Bài 1: Cứ 3 bệnh nhân Covid-19 hồi phục thì có 1 người bị di chứng tâm thần
Sống khỏe - Ngày đăng : 01:00, 03/10/2021
Bệnh nhân Covid-19 hồi phục bị rối loạn lo âu và rối loạn tâm trạng nhiều nhất
Thông tin này đã gây chấn động và ngay lập tức BBC News, CNN, CNBC… đều có bài về kết quả nghiên cứu này.
Các GS. của khoa Tâm thần học trường ĐH Oxford (Anh Quốc), trong đó người dẫn đầu là Paul Harrison đã phân tích hồ sơ sức khỏe của 577.996 bệnh nhân. Trong đó, 236.379 bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ ngày 20/1/2020 đến ngày 13/12/2020. Kết quả của những bệnh nhân này được so sánh với kết quả của 105.579 bệnh nhân mắc bệnh cúm và 236.038 bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác trong cùng một khoảng thời gian.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 6 tháng sau khi khỏi bệnh, 1 trong 3 bệnh nhân Covid-19 đã bị các di chứng tâm thần và rối loạn thần kinh.
Con số thậm chí còn cao hơn đối với những người từng bị Covid-19 nặng. Tâm trạng lo âu hoặc rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến 24% tổng số bệnh nhân nhưng tỷ lệ này tăng lên 25% ở những người nhập viện, 28% ở những người được chăm sóc đặc biệt và 36% ở những người bị mê sảng khi nhiễm virus Covid.
Nhìn chung, di chứng tâm thần và rối loạn thần kinh ở những bệnh nhân Covid-19 phổ biến hơn và có tỷ lệ cao hơn những người bị cúm hoặc bị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Các bệnh tâm thần chẩn đoán phổ biến nhất ở bệnh nhân Covid-19: 17% mắc chứng rối loạn lo âu; 14% mắc chứng rối loạn tâm trạng; 7% mắc chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện; 5% mắc chứng mất ngủ.
Tỷ lệ chung của các vấn đề thần kinh thấp hơn, bao gồm 0,6% đối với xuất huyết não, 2,1% đối với đột quỵ do thiếu máu cục bộ và 0,7% đối với chứng sa sút trí tuệ.
Tình trạng rối loạn thần kinh phổ biến hơn ở những bệnh nhân Covid-19 nặng phải nhập viện. Ví dụ, trong số các bệnh nhân được đưa vào chăm sóc đặc biệt, 7% bị đột quỵ và gần 2% được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ.
Trong số các bệnh nhân Covid bị di chứng tâm thần và rối loạn thần kinh thì có 13% bệnh nhân bị chẩn đoán như vậy lần đầu tiên. Nhưng ngay cả khi di chứng tâm thần và rối loạn thần kinh là sự tái phát của một vấn đề đã có từ trước, cũng không loại trừ khả năng virus Covid đã tác động xấu lên não.
Kết quả của nghiên cứu này nhấn mạnh các bệnh nhân Covid sau khi hồi phục cần được tái khám và chăm sóc tâm thần, cũng như các nhà khoa học cần theo dõi thêm về di chứng này.
Bệnh nhân Covid hồi phục bị rối loạn lo âu và rối loạn tâm trạng nhiều nhất |
Virus Covid-19 tác động lên hệ thần kinh nhiều hơn các loại virus khác
Các nhà nghiên cứu lý giải, lo âu và rối loạn tâm trạng là di chứng phổ biến nhất của những bệnh nhân Covid đã hồi phục, có thể phát xuất từ sự căng thẳng của trải nghiệm bị ốm nặng hoặc phải nhập viện.
Các di chứng khác là đột quỵ và sa sút trí tuệ ở bệnh nhân có thể phát sinh từ tác động sinh học của chính virus hoặc phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng nói chung.
GS. thần kinh học Masud Husain của trường Đại học Oxford đã đưa ra bằng chứng virus xâm nhập vào não và gây ra tổn thương trực tiếp hoặc gián tiếp như ảnh hưởng đến quá trình đông máu, có thể dẫn đến đột quỵ. Khi cơ thể phản ứng với bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến não.
