Cho vay tiêu dùng có còn hấp dẫn?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:18, 27/09/2021
Hàng loạt thương vụ thoái vốn
Trong những ngày giữa tháng 9, SHB đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - thành viên thuộc Tập đoàn MUFG của Nhật Bản với giá trị thương vụ lên tới gần 156 triệu USD, tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng. Theo đó, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri trong thời gian tới và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau ba năm.
Đây là thương vụ thoái vốn khỏi các công ty tài chính tiêu dùng của một ngân hàng (NH) nội địa mới nhất, tiếp nối thương vụ của VPBank bán 49% vốn FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - công ty con trực thuộc Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG), với mức định giá cho FE Credit lên tới 2,8 tỷ USD và VPBank dự kiến thu về khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng.
Sau SHB, thị trường sẽ tiếp tục chờ đợi thương vụ MSB bán Công ty Tài chính Tiêu dùng FCCOM, dự kiến vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Với hệ số thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) trung bình của các thương vụ M&A công ty tài chính tiêu dùng gần đây, giới phân tích kỳ vọng MSB sẽ thu về ít nhất 500 tỷ đồng lợi nhuận từ thương vụ bán 100% FCCOM, qua đó bổ sung nguồn lực phục vụ kinh doanh của NH này.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến một năm, đã có ba thương vụ thoái vốn lớn khỏi công ty tài chính của các NH trong nước. Trước đó vào năm 2017, MBBank chuyển nhượng 49% vốn góp tại Mcredit cho Shinsei Bank, còn Mizuho đã nắm giữ 49% cổ phần của HD Finance (nay là HD Saison) thông qua Credit Saison từ năm 2014. Có thể thấy các nhà đầu tư mua lại chủ yếu là các tập đoàn tài chính hàng đầu đến từ Nhật Bản.
Đánh giá về các thương vụ thoái vốn, các NH hầu hết cho rằng sự hợp tác với các tổ chức tài chính hàng đầu nước ngoài sẽ giúp các công ty tài chính trong nước nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành, kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á.
Sức hẫp dẫn của “miếng bánh” cho vay tiêu dùng
Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc thoái bớt vốn tại các công ty tài chính cũng giúp các NH phân tán được rủi ro, sau một thời kỳ tăng trưởng quá nóng ở mảng cho vay tiêu dùng. Thống kê cho thấy, dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 20% tổng dư nợ nền kinh tế và đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012.
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo Việt Nam cần theo dõi cẩn thận sự gia tăng của nợ xấu và thúc đẩy áp dụng quy định về an toàn vốn theo chuẩn Basel II đối với các NH.
Với sự xuất hiện hàng loạt ví điện tử cung cấp những dịch vụ tài chính cơ bản, mà còn từ hành vi của người tiêu dùng ắt hẳn sẽ có nhiều thay đổi trong đại dịch cũng như sau này, với nhu cầu vay tiêu dùng có thể sẽ bị suy yếu vì những bất ổn như vừa qua.
Dù rủi ro của các khoản cho vay tiêu dùng đang ngày càng tăng, nhưng về phần mình, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có lý do để rót vốn vào lĩnh vực này.
Đầu tiên là nhờ có khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ trong môi trường lãi suất siêu thấp tại Nhật Bản, các tập đoàn tài chính nước này những năm qua đã tìm đến những thị trường có suất sinh lời cao hơn, mà Việt Nam luôn là một điểm đến hấp dẫn.
Bên cạnh đó, do bị hạn chế rót vốn vào các NH trong nước vì những quy định về tỷ lệ sở hữu, nên các tập đoàn này cũng buộc phải tìm đến các công ty tài chính như một phương án thay thế.
Tuy nhiên, điều tiên quyết nhất là các tổ chức này vẫn kỳ vọng dư địa tăng trưởng tại Việt Nam nhờ quy mô dân số gần 100 triệu, dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi.
Dù vậy, cần phải thừa nhận rằng việc các NH trong nước bán bớt vốn hoặc thoái hết vốn ở các công ty tài chính, không chỉ để phân tán rủi ro mà còn cho thấy dường như các tổ chức này đánh giá “miếng bánh” cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã giảm dần sức hấp dẫn so với giai đoạn trước.
Không chỉ mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt và quyết liệt hơn, với sự xuất hiện hàng loạt ví điện tử cung cấp những dịch vụ tài chính cơ bản, mà còn từ hành vi của người tiêu dùng ắt hẳn sẽ có nhiều thay đổi trong đại dịch cũng như sau này, với nhu cầu vay tiêu dùng có thể sẽ bị suy yếu vì những bất ổn như vừa qua.