Kỳ 1: Những quy định mơ hồ của Luật điện ảnh

Đời thường - Ngày đăng : 07:00, 30/09/2021

Sự mơ hồ và viện dẫn luật một cách chủ quan của Hội đồng kiểm duyệt khiến không ít nhà làm phim bị “bắt chẹt”. Điều đáng nói, ngay cả trong quy định của Luật điện ảnh, các điều luật cũng vẫn rất chung chung.

Ai góp ý giơ tay lên! là cuộc thảo luận trực tuyến của giới làm phim Việt diễn ra vào chiều 26/09/2021, chia sẻ thẳng thắn những bất cập, cản trở của Luật điện ảnh đến hoạt động sáng tạo, phát triển nền điện ảnh Việt trong những năm qua; đồng thời, đưa ra các khuyến nghị, đề xuất cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang được Ban soạn thảo Quốc hội thảo luận và chỉnh sửa những ngày qua.

Sự kiện quy tụ nhiều tên tuổi của giới làm phim như: Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn, Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Nguyễn Vinh Sơn, Nguyễn Quang Huy, Trần Thanh Huy, Tạ Nguyên Hiệp...

ai-gop-y-4332-1632911478.png

Các nhà làm phim dự tọa đàm "Ai góp ý giơ tay lên!"

Thế nào là “xuyên tạc” và “kết thúc bi quan, bế tắc”?

Chủ đề nhức nhối được mang ra mổ xẻ tại sự kiện là quy chuẩn và sự minh bạch trong vấn đề kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh. Theo các đạo diễn, việc kiểm duyệt phim cần dựa trên nguyên tắc cơ bản - điện ảnh là hư cấu. Tuy vậy, nhiều tác phẩm vẫn bị “quy tội” xuyên tạc, sai sự thật và ép sửa oan uổng.

Chia sẻ về việc các đề tài như chiến tranh, đời sống tâm linh… bị kiểm duyệt nhiều và không được phát hành, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: Cần có một định nghĩa rõ ràng về “gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước”. Ví dụ trong trường hợp phim lịch sử nói về những cuộc xâm lược của kẻ thù với dân tộc ta có bị xem là gây hận thù giữa các dân tộc hay không?

Anh cũng cho rằng Luật điện ảnh cần có sự quy định rõ ràng để phân biệt giữa mê tín dị đoan và vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa tâm linh. Quy định cấm “làm phim trái tự nhiên” đồng thời cũng tước đi một công cụ quan trọng của người sáng tạo, chính là đi ngược với tự nhiên để mở ra những chân trời mới trong kể chuyện.

Một ví dụ hài hước được nêu ra về kiểm duyệt. Trong phim Thưa mẹ con đi có cảnh một đám giỗ xảy ra ẩu đả khiến con gà cúng bị rớt xuống đất. Dụng ý của đạo diễn để minh chứng cho sự hỗn loạn của trận đánh nhau. Thế nhưng hội đồng duyệt lại bắt bỏ chi tiết đó đi bởi cho rằng như vậy là đi ngược với truyền thống tôn giáo của dân tộc ta vì “gà cúng thì phải nằm trên bàn thờ chứ ai lại để dưới đất”!

“Những bộ phim khoa học viễn tưởng, phim kỳ ảo, đều dựa trên sự đi ngược lại tự nhiên và đặt ra những quy luật mới cho những thế giới kỳ ảo đầy sự tưởng tượng của người làm phim: con người có thể bay, con người có thể có phép siêu nhiên, con người có thể hóa phép. Ma quỷ, hay thế giới bên kia, là một phần của văn hóa truyền thống, nay cũng bị hạn chế trong việc khai thác, trong khi các nước khác được khai thác và trình chiếu ngay chính tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự bất công trong đối xử với người làm phim trong nước, và chúng ta đã xử thua cho chính mình ngay trên sân nhà” - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bày tỏ.

Hiện khoản 1, điều 11 dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) có đến 12 điều cấm, bao gồm: vi phạm Hiến pháp, tuyên truyền chống Nhà nước, ủng hộ khủng bố, kích động tôn giáo, xuyên tạc lịch sử, kích động bạo lực qua “thể hiện chi tiết các cảnh tra tấn dã man, tàn bạo”, các nội dung dâm ô, trụy lạc, mê tín dị đoan… Theo các nhà làm phim 12 điều này còn rất mơ hồ và dễ suy diễn.

phim-rom-7882-1632911478.jpg

Để được ra rạp Việt, "Ròm" của Trần Thanh Huy phải chỉnh sửa cũng như bị phạt dù đã được giải tại LHP Busan

Trần Thanh Huy - đạo diễn phim Ròm chia sẻ trải nghiệm đau đớn của anh trong quá trình kiểm duyệt, khi bộ phim từng bị hội đồng duyệt khi đó gán ghép là “mô tả u ám cá nhân về đời sống nhân vật, kết phim bi quan, bế tắc, không nhân văn; mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, phê phán chính trị xã hội”.