GS. Paul Harrison, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Ngoài các triệu chứng đặc trưng của nhiễm trùng Covid như sốt, ho và khó thở, 25% số người bị các triệu chứng liên quan đến não và hệ thần kinh của họ, bao gồm chóng mặt, nhức đầu, suy nhược, mệt mỏi, gọi là "sương mù não" hoặc suy giảm nhận thức, gây khó khăn cho việc ghi nhớ, học tập và tập trung. Trong khi ở các bệnh khác, một số triệu chứng có xu hướng biến mất sau khi bệnh nhân hồi phục, một số người sống sót sau Covid lại bị ảnh hưởng lâu dài".
Một nghiên cứu trên tạp chí Y học New England đã kiểm tra mô não của những người chết vì Covid và nhận thấy có sự kết hợp giữa tình trạng viêm và rò rỉ các mạch máu trong não.
"Đáng buồn thay, nhiều rối loạn được xác định trong nghiên cứu này có xu hướng mãn tính hoặc tái phát, vì vậy chúng tôi có thể dự đoán rằng tác động của Covid-19 có thể tồn tại với chúng ta trong nhiều năm", Jonathan Rogers - GS. trường Đại học College London, viết trong một bài xã luận đồng hành cùng nghiên cứu của GS. Harrison. Cả hai bài viết đều được xuất bản vào ngày 6/4 trên tạp chí The Lancet.
Brittany LeMonda là bác sĩ tâm lý thần kinh cấp cao tại bệnh viện Lenox Hill ở thành phố New York. Đọc qua nghiên cứu của nhóm giáo sư trường ĐH Oxford, bà đưa ra giả thuyết "virus Covid có thể 'vạch mặt' hoặc đẩy nhanh quá trình biểu hiện của một số tình trạng tâm thần và thần kinh tiềm ẩn".
Nói cách khác, "có thể ... cá nhân đó sẵn có các yếu tố tâm thần tiềm ẩn và virus gây căng thẳng cho hệ thống đủ để các triệu chứng này trở nên trầm trọng về mặt lâm sàng", LeMonda nói.
“Long Covid” ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng sống của bệnh nhân?
Ngày 22/7/2021, The Lancet công bố nghiên cứu của nhóm giáo sư các trường ĐH Hoàng Gia London, King's College London, Cambridge (Anh Quốc) và ĐH Chicago (Mỹ), cho thấy những bệnh nhân Covid-19 hồi phục sau đó sẽ bị suy giảm nhận thức.
Kết quả có được từ việc phân tích dữ liệu 81.337 bệnh nhân Covid đã hồi phục. Những người đã hồi phục sau Covid-19, bao gồm cả những người không còn triệu chứng, có biểu hiện thiếu hụt đáng kể về nhận thức so với các đối tượng khác. Sự thiếu hụt có quy mô lớn hơn đối với những người đã nhập viện. Phân tích chi tiết hơn đã hỗ trợ giả thuyết rằng Covid-19 đã tác động đa chiều lên nhận thức của con người.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người mắc bệnh Covid-19 nặng vẫn còn các triệu chứng kéo dài, bao gồm cả giai đoạn bán cấp tính và giai đoạn đầu mãn tính, thường được gọi là "Long Covid", biểu hiện như năng lượng thấp, mất tập trung, mất phương hướng và khó diễn đạt.
Ngày 9/9/2021, một nghiên cứu khác của nhóm các giáo sư thuộc Khoa Tâm thần, trường ĐH Sorbonne, Paris (Pháp) đăng tải trên trang Frontiersin (**) với tựa đề Cần phòng ngừa khẩn cấp di chứng tâm thần do SARS-CoV-2 gây ra cho biết đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra hậu quả trầm trọng đến sức khỏe và xã hội mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương tế bào thần kinh, dẫn đến khuyết tật nhận thức thần kinh. Tuy nhiên, nhiều rối loạn tâm thần có thể mất vài năm mới xuất hiện, và vẫn khó phân biệt giữa các yếu tố liên quan đến bản thân sự nhiễm trùng hay là bối cảnh toàn cầu của đại dịch.
Mối liên hệ giữa các bệnh lý tâm thần và virus RNA, đặc biệt là coronavirus, đã được xác định rõ ràng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sống sót sau SARS có tỷ lệ mắc bị trầm cảm, lo âu và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) cao.
