Nét đẹp văn hóa độc đáo của Bỉ
Quốc tế - Ngày đăng : 05:00, 02/10/2021
Đã được nâng cốc uống mừng sau thời gian giãn cách |
Các cửa hàng được mở cửa nhưng do chưa có đông du khách nước ngoài, trong khi du khách nội địa ít ỏi, lại thờ ơ với các mặt hàng khá xa xỉ nên mức tiêu thụ sôcôla còn chậm, bia thì có khả quan hơn. Những ngày này, có đến Quảng trường Lớn (Grote Markt) của thành phố cảng Antwerp - nơi tập trung hàng trăm cửa hiệu sôcôla từ bao năm qua, mới thấy tình trạng đáng buồn của "sôcôla ngon nhất thế giới" theo cách xưng tụng về sôcôla Bỉ lâu nay.
Trước đây, các cửa hàng luôn sáng đèn, trong tủ kính bày biện sôcôla đủ loại hình dáng, hương vị và luôn tấp nập khách hàng, thì nay không níu nổi chân người qua lại trên phố xá.
Các sân bay quốc tế ở Bỉ, vốn được xem là thị trường tiêu thụ sôcôla hàng đầu thế giới, đã "đóng băng" hơn một năm qua. Trước đây, theo ước tính cứ 10 hành khách đi qua các sân bay Bỉ sẽ có một người mua sôcôla. Mỗi năm lượng sôcôla bán ra ở các sân bay quốc tế tại Bỉ lên đến hàng tấn. Giờ thì nhiều cửa hàng sôcôla ở sân bay đã phá sản do đóng cửa quá lâu, cũng có đôi chỗ bắt đầu mở cửa ngay khi các chuyến bay thương mại đầu tiên được nối lại, nhưng có lẽ cần nhiều thời gian để khôi phục nhịp sống bình thường.
Sản xuất và buôn bán sôcôla không chỉ là một ngành thương mại chủ lực, mà còn là một nét đẹp văn hóa ở xứ sở của Tintin. Do vậy, nhiều chủ cửa hàng thổ lộ, dù cả năm dài không mở cửa, không bán được dù chỉ một thỏi sôcôla, vẫn duy trì cửa hàng, vẫn ngày ngày vệ sinh sạch đẹp và giữ gìn không gian văn hóa riêng. Các xưởng sản xuất sôcôla dù phải cắt giảm nhân viên nhưng vẫn duy trì hoạt động trong giai đoạn giãn cách.
Bia Bỉ cũng có sức thu hút và phổ biến không kém sôcôla. Thật khó hình dung được hết sự đa dạng và phong phú của thức uống này ở Bỉ. Ở đất nước có chưa tới 12 triệu dân, diện tích thuộc loại nhỏ nhất châu Âu nhưng có đến hơn 300 nhà máy, cơ sở sản xuất bia, với khoảng 1.500 nhãn hiệu bia gồm 700 hương vị khác nhau, từ bia được ủ bằng men gia truyền đến bia của những nhà máy lớn, nên bất kỳ ai cũng có thể tìm được một loại bia nào đó phù hợp với mình. Trong số đó có nhiều nhãn bia nổi tiếng thế giới như Pils, Trappist, Chimay... Chính vì thế, vào năm 2016, bia Bỉ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bia Bỉ xuất khẩu khắp thế giới trong khi trung bình mỗi người Bỉ uống khoảng 70 lít bia/năm. Thế mà suốt nhiều tháng qua, do không tổ chức tiệc tùng, cũng không gặp gỡ cuối tuần và không có những bữa ăn ở nhà hàng, quán xá nên bia Bỉ hầu như bị quên lãng. Nay nhà hàng được mở cửa trở lại, người Bỉ đã có thể vui vẻ nâng ly vào dịp cuối tuần, nhưng vì du lịch vẫn chưa thật sống động nên sản lượng bia còn thấp, chưa đạt được 50% so với trước đây. Thế cũng đã khả quan hơn so với sôcôla.
Nhiều chủ cửa hàng sôcôla, quán bia ở Bỉ cho rằng, dù thế giới có biến động đến mức nào đi nữa thì tình yêu của người Bỉ dành cho hai sản phẩm trứ danh này sẽ không bao giờ mất. Họ vẫn kiên nhẫn, giúp đỡ nhau tìm ra giải pháp để khôi phục thị trường. "Đây không phải là món ăn hoặc thức uống thông thường, mà là một nét đẹp văn hóa lâu đời không thể tách rời khỏi người dân Bỉ”, ông chủ một hãng sôcôla ở Brussels khẳng định.
(*) Từ Brussels, Bỉ