“Dù tôi biết mình bị oan nhưng ở thời điểm quyết định tôi không thể nói dù chỉ 1 chữ. Tôi đâu có đại diện cho ai để phê phán hay lên án chính trị xã hội? Còn sự liên tưởng mang ẩn ý ám chỉ, toàn bộ là góc nhìn phiến diện của hội đồng duyệt phim lúc đó mà thôi”, Trần Thanh Huy cho biết.

Nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo chia sẻ chuyện phim Vị (đạo diễn Lê Bảo) nhận án cấm phát hành vì “phim có nội dung dung tục”, đến mức chị và đạo diễn phim đã phải chấp nhận từ bỏ quyền sở hữu, quyền tác giả của bộ phim.

“Sẽ không có 1 ai bỏ ra 7 năm cuộc đời để làm một bộ phim dung tục và sẽ không có một quỹ điện ảnh nào đầu tư cho một bộ phim như vậy. Lệnh cấm phát hành đã không hề dựa trên góc độ xem xét tính nghệ thuật của bộ phim. Lê Bảo và tôi đã phải chấp nhận từ bỏ quyền tác giả, quyền sở hữu của bộ phim để có thể cứu được ‘đứa con’ của mình” - Phương Thảo kể.

“Cái gì là đúng, cái gì là sai”?

Không chỉ các nhà làm phim trẻ, những đạo diễn kỳ cựu của điện ảnh Việt cũng chia sẻ chung nỗi băn khoăn và bất lực.

Đạo diễn Charlie Nguyễn - người từng trải nghiệm việc nhận án cấm phát hành với phim Bụi Đời Chợ Lớn đau đáu với câu hỏi suốt nhiều năm: “Nhiều khi tôi hoang mang về tính hợp lý khi mà kiểm duyệt, mình không biết nó hợp lí chỗ nào? Tôi bị nhìn như một người phản động, đem lại những điều xấu xa qua bộ phim của mình. Chúng tôi không hề nhận một văn bản cụ thể về việc sẽ sửa gì, chúng tôi sai gì, ở đâu để chúng tôi có thể chỉnh sửa bộ phim. Chúng tôi không hề biết phải sửa gì để cho nó đúng. Đến giờ này, tôi vẫn không biết cảnh nào trong Bụi Đời Chợ Lớn bị cho cổ súy bạo lực khi đây là một phim thuộc thể loại hành động võ thuật”.

Đồng thời, theo anh, một nền võ thuật Việt Nam lâu đời nhưng lại không được khai thác, một cơ hội đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới đã bị hủy hoại.

Tất cả những ngăn cấm mơ hồ của chiếc lưới kiểm duyệt đã đẩy các nhà làm phim nhiều thế hệ vào thế “đúng cũng không biết mình đúng cái gì? Và sai cũng không biết là mình sai cái gì?” như nhà sản xuất Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh.

vi-le-bao-3063-1632911478.jpg

Dù được đánh giá cao và nhận được nhiều giải thưởng tại các LHP uy tín nhưng "Vị" của Lê Bảo vẫn vướng phải lưỡi kéo kiểm duyệt của Việt Nam. Để bảo vệ đứa con tinh thần, nhà sản xuất và đạo diễn bộ phim đã quyết định từ bỏ quyền sở hữu tác phẩm

Tham dự từ nước Pháp, đạo diễn Trần Anh Hùng kết luận: “Nghệ thuật chính là một công cụ để giáo dục người dân, tôi không đồng ý với góc nhìn này của các nhà kiểm duyệt. Một người nghệ sĩ không có mục đích giáo dục khi sáng tạo, họ chỉ muốn nêu lên những khúc mắc trong tâm hồn. Nếu hội đồng duyệt có những người có suy nghĩ đó, sẽ rất khó để chúng ta có thể trao đổi với hội đồng duyệt phim”.

“Khi trở về Việt Nam, tôi muốn làm Mùa hè chiều thẳng đứng để kể về con người Việt Nam, chỉ có thể thôi nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn. Khi mà tôi đụng vào nội dung Việt Nam, tôi đã phải chịu thua về sự tự kiểm duyệt. Tôi không thể nào thuyết phục một nhà sản xuất Pháp tới Việt Nam để làm phim về Việt nam được”, anh cho biết thêm.

“Có thể cho tôi biết chi tiết trong luật là tôi được làm và không được làm cái gì không? Làm sao có một bộ tiêu chí về xuyên tạc, để bảo vệ sáng tạo nhưng không bỏ lọt qua dụng ý xấu ảnh hưởng đất nước?” - trăn trở của Trần Thanh Huy có lẽ cũng chính là trăn trở của rất nhiều nhà làm phim Việt hiện nay.

Kỳ 2: Làm thế nào để luật đồng hành cùng điện ảnh?

Hồng Như