Một nghiên cứu đầu tiên so sánh tình trạng tâm thần của 103 bệnh nhân nhập viện có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 với 103 bệnh nhân khỏe mạnh được tuyển chọn từ các cộng đồng địa phương, đã chỉ ra rằng bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện trầm cảm, lo âu và PTSD ở mức độ cao hơn.
Hơn nữa, một nghiên cứu khác với 126 bệnh nhân Covid-19 sống sót trong thời kỳ dưỡng bệnh cho thấy một tỷ lệ đáng kể các triệu chứng trầm cảm (38,1%), PTSD (31%) và lo âu (22,2%). Tương tự như vậy, một nghiên cứu đánh giá các triệu chứng tâm thần ở 402 bệnh nhân Covid-19 sống sót sau 1 tháng nhập viện cũng cho thấy tỷ lệ đáng kể về lo âu (42%), mất ngủ (40%), trầm cảm (31%), PTSD (28%), và các triệu chứng ám ảnh cưỡng chế (20%).
Trong số các bệnh tâm thần mới được chẩn đoán cho đến 90 ngày sau khi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh phổ biến nhất là rối loạn lo âu (4,7%), rối loạn tâm trạng, đặc biệt là trầm cảm (lần lượt là 2 và 1,7%), mất ngủ (1,9%, trong đó 60%. không liên quan đến lo lắng) và sa sút trí tuệ (1,6% bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên).
Mặc dù thiếu các yếu tố nguy cơ cụ thể của di chứng tâm thần, những kết quả trước đây cho thấy nhiễm SARS-CoV-2 bất lợi đối với sức khỏe tâm thần và nêu bật nhu cầu cấp thiết về việc thiết lập các quy trình phòng ngừa cá nhân hóa.
Những người sống sót có tỷ lệ mắc các triệu chứng tâm thần cao, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống của họ, chưa kể gây áp lực đối với việc chăm sóc tâm thần của ngành y tế. Điều oái ăm là có những rối loạn tâm thần mất vài năm mới bộc lộ.
Một cuộc tham vấn tâm thần cho những bệnh nhân Covid hồi phục nên được lồng ghép một cách có hệ thống trong quá trình chăm sóc họ tại bệnh viện, hoặc có thể tổ chức tư vấn qua điện thoại hoặc tại nhà. Một cuộc tư vấn chuyên khoa sau 2 tuần và 1 tháng với bác sĩ tâm thần nên được cung cấp cho tất cả các bệnh nhân đã bị Covid-19 thể vừa và thể nặng. Đây là lời khuyên của các chuyên gia tâm lý.
Bài 2: Những cách trị liệu dành cho bệnh nhân bị di chứng Long Covid
(*) Tạp chí y khoa The Lancet uy tín của Anh Quốc, xuất bản hằng tuần, chuyên công bố các nghiên cứu lâm sàng về sức khỏe tâm thần của các nhà khoa học trên khắp thế giới, phạm vi tiếp cận rộng rãi trên toàn cầu với hơn 84 triệu lượt truy cập hằng năm trên TheLancet.com và 141 triệu bài báo được tải xuống trên TheLancet.com và ScienceDirect. The Lancet được bác sĩ phẫu thuật người Anh Thomas Wakley (1795-1862) lập ra vào năm 1823. Các nghiên cứu về sức khỏe tâm thần đăng trên tạp chí The Lancet được đưa tin thường xuyên trên AP, BBC, CNN, Financial Times, The Guardian, The New York Times, NPR và The Washington Post. (**) Frontiers Media SA (Frontiers) là nhà xuất bản học thuật truy cập mở (Open Access) được đánh giá rất cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và y học. Frontiers được thành lập năm 2007 bởi một nhóm các nhà nghiên cứu thần kinh học, gồm Henry và Kamila Markram, sau đó dần mở rộng sang nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học khác. Các bài báo được xuất bản trên các tạp chí Frontiers nhận được trung bình 3,65 trích dẫn, tỷ lệ trích dẫn trung bình cao thứ 4 trong số 20 nhà xuất bản tạp chí học thuật lớn nhất thế giới. |