Cần chính sách chưa từng có trong lịch sử để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân TP.HCM
Trong nước - Ngày đăng : 05:50, 02/10/2021
Khó khăn nhất sau 35 năm đổi mới
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri DN trên địa bàn TP.HCM ngày 2/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 9 tháng năm 2021 có hơn 90.300 DN ngừng hoạt động, riêng TP.HCM có gần 16.000 DN ngừng hoạt động và giải thể.
Kinh tế quý III/2021 của TP.HCM âm 24,39%, cả ba quý âm 4,98%. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua.
"Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tình hình kinh tế và an sinh xã hội là vấn đề bức bối trong giai đoạn hiện nay khi lực lượng lao động giảm trên 22% so với cùng kỳ. Toàn bộ nền kinh tế TP, thu nhập, sức mua của người dân, DN bị thiệt hại rất lớn từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4" - Chủ tịch nước chia sẻ và nhận mạnh: "đây là thời kỳ khó khăn nhất sau 35 năm đổi mới".
Chia sẻ cụ thể tình hình các DN tại TP.HCM, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, DN TP vừa trải qua chuỗi ngày "vô cùng khắc nghiệt". Hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa từ ngày 9/7 đến nay, chỉ một tỷ lệ chưa đến 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến".
Ông Dũng cho hay, tổng số DN tại KCN, KCX là 1.412 DN với 285.000 lao động, chỉ có 652 DN với 51.000 lao động hoạt động. Còn tại Khu công nghệ cao có 115 DN, song chỉ có 63 DN hoạt động với 11.000 lao động. Các DN bên ngoài khu hầu hết nghỉ để phòng chống dịch, chỉ khoảng 15% hoạt động cầm chừng.
Cũng theo ông Chu Tiến Dũng, các DN còn duy trì hoạt động chủ yếu để bảo đảm sản xuất cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và duy trì chuỗi cung ứng xuất khẩu theo các đơn hàng đã ký kết cũng như duy trì đội ngũ công nhân chủ chốt. Tuy nhiên, tình hình này khiến DN thêm nhiều gánh nặng chi phí, nguy cơ thua lỗ cao, không thể kéo dài bền vững được.
Mặc dù khó khă,n, thế nhưng các DN vẫn dốc hết sức chung tay cùng TP phòng chống dịch, đóng góp sức người sức của cùng TP chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, chăm lo đời sống, tinh thần cho các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là thời kỳ khó khăn nhất sau 35 năm đổi mới |
Theo ông Chu Tiến Dũng, nhiều DN, doanh nhân đã kiên cường vượt khó, tiếp tục duy trì tổ chức sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến"... Tuy rất tốn kém, không có lợi nhuận nhưng nhằm đảm bảo đủ nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân. Đồng thời, giữ cho kinh tế TP không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.
“Đã có nhiều doanh nhân, công nhân, người lao động hy sinh vì nhiễm Covid-19, những tổn thất vô cùng lớn lao”, ông Dũng chia sẻ.
Cần giải pháp, chính sách chưa từng có để hỗ trợ DN
Nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, kinh tế xã hội TP.HCM đứng trước lịch sử chưa từng có, vì vậy, cần phải có các chính sách, giải pháp chưa từng có để hỗ trợ DN, người dân.
Theo ông Nhân, Nhà nước và TP cần hỗ trợ dòng tiền cho DN sản xuất, kinh doanh. Chỉ khi có được nguồn tiền, DN mới có thể hỗ trợ người lao động để họ gắn bó với DN. Để đảm bảo công tác an sinh xã hội, chính quyền TP nên cấp tiền trực tiếp cho từng người dân khó khăn và tạo điều kiện giúp người dân có thu nhập. Bởi nếu người dân không có thu nhập thì dù DN có sản xuất cũng không bán được hàng.
Nghiên cứu từ các nước cho thấy, nên dùng nợ công làm gói cứu trợ người dân khó khăn. Chẳng hạn Mỹ đã dùng 3 gói cứu trợ tương đương 23% GDP để hỗ trợ người dân và DN. Mức trung bình của 14 nước mà ông Nhân nghiên cứu đã dùng nợ công với 20,6% để cứu nền kinh tế. Với kinh nghiệm từ các nước, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất nên có gói tài trợ tương đương 6,5% GDP để hỗ trợ khó khăn cho người dân hiện nay.
“Quốc hội phải có đề xuất đặc biệt, sử dụng nợ công mức đặc biệt để hỗ trợ người dân, DN trong điều kiện đặc biệt hiện nay”, Nguyên Bí thư Thành uỷ đề nghị.
Nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai, từ phải sang) đề đề xuất nên có gói tài trợ tương đương 6,5% GDP để hỗ trợ khó khăn cho người dân hiện nay |
Ghi nhân 12 ý kiến đại diện cho các DN ở nhiều lĩnh vực tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổng hợp đầy đủ để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng cũng như Thành uỷ, UBND TP.HCM.
Chủ tịch nước cho rằng, cần tăng cường chính sách miễn, giảm thuế thay vì chỉ giãn hoặc hoãn một số loại thuế để hỗ trợ DN, đồng thời tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.
Chủ tịch nước cũng đề nghị ngân hàng tiếp tục chia sẻ hơn nữa khó khăn của ngành kinh tế, chủ động giảm lãi suất hết mức có thể để hỗ trợ các DN và người dân.
"Chúng ta không đặt vấn đề lợi nhuận lên trên mà phải chia sẻ lợi nhuận này một phần cho sản xuất, kinh doanh. Đây là điều hết sức cần thiết tại thời điểm này. Việc này cần được làm tốt hơn với mọi ngân hàng chứ không riêng các ngân hàng lớn của nhà nước”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.