hồi, phát triển của DN hiện nay để cho vay.

Hiện nay, các DN nhỏ và vừa rất yếu nhưng NH vẫn cho vay thông qua nhiều cách. Chẳng hạn như cho vay theo dòng tiền, vay thương mại hay cho vay theo chuỗi cung ứng. Trước đây, trong giai đoạn năm 2009-2010, các DN thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã hợp tác với nhau theo hình thức này để vay vốn, tạo nguồn tiền cho sản xuất, kinh doanh và cũng đã giúp nhau vượt khủng hoảng. 

(Ghi tại tọa đàm "Giải pháp tạo dòng vốn vay tín dụng cho DN sống chung với Covid" do Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Câu lạc bộ Các nhà kinh tế tổ chức)

Hồng Nga